Tại buổi lễ này, chương trình nghị sự đã được điều chỉnh một phần để lồng ghép thêm các hoạt động tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại và đáng kính của dân tộc Việt Nam, vừa qua đời. Ông Pierre Laurent tâm sự: "Chúng tôi rất xúc động khi nghe tin ông qua đời. Trên báo Nhân đạo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp) những ngày qua, chúng tôi đã dành cả một phần hồ sơ gồm nhiều trang về cuộc đời và sự nghiệp của Tướng Giáp. Trong nhiều thập kỷ, Đảng Cộng sản Pháp đã luôn sát cánh cùng với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Và trong suốt cuộc chiến đấu đó, chúng tôi may mắn được gần ông. Chính vì vậy, đối với chúng tôi, ông là một người anh lớn".
Trong bài diễn văn chính thức đọc tại buổi lễ sau đó, người đứng đầu Đảng Cộng sản Pháp đã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người lính dành trọn cuộc đời phục vụ dân tộc và nói rộng ra, phục vụ cả nhân loại.
Ông nói: "Để bảo vệ nền độc lập của mình, dân tộc Việt Nam buộc phải cầm vũ khí và họ đã trao trọng trách lãnh đạo cuộc chiến đấu cho một vị tướng không được đào tạo qua trường lớp quân sự, một vị tướng tự nhận mình là "vị tướng của hòa bình chứ không phải của chiến tranh" và vị tướng đó đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi.
Tướng Giáp cũng như các đồng chí của mình và cả dân tộc Việt Nam đã phải trải qua bao đau khổ, bất công... nhưng chưa bao giờ nhận diện nhầm kẻ thù, nhầm cuộc chiến. Họ đã chiến đấu chống lại các kẻ thù hùng mạnh được trang bị vũ khí tối tân và đã chiến thắng. Chiến thắng của họ đã khích lệ các dân tộc trên thế giới đứng lên và "tạo ra lịch sử".
Quang cảnh buổi tưởng niệm ở Paris. |
Khi được hỏi về cảm tưởng của mình khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, bà Hélène Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt (AAFV) đã bày tỏ sự đau buồn và thương tiếc.
Theo bà, ông đích thực là người đại diện cho cuộc đấu tranh chống thực dân và độc lập dân tộc của Việt Nam. "Là người tài năng, một người khổng lồ, một nhà chiến lược vô song và được cả thế giới công nhận, ông đã cống hiến cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh cùng với nhân dân Việt Nam, dựa vào sức mạnh của nhân dân để giành chiến thắng trong cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp, chống lại quân đội Mỹ, một quân đội mạnh được trang bị tốt hơn nhiều, với cả máy bay B52".
"Người Pháp rất khâm phục trận Điện Biên Phủ, chiến dịch mà quân đội Pháp đã hoàn toàn bị bất ngờ, không hiểu điều gì đã xảy ra. Tại đó, người Việt Nam đã đi bộ, dùng xe đạp, ngựa, ai có phương tiện gì thì dùng phương tiện đó, cả dân tộc tham gia vào cuộc chiến đấu chống thực dân, vì hòa bình. Vì thế, Tướng Giáp là một tấm gương sáng của nhân loại và hôm nay, tất cả các dân tộc trên thế giới nghiêng mình trước tin ông ra đi, và ghi nhận những gì ông đã cống hiến".
Bà cũng kể lại câu chuyện về lần gặp gỡ duy nhất với Đại tướng: "Trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, phái đoàn Việt Nam đã ở tại thành phố Choisy-le-Roi 5 năm. Nhân lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1978, tôi và chồng tôi, khi đó là Thị trưởng thành phố, đã được mời sang thăm Việt Nam và thật may mắn được gặp Tướng Giáp. Khi ông nghe thấy có người nói tiếng Pháp, ông đi tới và hỏi : “Các bạn là người Pháp à? Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều". Chúng tôi đã trả lời: “Không, chính chúng tôi mới phải cảm ơn về những gì ông đã làm cho dân tộc Việt Nam và đã nêu một tấm gương đấu tranh cho toàn thế giới”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giải thích với chúng tôi rằng, quân đội Việt Nam yếu hơn Mỹ rất nhiều cả về số lượng và trang bị, nhưng đất nước Việt Nam, quân đội cả dân tộc, chúng tôi có quyết tâm, nên chúng tôi đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại đế quốc Mỹ. Tướng Giáp là một ví dụ điển hình cho thấy, không có sức mạnh quân sự nhưng biết dựa vào nhân dân, người ta có thể giành chiến thắng trước kẻ thù.
Người phụ nữ ngoài 80 tuổi, đã cống hiến toàn bộ những năm tháng tuổi trẻ của mình cho những cuộc xuống đường thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam cũng như những cuộc đấu tranh trên Nghị trường đòi hòa bình cho Việt Nam khi bà là Thượng nghị sĩ vùng Val de Marne (1968-1973), đã bày tỏ sự tin tưởng của mình về một Việt Nam cường thịnh: "Hiện nay, dân tộc Việt Nam cho thấy, nếu như trong quá khứ họ đã biết cách chiến đấu vì nền độc lập, thì nay họ cũng đang cố gắng đấu tranh, theo một cách thức tương tự, vì hạnh phúc của nhân dân, cải thiện đời sống và trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Tôi tin rằng Tướng Giáp, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã gieo những hạt giống nhỏ. Những hạt giống đó sẽ nảy mầm để Việt Nam trở thành một quốc gia hùng mạnh trong khu vực Đông Nam Á".
Nhà sử học Alain Ruscio tâm sự: "Tôi rất buồn, có cảm giác giống như bị mất đi một người thân. Tại Pháp, nhiều người cũng nghĩ như vậy, họ quý mến và ngưỡng mộ Tướng Giáp, không chỉ vì ông là một nhân vật lịch sử, mà còn là một người rất bình dị, dễ gần gũi và luôn tươi cười".
Ông kể lại kỷ niệm về lần đầu tiên được gặp Đại tướng vào tháng 3/1979: "Khi đó tôi là phóng viên báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp đồng thời là nhà nghiên cứu lịch sử. Đại tướng thể hiện là người gắn bó với Đảng Cộng sản Pháp và ông cũng nhắc lại quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khi nhà lãnh tụ Việt Nam là một trong các đảng viên sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tours năm 1920. Tôi nghĩ, mình đang đối diện với một tượng đài lịch sử, nhưng khuất đằng sau, tôi đã phát hiện ra một con người rất gần gũi, tinh tế, có luôn tươi cười và đôi lúc rất dí dỏm, hài hước".
"Đất nước các bạn khi đó rất khó khăn, nhưng cũng đang rất gần dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi muốn hỏi ông nhiều về chiến dịch này. Người thư ký riêng trước đó có nói với tôi rằng Đại tướng rất bận và chỉ tiếp được 30 phút đến một giờ. Thế nhưng chúng tôi đã nói chuyện trong gần ba tiếng. Ông nói tiếng Pháp rất tốt, không cần đến phiên dịch", ông nói. Alain Ruscio cũng tâm sự về những điều đã làm cho ông và Đại tướng trở nên gần gũi: “Tôi đã ở Việt Nam khá lâu để làm việc cũng như đi du lịch. Mỗi lần sang đất nước các bạn, tôi lại muốn gặp tướng Giáp để phỏng vấn ông về sự nghiệp, về tình cảm của ông, về lịch sử và sự phát triển của xã hội Việt Nam. Chính vì thế, theo một cách nào đó, ông đã trở thành thầy giáo lịch sử của tôi".
Dòng người xếp hàng vào viếng đại tướng tại nhà riêng ở Hà Nội. |