Là con người quả cảm
Là một cựu chiến binh và có nhiều kỷ niệm gắn bó với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Trần Đình Ngân, 70 tuổi, rất xúc động khi hay tin Đại tướng đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 103. Ông cho biết ngay từ khi còn đi học những năm 1950 tới khi nhập ngũ năm 1960, ông đã có nhiều điều kiện gặp gỡ và có quan hệ gần gũi với những người con của Đại tướng, như bà Võ Hồng Anh - con gái trưởng của Đại tướng. Và khi Đại tướng tròn 100 tuổi, ông đã có dịp tới thăm và được trò chuyện với Người.
Suốt từ đó tới nay, qua gia đình và bạn bè, trong đó có người bạn của ông là Trịnh Nguyên Huân làm thư ký riêng cho Đại tướng, ông luôn nắm được thông tin về tình hình sức khoẻ của Người. Ông xúc động nói: "Tin Bác Văn mất không bất ngờ với tôi, song bản thân cũng như gia đình tôi bị hụt hẫng và vô cùng thương tiếc. Theo những gì tôi biết, Người rất minh mẫn, tỉnh táo và tình cảm với con cháu, đồng bào".
Ông Trần Đình Ngân - Cựu chiến binh. |
Ông cũng bày tỏ xúc động khi hay tin Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã quyết định tổ chức tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghi thức Quốc tang, và theo ông đó là sự đền đáp rất xứng đáng của Đảng và nhân dân đối với công lao cũng như sự nghiệp của Người.
Từng sợ khi gặp Bác
Ông Thế Sáng - thành viên CLB Nhiếp ảnh người Việt ở Berlin, đã có dịp gặp Bác, tâm sự: "Khi đọc được thông tin Người mất, tôi hoàn toàn bàng hoàng. Nhưng sau đó, tôi đã trấn tĩnh lại và gọi điện thông báo cho một số người thân và bạn bè về tin dữ này". Về hoàn cảnh được gặp Đại tướng, ông Sáng cho biết, do từ nhỏ đã thần tượng vị Đại tướng, nên ông luôn mong ước một lần được gặp Người. Và cơ may đã đến với ông khi trong một lần về nước, ông cùng một số phóng viên quân đội được Người đồng ý cho vào gặp và quay phim chụp ảnh làm tư liệu.
Ông Thế Sáng say sưa kể lại lần được gặp Bác. |
Ông nói: "Tôi đã rất run khi đứng trước ngôi nhà 30, phố Hoàng Diệu. Tuy nhiên, khi Bác Giáp bước ra, mọi lo lắng đã biến mất trước những cử chỉ ân cần, gần gũi của Đại tướng. Ông tâm sự còn nhớ như in lời của Đại tướng trong lần gặp hiếm hoi này: "Người Việt Nam sống ở nước ngoài được tôn trọng và họ đánh giá cao sự chịu khó và tính siêng năng học tập của người Việt. Các cháu cố gắng dạy cho con em mình tiếng Việt, cho các cháu về thăm quê hương để chúng không quên quê cha đất tổ".
Hình ảnh không phai mờ
Ông Lê Hồng Cường - Phó chủ tịch thường trực Hội Cựu chiến binh Việt Nam bang Berlin - Brandenburg cũng cho biết ông đã rất bàng hoàng hay tin Đại tướng qua đời, dù đã rất mừng khi Bác qua được cái tuổi 103 hơn một tháng trước. "Bà con ở Đức, từ già tới trẻ, tất cả những người biết về Người đều rất bàng hoàng, đau buồn và thương tiếc một con người tài ba, được nhân dân và thế giới yêu mến, kính nể", vị cựu chiến binh chia sẻ. Ông nhấn mạnh, những năm tháng chiến đấu bảo vệ tổ quốc dưới sự chỉ đạo của người anh cả quân đội Võ Nguyên Giáp luôn ghi sâu trong tâm khảm những người lính và là tấm gương lớn để những người như ông học tập, dạy dỗ con cái nơi đất khách quê người.
Ông Nguyễn Huy Thắng - Cựu chiến binh. |
Trong khi đó, ông Võ Văn Long - Phó chủ tịch Hội Đồng hương Quảng Bình, chia sẻ: "Là một người con Quảng Bình, ông rất đau buồn khi hay tin Đại tướng đã qua đời". Ông cho hay, tại quê hương Quảng Bình, nhà ông chỉ cách nhà Đại tướng chừng một cây số, và những câu chuyện, những hình ảnh về Đại tướng mà ông được chứng kiến hay được nghe kể lại luôn ghi sâu trong tâm khảm và theo ông suốt cuộc đời.
Trong hành trình đi tìm những người lính có kỷ niệm với Đại tướng, chúng tôi rất bất ngờ khi gặp ông Nguyễn Huy Thắng, một người lính mà cho đến giờ vẫn còn nhớ rất rõ từng trận đánh, từng chiếc máy bay địch bị bắn rơi trong các trận chiến bảo vệ tổ quốc dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với vị cựu chiến binh của Tiểu đoàn 107 pháo binh Quảng Ngãi, thời gian không làm ông phai mờ đi hình ảnh của một vị Đại tướng tài ba, người mà những chỉ đạo về chiến thuật khiến binh sĩ luôn cảm thấy yên tâm trước mỗi lệnh xuất quân hay mỗi khi ra trận.
"Khi xung trận mà có một người chỉ huy tài ba, những người lính như chúng tôi luôn cảm thấy yên tâm và luôn sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc", ông nhớ lại. Ông còn nhớ rất rõ lần được gặp Đại tướng khi Tiểu đoàn 107 pháo binh báo công với bác Giáp, trong đó nhắc lại trận đấu oanh liệt nhất diễn ra từ 15-18/7/1967, khi tiểu đoàn của ông bắn rơi, bắn cháy 56 máy bay, tiêu diệt 475 tên địch của Sư đoàn không vận số 1 Mỹ. "Với một tiểu đoàn độc lập mà chiến đấu như vậy với sư đoàn không vận của Mỹ, thì rất xứng đáng là anh hùng", ông Thắng nhắc lại nguyên vẹn lời khen ngợi của Đại tướng.