Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bên tác phẩm viết về Đại tướng. |
Tháng 10/1974, khi ấy ông còn là Thiếu tá - Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên, thay mặt Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra Hà Nội nhận lệnh giải phóng Tây Nguyên. Đây cũng là lần đầu tiên ông được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tướng Thước nhớ lại: “Lúc bấy giờ, chúng tôi được phổ biến mệnh lệnh, quyết tâm của Bộ Chính trị là phải giải phóng cho được miền Nam trong giai đoạn 1975-1976. Thời cơ là năm 1975 và muốn thực hiện được kế hoạch thì phải giải phóng được Tây Nguyên. Bởi Tây Nguyên là địa bàn trọng yếu mà khi thời xâm lược nước ta, Pháp từng tuyên bố nếu chiếm được Tây Nguyên thì sẽ chiếm được 3 nước Đông Dương.
Sau khi làm việc với Bộ Tổng tham mưu và nhận lệnh của Đại tướng Văn Tiến Dũng, tôi được gặp bác Giáp tại nhà riêng để nghe lệnh. Lúc ấy, Đại tướng mới điều trị ở Liên Xô về, sức khỏe đang yếu nên tôi báo cáo ngắn gọn, rành mạch tình hình chiến trường và nhiệm vụ đã nhận của Đại tướng Dũng”.
Tướng Thước kể, ông hết sức bất ngờ vì Đại tướng không chỉ là một vị tướng lĩnh oai phong lẫm liệt trên chiến trường mà còn là người rất gần gũi, nhân cách. "Lần đầu gặp Đại tướng, bác không hỏi về tình hình chiến trường ngay mà hỏi “Cậu vào miền Nam bao lâu rồi". Tôi trả lời 10 năm và đây là lần đầu tiên được ra Bắc.
Tướng Thước kể, ông hết sức bất ngờ vì Đại tướng không chỉ là một vị tướng lĩnh oai phong lẫm liệt trên chiến trường mà còn là người rất gần gũi, nhân cách. |
Bác Giáp hỏi tiếp: “Thế 10 năm chiến trường, tình hình gia đình thế nào, có nắm được không?”. Tôi đáp, cũng chỉ được 2 lần thư thôi. “Thế có nhớ nhà không”. “Có chứ thưa Đại tướng. Nhưng trước mặt mình là quân địch, là nhiệm vụ thì phải gạt gia đình sang một bên, nếu không thì làm sao đánh trận được”.
Nghe thấy vậy, bác Giáp mới cười và động viên: “Thôi, lần này cậu chịu khó trở lại chiến trường. Ít nữa tớ sẽ cho cậu về với gia đình lâu hơn”. Sau đó bác Giáp mới nghe tôi báo cáo nhanh tình hình chiến trường và Đại tướng đã giao nhiệm vụ cho tôi.
Hai ngày sau, tôi chuẩn bị vào chiến trường thì được Đại tướng gọi vào một lần nữa. Tôi vừa đến, Đại tướng nói ngay: Mọi nhiệm vụ và ý định tôi đã nói cả rồi, hôm nay nhắc lại một vấn đề hết sức hệ trọng.
Cậu vào báo cáo với Vũ Lăng (Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên) tình hình có thể sẽ diễn biến hết sức nhanh chóng. Người chỉ huy chiến trường phải nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm hành động không chờ lệnh của cấp trên. Vấn đề thứ hai đánh vào TP lớn Buôn Ma Thuột phải tổ chức một mũi thọc sâu bằng bộ binh cơ giới, thọc ngay vào sở chỉ huy của địch”.
Tướng Thước chia sẻ, sự quan tâm, gần gũi của Đại tướng khiến ông ấn tượng và nhớ mãi. Sau lần gặp Đại tướng không lâu thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, tướng Thước được trở về với gia đình lâu hơn, đúng như lời hứa của vị Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam.
Tướng Thước nói: “Bây giờ, bác Giáp ra đi, đó là một tổn thất rất lớn lao. Nhưng nếu ai hỏi tôi có buồn không thì tôi không buồn, tôi không khóc mà tôi khóc ở trong lòng. Vì đó là quy luật của tự nhiên. Nếu đứng trước mất mát đau thương mà người lính buồn rầu, bi lụy thì sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ được”. Nói là vậy nhưng tôi vẫn nhận ra cặp mắt của ông đổi màu khác thường.