Bản đồ chiến dịch biên giới năm 1950. Đây là lần đầu tiên quân đội Việt Minh chủ động thực hiện một chiến dịch quân sự lớn nhằm vào tuyến phòng ngự của quân Pháp trên đường số 4 dọc theo biên giới Việt - Trung. |
Sau thắng lợi đánh tan chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp nhằm vào khu căn cứ địa Việt Bắc năm 1947, quân đội Việt Minh dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở nên mạnh mẽ hơn.
Thế và lực của quân đội tăng lên đáng kể. Những kinh nghiệm thu được từ chiến dịch này đã chứng minh thực tế rằng quân đội Việt Minh hoàn toàn có thể đánh bại quân đội chuyên nghiệp của Pháp nếu biết vận dụng chiến thuật và chiến lược hợp lý.
Trang bị khí tài của quân đội Việt Minh đã được tăng cường đáng kể nhờ chiến lợi phẩm thu được của quân Pháp sau chiến dịch Việt Bắc năm 1947. Mãi đến năm 1949, quân Pháp vẫn không thể nào tiến vào được khu căn cứ địa Việt Bắc.
Việc kiểm soát khu vực đồng bằng Bắc Bộ dù có những tiến triển nhưng ngày càng trở nên khó khăn hơn và đầy nguy cơ bất ổn. Suốt 5 năm chiến tranh Đông Dương, thực dân Pháp bắt đầu trở nên lung lay, kế hoạch nhanh chóng bình định Đông Dương đã thất bại. Họ đang loay hoay với những kế hoạch dang dở.
Trong khi đó, Việt Minh đã dần phát triển lực lượng lớn mạnh hơn, ngoài lực lượng địa phương Việt Minh đã thành lập 2 đại đoàn chủ lực 308 và 304, 2 trung đoàn cơ động 174 và 209. Mặc dù đã cầm chân được quân Pháp nhưng thế bị cô lập của căn cứ địa Việt Bắc vẫn chưa được dỡ bỏ, đặc biệt là đường biên giới đã bị cô lập nên việc mở rộng quan hệ quốc tế trở nên khó khăn hơn.
Tình hình thế giới có nhiều chuyển biến tích cực. Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949 nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong khi đó, để lấy lại thế chủ động, Pháp đã tăng cường hệ thống phòng ngự dọc theo đường số 4, chia cắt biên giới Việt - Trung, thiết lập hành lang Đông - Tây cô lập Việt Bắc với đồng bằng Bắc Bộ chuẩn bị lực lượng cho kế hoạch tấn công đầu não Việt Minh lần thứ 2.
Do tính chất quan trọng của chiến dịch Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch nhằm đảm bảo tính chắc thắng. Ảnh tư liệu |
Đứng trước tình hình đó, Trung ương đảng dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở chiến dịch biên giới năm 1950, còn gọi là chiến dịch Lê Hồng Phong nhằm khai thông biên giới, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.
Đây là lần đầu tiên quân đội Việt Minh chủ động thực hiện một chiến dịch quân sự lớn nhắm vào thực dân Pháp. Do tính chất quan trọng của chiến dịch nên ngoài việc giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp chỉ đạo chiến dịch nhằm đảm bảo tính chắc thắng của chiến dịch.
Để đảm bảo tính thắng lợi, quân đội Việt Minh đã huy động đại đoàn 308, 2 trung đoàn bộ binh 174 và 209, 4 đại đội sơn pháo, 5 đại đội công binh của Bộ Tổng tư lệnh, 3 tiểu đoàn bộ đội chủ lực 426, 428 và 888 của Liên khu Việt Bắc cùng bộ đội địa phương và dân quân, du kích Cao Bằng, Lạng Sơn.
Quân Pháp trên chiến tuyến phòng thủ đường 4 có 11 tiểu đoàn và 9 đại đội bộ binh (phần lớn là lính Âu - Phi), tổ chức thành những cụm cứ điểm mạnh. Trong chiến dịch này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo thực hiện lối đánh hết sức táo bạo “đánh điểm diệt viện”.
Chiến dịch biên giới 1950 diễn ra trong 3 đợt. Đợt 1 diễn ra từ ngày 16-20/09/1950 tập trung tiêu diệt cứ điểm Đông Khê. Hướng tấn công này do Đại tướng Hoàng Văn Thái (lúc đó là thiếu tướng Tham mưu trưởng quân đội Việt Minh đồng thời cũng là tham mưu trưởng chiến dịch) phụ trách.
Bộ chính trị họp bàn kế hoạch thực hiện chiến dịch biên giới năm 1950 nhằm phá thế bị cô lập đồng thời mở rộng và củng cố căn cứ đại Việt Bắc. Ảnh tư liệu |
Trước sức tấn công mạnh mẽ của Việt Minh đồng thời khả năng chi viện bị cô lập, cứ điểm Đông Khê bị tiêu diệt, một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng ngự đường số 4 bị cắt đứt. Đây là lần đầu tiên quân đội Việt Minh áp dụng thành công chiến thuật công kiên có hiệu quả ở cấp trung đoàn.
Giai đoạn 2 của chiến dịch diễn ra từ ngày 21/9-8/10/1950, Pháp đã thực hiện một cuộc hành quân kép, một hướng từ Lạng Sơn qua Thất Khê nhằm tái chiếm Đông Khê, một hướng khác nhắm vào Thái Nguyên nhằm kéo chủ lực của Việt Minh co về phòng thủ tạo thuận lợi cho việc tái chiếm Đông Khê.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo bố trí các ổ phục kích binh đoàn Le Page hành quân qua hướng Thất Khê. Cuộc hành quân kép chẳng những không thực hiện được ý đồ mà còn bị quân đội Việt Minh bao vây đánh thiệt hại nặng. Các binh đoàn Charton, Le Page bị tiêu diệt phần lớn lực lượng buộc phải rút khỏi Cao Bằng.
Đợt 3 của chiến dịch diễn ra từ ngày 9-14/10/1950, quân đội Việt Minh tiến hành truy quét quân đội Pháp trên toàn tuyến. Quân đội Việt Minh cơ động lực lượng bao vây Thất Khê, Na Sầm, nhưng địch ở đây đã rút chạy , sau đó quân Pháp tiếp tục rút khỏi Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn, Lộc bình, Đình Lập, Lạng Giang, An Châu…
Chiến dịch biên giới năm 1950 toàn thắng, toàn bộ mục tiêu đề ra của chiến dịch đều đạt được. Đây là chiến thắng có ý nghĩa hết sức trọng đại đối với công cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ sau chiến dịch này thế chủ động trên chiến trường đã thuộc về quân đội Việt Nam, đẩy quân đội Pháp vào thế bị động.
Chiến thắng chiến dịch biên giới 1950 tiếp tục ghi đậm dấu ấn của thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp. Quân đội Pháp hùng mạnh vốn xem thường ông đã buộc phải kính nể tài chỉ huy quân sự của Người.