Sân bay này được cho là trung tâm chính cho quá trình vận chuyển vũ khí của NATO vào Ukraine, Sputnik đưa tin. Ông Milley đã tham quan cơ sở này, làm quen với hoạt động chuyển giao vũ khí và gặp gỡ quân đội. Báo cáo không tiết lộ quốc gia đặt căn cứ quân sự này.
Nguồn tin của CNN cho biết hiện quân đội Nga chưa nhắm tới các lô hàng viện trợ, nhưng họ lo ngại điều này sẽ diễn ra trong tương lai.
Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ (EUCOM) chịu trách nhiệm điều phối việc chuyển giao vũ khí, sử dụng mạng lưới liên lạc với đồng minh, trong đó có Vương quốc Anh, để phối hợp viện trợ cho Ukraine. Mục đích của hoạt động này là để “đảm bảo sử dụng nguồn lực với hiệu quả tối đa hỗ trợ người Ukraine một cách có tổ chức”, một nguồn tin khác cho hay.
Tính đến nay đã có 14 quốc gia gửi hoặc cam kết gửi vũ khí cho Ukraine.
Thiết bị quân sự của Pháp được dỡ xuống từ máy bay chở hàng tại Căn cứ Không quân Mihail Kogalniceanu ở Romania để vận chuyển vào Ukraine, ngày 3/3. Ảnh: AFP. |
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt gói viện trợ thiết bị quân sự bổ sung cho Ukraine trị giá khoảng 350 triệu USD. Phía Mỹ đã chuyển khoảng 240 triệu USD, phần còn lại dự kiến tới Ukraine chậm nhất trong vài ngày hoặc vài tuần tới. Về phần mình, Liên minh châu Âu hứa cam kết đưa ra gói viện trợ quân sự hơn 543 triệu USD.
Các lô hàng quân sự của Mỹ và NATO gửi tới Ukraine bao gồm tên lửa chống tăng Javelin, hệ thống phòng không di động Stinger, máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ, vũ khí và đạn dược cỡ nhỏ, pháo, xe bọc thép, thiết bị bảo vệ và nhiên liệu.
Ngoài vũ khí, Kyiv cũng nhận được hàng trăm triệu USD tiền mặt.
Hôm 6/3, Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga cáo buộc Mỹ và Anh đang biến lãnh thổ Ba Lan thành “trung tâm hậu cần dùng để cung cấp vũ khí” cho Ukraine.