Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tương lai thỏa thuận quân sự quan trọng giữa Mỹ và Philippines

Triển vọng mối quan hệ đồng minh này phụ thuộc vào số phận của hiệp định cho phép quân đội Mỹ luân phiên đồn trú tại Philippines mà Manila từng muốn hủy bỏ.

Các quan chức Philippines và Mỹ sẽ gặp nhau vào cuối tháng 2 để thảo luận về tương lai của Hiệp định Lực lượng Thăm viếng (VFA). Đây là thỏa thuận quân sự đóng vai quan trọng trong liên minh phòng thủ giữa hai nước, theo Nikkei Asia.

Tương lai thỏa thuận sẽ tác động tới mối quan hệ đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ tại Đông Nam Á, cũng như việc liệu quân đội Mỹ có thể tiếp tục đồn trú tại Philippines theo chế độ luân phiên hay không.

thoa thuan quan su my philippines anh 1

Binh sĩ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bất đồng giữa hai nước

Việc có thể tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines sẽ là chìa khóa để Mỹ thể hiện sức mạnh ở Biển Đông, cũng như đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của Tổng thống Joe Biden về việc đẩy lùi các hoạt động trên biển của Trung Quốc.

"Tôi đang thu hẹp các vấn đề và chúng tôi sẽ sớm gặp nhau - tôi tin là vào tuần cuối cùng của tháng 2 - để xác định bất kỳ khác biệt nào giữa chúng tôi và đi đến một thỏa thuận", Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. nói với đài ABS-CBN hôm 8/2.

"Tất nhiên, thỏa thuận đó là gì thì tôi không muốn tiên đoán vì việc đó sẽ làm suy yếu quyết định của tôi", ông Locsin nói.

Thỏa thuận năm 1998 tạo điều kiện cho quân đội Mỹ đồn trú luân phiên tại Philippines để tiến hành các cuộc tập trận quân sự hàng năm. Ngoài việc trao cho người Mỹ các đặc quyền về đi lại, thỏa thuận còn đặt ra quy tắc cho việc xuất nhập trang thiết bị của Mỹ, cũng như sự di chuyển của máy bay, tàu thuyền và phương tiện của Mỹ tại Philippines.

VFA cũng xác định quyền của cả hai chính phủ trong tố tụng các thành viên lực lượng Mỹ bị cáo buộc vi phạm pháp luật Philippines.

Các chuyên gia cho rằng nếu không có thỏa thuận này, các thỏa thuận quốc phòng song phương khác, bao gồm Hiệp ước Hiệp trợ Phòng thủ, sẽ không thể triển khai được.

Hồi tháng 2/2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo với Washington trong tức giận rằng ông sẽ hủy bỏ VFA, sau khi một thượng nghị sĩ và đồng minh dẫn dắt cuộc chiến chống ma túy của ông bị từ chối visa vào Mỹ.

thoa thuan quan su my philippines anh 2

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Philippines.

Trong bài viết vào tháng 12/2020, hai chuyên gia Michael Green và Gregory Poling tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói rằng quan hệ đồng minh với Philippines là nền tảng quan trọng cho sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á. Bài viết khẳng định đây là khu vực "trọng tâm của cạnh tranh Mỹ - Trung đang nổi lên và hệ trọng đối với lợi ích quốc gia của chúng ta".

Họ cũng cho rằng Philippines đóng vai trò then chốt trong kế hoạch của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm phân tán lực lượng Mỹ, bao gồm các đơn vị hải quân và lục quân, dọc theo "Chuỗi đảo thứ nhất" chạy từ Nhật Bản qua Đông Nam Á.

"Trong trường hợp bất ngờ, các nhóm nhỏ, cơ động này sẽ hỗ trợ các hoạt động của không quân và hải quân Mỹ", các chuyên gia nói, đồng thời gọi đây là "chiến lược hợp lý để chống lại lợi thế hải quân và tên lửa của Trung Quốc ở các vùng biển gần họ".

Quốc gia duy nhất

Tuy nhiên, họ nói "Philippines là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có thể sở hữu những tài sản như vậy trên thực tế".

Các lực lượng quân sự gần nhất của Mỹ là ở Okinawa và Guam, với khoảng cách tương ứng là 1.300 và 1.500 hải lý.

Việc tìm kiếm một quốc gia khác mà từ đó lực lượng Mỹ có thể hoạt động, ngay cả theo chế độ luân phiên, có thể là nhiệm vụ khó khăn.

"Không có nơi nào khác ở Đông Nam Á khả thi về mặt chính trị để phân bổ lực lượng của Mỹ", ông Poling nói với Nikkei Asia. "Kế hoạch B sẽ là xem xét lại các mục tiêu của Mỹ. Guam và Okinawa ở quá xa Biển Đông để đe dọa hiệu quả các tàu Trung Quốc hoặc bảo vệ tàu Philippines".

"Vì vậy, Washington và Manila sẽ phải quyết định xem điều gì có thể xảy ra và điều chỉnh lại các mục tiêu của họ, cũng như bản chất cam kết quốc phòng của Mỹ", chuyên gia CSIS bình luận.

Cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite từng đưa ra ý tưởng thành lập "Hạm đội 1" mới, tách biệt với Hạm đội 7 của hải quân Mỹ đang đóng tại Yokosuka, Nhật Bản, để Mỹ gần Ấn Độ Dương hơn. Ông đề xuất đặt căn cứ của hạm đội mới ở Singapore, song nước này đã lịch sự từ chối kế hoạch.

Bộ Quốc phòng Singapore cho biết, như đã thống nhất và thông báo vào năm 2012, họ đã đồng ý với đề nghị của Mỹ về việc triển khai tối đa 4 tàu tác chiến ven bờ trên cơ sở luân phiên.

"Đây vẫn là thỏa thuận thường trực mà không có thêm yêu cầu hoặc cuộc thảo luận nào với Bộ Quốc phòng Mỹ về việc triển khai bổ sung các tàu Mỹ ở Singapore", họ nói.

thoa thuan quan su my philippines anh 3

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hồi tháng trước cho biết "nếu không có VFA, rất khó để thực hiện cũng như phát triển khả năng tương tác giữa các lực lượng Mỹ và Philippines như đã thỏa thuận" trong Hiệp ước Hiệp trợ Phòng thủ.

Cuộc họp về VFA diễn ra sau cuộc điện đàm giữa ông Locsin và người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken, vào cuối tháng 1.

Ông Blinken nhấn mạnh "tầm quan trọng của Hiệp ước Hiệp trợ Phòng thủ đối với an ninh của cả hai quốc gia và việc áp dụng rõ ràng hiệp ước này khi có các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào lực lượng vũ trang, tàu biển hoặc máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông", theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

Manila lần đầu tạm dừng việc hủy bỏ VFA hồi tháng 6/2020 trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung tăng cao và những hành động quyết đoán mới của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tổng thống Duterte đã đình chỉ kế hoạch một lần nữa vào tháng 11 năm đó "để tìm kiếm một thỏa thuận mạnh mẽ hơn, cùng có lợi, cùng nhất trí, cũng như hiệu quả và lâu dài hơn, về hướng đi trong việc bảo vệ lẫn nhau của chúng ta", ông Locsin khi đó cho biết.

Việc làm thế nào hai bên đi đến thỏa thuận về việc duy trì VFA phụ thuộc vào cả dư luận Philippines và thực tế địa chính trị ở Biển Đông.

Trong khi "khác biệt" mà ông Locsin nói cần phải giải quyết có khả năng là ngôn ngữ trong thỏa thuận về quyền tố tụng hình sự đối với lực lượng Mỹ ở Philippines, chuyên gia Poling cho rằng "đây không phải là lý do Tổng thống Duterte quyết định hủy bỏ thỏa thuận".

"Lý do của ông ấy là chính trị, và vì vậy giải pháp cũng sẽ phải là chính trị", chuyên gia CSIS nói.

Tân ngoại trưởng Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh Mỹ bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cam kết bảo vệ Philippines nếu nước này bị tấn công.

Philippines gửi công hàm phản đối luật hải cảnh của Trung Quốc

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. ngày 27/1 cho biết nước này gửi công hàm phản đối Trung Quốc vì thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng với tàu nước ngoài.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm