Trương Thị Yến (Hải Phòng) cùng Miss bóng chuyền bãi biển Nguyễn Thị Mãi là cặp đôi xuất sắc của ĐT bóng chuyền Việt Nam 2 tham dự 3 kỳ SEA Games liên tiếp 2007, 2009, 2011. Đang ở thời kỳ đỉnh cao phong độ, trong quá trình tập luyện để chuẩn bị cho giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc 2013 diễn ra trên chính quê hương Hải Phòng, nữ tuyển thủ Trương Thị Yến gặp tai họa bất ngờ khi cảm thấy những cơn đau đầu dữ dội.
Gia đình lập tức đưa Yến đi cấp cứu, nhưng các bác sĩ ở tuyến dưới không tìm được nguyên nhân. Sau đó, cô được chuyển thẳng lên Hà Nội, và cũng phải đi đến 3 bệnh viện lớn mới gặp được bác sĩ chuyên khoa tìm ra nguyên nhân bệnh đau đầu do dị dạng mạch máu não, một dị tật ở não rất nguy hiểm đến tính mạng.
Trương Thị Yến trong màu áo ĐT bóng chuyền bãi biển Việt Nam 2. |
Sau khi chuẩn đoán kỹ càng, các bác sĩ bệnh viện ĐH Y Hà Nội đi tới quyết định phải phẫu thuật, nút mạch dị dạng để đảm bảo tính mạng cho Yến. Chi phí cho một lần nút mạch như vậy lên tới 90 triệu đồng, chưa kể tiền viện phí, tiền thuốc men điều trị hậu phẫu cũng rất tốn kém.
Chi phí điều trị quá lớn, cả gia đình phải gồng mình lên để lo cho Yến. Hoàn cảnh càng éo le hơn vì bố Yến mất từ khi em còn bé xíu, một mình mẹ phải gắng nuôi 3 chị em Yến ăn học và tới giờ khi đã về già, mẹ cô cũng không có lương hưu.
Ngày 24/9, sau nhiều cố gắng từ phía gia đình và các bác sĩ của bệnh viện ĐH Y, Yến đã có ca phẫu thuật đầu tiên để nút mạch dị dạng ở mạch máu não (theo dự kiến của bác sĩ phải làm từ 4 tới 5 lần mới có thể chữa trị dứt điểm). Tuy nhiên sau phẫu thuật, Yến bị biến chứng liệt nửa người bên trái, sức khỏe giảm nhanh chóng bởi mất khá nhiều máu.
Trương Thị Yến từng làm mưa làm gió trên sân bóng chuyền bãi biển khắp các nước trong khu vực nay phải một mình chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. |
Với bản lĩnh, nghị lực, sự dẻo dai của một vận động viên thể thao, hơn nửa tháng sau ca phẫu thuật đầu tiên, sức khỏe của Yến đã khá hơn. Yến có thể ăn cháo và cứ động nhẹ các ngón tay.
Đến ngày 17/10 vừa qua, gia đình xin phép bệnh viện đưa Yến về nhà tại Hải Phòng để tiện chăm sóc và bồi bổ sức khỏe. Các bác sĩ cũng đã thông báo với gia đình căn bệnh của Yến không thể điều trị nhanh, chỉ có thể phẫu thuật lần tiếp theo khi sức khỏe ở trạng thái tốt nhất, có thể hai tháng, ba tháng, hoặc nửa năm sau cũng phải chờ đợi...
Những tưởng mọi chuyện đang tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp, nhưng trớ trêu thay, ngày Yến nhập viện là đầu tháng 9 cho tới khi ra viện là ngày 17/10 thì bảo hiểm y tế của cô hết hạn đúng 30/9. Hiện tại, gia đình vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn khi chưa làm được thủ tục để bảo hiểm thanh toán một phần kinh phí điều trị cho nữ tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam.
Cho tới thời điểm hiện tại, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã tới thăm và hỗ trợ gia đình Yến 20 triệu đồng. Tuy nhiên chặng đường chữa bệnh của Yến còn rất dài và vẫn luôn cần nhận được sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng.
Căn bệnh hiểm nghèo ập đến và chắc chắn khi khỏi bệnh, Yến cũng sẽ không thể tiếp tục con đường thể thao. Dù bên cạnh sự nghiệp thi đấu, Yến còn là sinh viên khoa sư phạm tại trường ĐH Hải Phòng, nhưng ước mơ trở thành giáo viên dạy môn giáo dục thể chất của cô gái đất Cảng đang rất chông chênh.