Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tương lai của Twitter dưới quyền sở hữu của tỷ phú Elon Musk

Sau khi hoàn tất thương vụ đầy sóng gió với Twitter, tỷ phú Elon Musk đã có những động thái nhằm thay đổi phương thức hoạt động và nhân sự của nền tảng mạng xã hội này.

musk mua Twitter anh 1

Hôm 27/10 (giờ địa phương), tỷ phú người Mỹ Elon Musk đã hoàn tất thương vụ mua lại Twitter ước tính trị giá 44 tỷ USD, đồng thời sa thải dàn lãnh đạo cấp cao của nền tảng mạng xã hội này, theo Reuters.

Trong kế hoạch mua lại Twitter, ông Elon Musk hứa sẽ thay đổi nền tảng mạng xã hội này theo hướng nới lỏng quy tắc kiểm duyệt nội dung và làm cho thuật toán minh bạch hơn.

Không chỉ vậy, tỷ phú người Mỹ còn dự định thay đổi một số chức năng vốn có trên nền tảng mạng xã hội này và có thể nung nấu ý định biến đây thành một “siêu ứng dụng” hàng đầu.

Thay đổi lớn

Mục tiêu được tỷ phú Elon Musk khẳng định ngay từ khi khởi động thương vụ mua lại Twitter là muốn biến nền tảng này trở thành một diễn đàn kỹ thuật số mở, không có sự can thiệp. Ông Musk khẳng định ông sẽ cho phép mọi người nói bất cứ điều gì họ muốn trên Twitter, miễn là điều đó hợp pháp.

“Tôi nghĩ điều cần thiết là phải có tự do ngôn luận và có thể trò chuyện một cách tự do”, ông Musk nói tại một cuộc họp hồi tháng 6, theo Vox.

Tuy nhiên, vị tỷ phú cũng lưu ý mọi người nên phát ngôn "nằm trong giới hạn của luật pháp".

Vào 27/10, ông Musk có một bài đăng trên Twitter mang hàm ý về việc kiểm duyệt các nội dung trong thời gian tới.

Ông cho rằng Twitter “không thể trở thành một bãi rác miễn phí cho mọi người dùng, nơi có thể nói bất cứ điều gì mà không phải chịu hậu quả”. Ông cũng cho biết muốn nền tảng này trở thành một nơi mà người dùng “có thể chọn trải nghiệm mong muốn theo sở thích của mình, chẳng hạn bạn có thể chọn để xem phim hoặc chơi trò chơi điện tử từ mọi lứa tuổi”.

musk mua Twitter anh 2

Tỷ phú Elon Musk cam kết thực hiện các thay đổi lớn với Twitter. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, ông Musk cam kết sẽ khắc phục tình trạng các tài khoản giả (bot) trên Twitter. Dù công ty này vẫn khẳng định rằng các tài khoản giả chiếm ít hơn 5% tổng số tài khoản, tỷ phú Musk cho rằng con số đó cao hơn nhiều, khoảng 20% ​​hoặc hơn. Đây cũng là cơ sở pháp lý mà vị tỷ phú đưa ra nhằm hủy bỏ thỏa thuận mua lại Twitter ban đầu.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4, tỷ phú Elon Musk cho biết: “Thành thật mà nói, ưu tiên hàng đầu của tôi là loại bỏ các tài khoản giả mạo và lừa đảo trên Twitter. Tôi nghĩ chúng khiến sản phẩm trở nên tệ hơn nhiều”.

Bên cạnh đó, tham vọng của vị tỷ phú còn là muốn phát huy hết tiềm năng của Twitter bằng cách biến đây không chỉ là một ứng dụng mạng xã hội, mà biến nó thành một “siêu ứng dụng” - như mô hình WeChat tại Trung Quốc.

“Về cơ bản, ở Trung Quốc, bạn sống trên WeChat vì nó rất hữu ích và tiện dụng cho cuộc sống hàng ngày. Và tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có thể làm được điều đó, hoặc thậm chí gần đạt được điều đó với Twitter, thì đó sẽ là một thành công to lớn”, ông Musk phát biểu tại cuộc hỏi đáp với nhân viên Twitter vào tháng 6, theo Vox.

Giám đốc điều hành của Tesla cũng từng lên kế hoạch thay đổi dịch vụ đăng ký Twitter Blue, theo Platformer. Theo đó, nền tảng này có thể tăng phí từ 4,99 USD/tháng lên 19,99 USD/tháng đối với những tài khoản được gắn dấu tick xanh. Những tài khoản được xác thực sẽ có 90 ngày để đăng ký Twitter Blue, nếu không, dấu "được xác thực" của họ sẽ biến mất.

Tuy nhiên, sau khi bị người dùng phản ứng, hôm 1/11, vị tỷ phú người Mỹ cho biết người dùng sẽ trả 8 USD/tháng để đăng ký dịch vụ hàng tháng Twitter Blue.

“Từ trước đến nay, hệ thống của Twitter luôn phân cấp rõ ràng giữa tài khoản có tick xanh và không có tick xanh. Nhưng bây giờ thì quyền lực đã thuộc về tay người dùng chỉ với 8 USD/tháng cho Twitter Blue”, ông chủ kiêm CEO mới của Twitter viết.

Theo Verge, ông Musk cũng đã thảo luận về việc sử dụng Starlink - dịch vụ Internet vệ tinh của SpaceX - để cung cấp hỗ trợ người dùng Twitter ở các quốc gia mà người dân khó truy cập vào nền tảng này.

Tác động tức thì

Để hiện thực hóa mục tiêu “cải tổ” một trong những mạng xã hội có ảnh hưởng nhất thế giới, một trong những việc đầu tiên ông Musk làm là thay đổi hệ thống nhân sự của Twitter - từ cấp cao đến cấp thấp.

Ngay sau khi mua Twitter, ông Musk đã sa thải hàng loạt nhà quản lý cấp cao, như ông Parag Agrawal - CEO, ông Ned Segal - Giám đốc Tài chính, bà Vijaya Gadde - Giám đốc Pháp chế và Chính sách, và ông Sean Edgett - Tổng cố vấn.

Bên cạnh đó, nhiều nhân viên cấp thấp hơn của Twitter cũng đã bị buộc phải rời công ty. Quá trình sa thải bắt đầu từ ngày 3/11 và diễn ra ở nhiều bộ phận khác nhau. Những người lao động bị sa thải được hướng dẫn dọn đồ, về nhà và không trở lại văn phòng vào hôm sau, New York Times cho biết.

Yoel Roth, Giám đốc An toàn & Liêm chính Twitter, ngày 5/11 thông báo công ty đã sa thải 50% nhân viên, đồng thời cho biết khả năng kiểm duyệt nội dung của nền tảng này vẫn được duy trì.

musk mua Twitter anh 3

Trụ sở của Twitter tại San Francisco, Mỹ. Ảnh: AP.

Ông Musk cũng đưa nhiều nhân viên từ Tesla - bao gồm các kỹ sư phần mềm - về Twitter. Một đội cố vấn cũng đã được thiết lập để nghiên cứu các sáng kiến và giải pháp nhằm tăng cường trải nghiệm của người dùng và tăng doanh thu, Wall Street Journal cho biết.

Dù Twitter vẫn chưa chính thức công bố thay đổi lớn nào, một số tác động đã có thể thấy rõ. Trong đó, các nghị sĩ trong Thượng viện và Hạ viện Mỹ là những người cảm thấy rõ hàng đầu.

Theo thống kê của Economist, chỉ trong vòng bốn ngày sau khi thương vụ hoàn thành, các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ tăng thêm tổng cộng khoảng 470.000 lượt theo dõi - tương đương với con số trung bình 1.800 mỗi người.

Ở chiều ngược lại, các nghị sĩ đảng Dân chủ ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ mất tổng cộng 420.000 người theo dõi - tức trung bình 1.600 lượt mỗi người.

Kết quả này được cho là đến từ việc một số cử tri cánh hữu bắt đầu sử dụng Twitter, trong khi các cử tri cánh tả rời đi.

Hiện tượng này từng xảy ra khi có thông tin ông Musk hoàn tất thương vụ mua đứt Twitter hồi tháng 4. Khi đó, mạng xã hội này đã xác nhận có sự thay đổi trong lượng theo dõi đến từ việc tạo lập và khóa tài khoản.

Một số chuyên gia lo ngại chính sách mới của Twitter có thể khiến các bài đăng có nội dung thù ghét và chứa tin giả tăng cao.

“Chưa có sự thay đổi chính thức về chính sách khi ông Musk trở thành ông chủ. Dù vậy, sự gia tăng về ngôn từ cực đoan đã có thể thấy rõ”, giáo sư Paul Barrett tại Trường Luật, Đại học New York (Mỹ), nhận định với ABC News.

Tuy nhiên, Vox chỉ ra ông Musk hiểu rằng các nội dung độc hại có thể khiến người dùng rời xa Twitter - mạng xã hội mà ông đã phải bỏ ra số tiền lớn để mua.

Đó là lý do ông vẫn đặt lòng tin vào Yoel Roth - lãnh đạo bộ phận an toàn của Twitter. Ông Roth không nằm trong số những nhân sự cấp cao mới bị ông Musk sa thải.

“Chúng tôi đã tập trung đối phó với sự gia tăng các hành vi thù ghét trên Twitter”, ông Roth thông báo ngày 1/11. “Chúng tôi đã có các bước tiến đáng kể, loại bỏ hơn 1.500 tài khoản và giảm lượng hiển thị nội dung này gần về mức không”.

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Elon Musk: Tesla, SpaceX và sứ mệnh tìm kiếm một tương lai ngoài sức tưởng tượng. Đây là cuốn tiểu sử kể về hành trình của tỷ phú Musk: Lớn lên trong gia đình không hạnh phúc tại Nam Phi, di cư tới Canada, khởi nghiệp bằng nghề làm sạch nồi hơi trước khi làm nên sự nghiệp tại Mỹ.

Ông Musk lập đội cố vấn về Twitter

Ngay sau khi hoàn thành thương vụ tiếp quản Twitter trị giá 44 tỷ USD, tỷ phú Elon Musk ngay lập tức thành lập một hội đồng cố vấn để thúc đẩy đà phát triển của mạng xã hội này.

6 tháng giằng co giữa Twitter và Elon Musk

Vào những giờ chót trong thương vụ mua lại Twitter của tỷ phú Elon Musk, nhiều đại diện từ phía nền tảng mạng xã hội này vẫn không hay biết thương vụ sắp hoàn tất.

Hồng Sơn - Việt Hà

Bạn có thể quan tâm