Tuổi trẻ đầy ‘phong ba bão táp’ của Tập Cận Bình
Được bầu làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 18 kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Tập Cận Bình đã trải qua tuổi trẻ đầy “phong ba, bão táp”.
Tổng bí thư Tập Cận Bình có tuổi trẻ đầy giông bão. Ảnh metro.co.uk. |
Để được kết nạp Đoàn Thanh niên, Tập Cận Bình đã phải 8 lần viết đơn. Để xin vào đảng, số lần viết đơn của ông Tập đã lên đến 10 nhưng không một ai dám duyệt. Cuối cùng, đơn xin vào đảng của ông được gửi lên tận Bí thư huyện ủy. Mãi tháng 1/1974, ông Tập Cận Bình được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bảy năm cắm chốt ở nông thôn
Sau khi Cách mạng Văn Hóa nổ ra, do phản kháng lại, thiếu chút nữa chàng trai Tập Cận Bình đã bị đưa vào trường quản giáo. Cuối năm 1968, Mao Trạch Đông đưa ra khẩu hiệu “Trí thức thanh niên đến nông thôn”, Tập Cận Bình đăng ký tham gia.
Tháng 1/1969, khi chưa tròn 16 tuổi, Tập Cận Bình rời Bắc Kinh đến vùng Lương Gia Hà, khu vực xa xôi của huyện Diên Xuyên, thành phố Diên An tỉnh Thiểm Tây, bắt đầu 7 năm rèn luyện tại vùng nông thôn.
Tại Lương Gia Hà, Tập Cận Bình tham gia những công việc vất vả như đắp đập, khai hoang, thu hoạch lúa mạch, chăn dê. Năm 1974, Tập Cận Bình dẫn các xã viên đi học tập kinh nghiệm sản xuất khí sinh học ở Tứ Xuyên, về phổ biến lại cho các bà con ở khắp huyện Diên Xuyên. Với thành tích này, chàng trai họ Tập được bầu chọn là thanh niên trí thức tiên tiến của khu vực Diên An.
Cũng tại Lương Gia Hà, Tập Cận Bình được tham gia hàng ngũ Đoàn thanh niên, được kết nạp đảng, được bầu làm bí thư chi bộ thôn. Khi đó, ông Tập Trọng Huân (phụ thân ông Tập Cận Bình, từng giữ chức Phó Thủ tướng) đang bị giam giữ. Tập Cận Bình đã viết 8 đơn xin vào đoàn, 10 đơn xin vào đảng, nhưng hợp tác xã không dám phê duyệt. Cuối cùng, đơn xin vào đảng phải gửi lên tận Bí thư huyện ủy khi đó phê duyệt.
Tháng 1/1974, Tập Cận Bình được gia nhập hàng ngũ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Năm 30 tuổi làm Bí thư huyện ủy
Năm 1979, sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, Tập Cận Bình được điều đến công tác tại văn phòng Quân ủy Trung ương, làm thư ký cho Bộ trưởng Quốc phòng khi đó. Tháng 3/1982, ông Tập Cận Bình xin thôi việc tại đây, xin chuyển đến làm Phó Bí thư huyện ủy huyện Chính Định, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc. Một năm sau, ông được bầu làm bí thư huyện ủy. Khi đó, ông Tập Cận Bình mới 30 tuổi và được các cán bộ lão thành đánh giá là có vai trò quan trọng trong việc cải cách mở cửa của Chính Định.
Trong thời gian ở Chính Định, Tập Cận Bình đưa ra ý tưởng phát triển du lịch văn hóa. Năm 1983, ông kêu gọi xây dựng “Vinh Quốc Phủ”, phim trường đóng “Hồng Lâu Mộng” tại Chính Định, đặt nền móng cho việc phát triển du lịch văn hóa ở nơi đây.
Xây dựng tinh thần đoàn kết tại Phúc Kiến
Năm 1985, ông Tập Cận Bình được điều động đến Phúc Kiến giữ chức Phó thị trưởng thành phố Hạ Môn. Theo lời ông Tập Cận Bình, việc ông đến Phúc Kiến là “trải nghiệm thực tiễn cải cách, mở cửa”. Trong thời gian ở Hạ Môn, ông Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều chính sách thu hút được nguồn đầu tư rất lớn từ vùng lãnh thổ Đài Loan.
Ba năm sau, ông Tập được điều động đến giữ chức bí thư Ninh Đức. Việc đầu tiên ông thực hiện ở Ninh Đức là chỉnh đốn lại vấn đề nhà đất. Trong vòng 9 tháng sau khi đến nhận chức ở đây, ông đã xử lý nhiều vụ việc sai trái trong lĩnh vực đất đai, tịch thu 4 căn nhà, sung công quỹ 705,7 nghìn nhân dân tệ.
Sau đó, ông được điều động giữ chức Bí thư thành ủy Phúc Châu (thủ phủ tính Phúc Kiến). Trong thời gian này, ông Tập Cận Bình tập trung vào việc xây dựng chính phủ hiệu quả. Nhiều đồng nghiệp nhận xét, ông Tập là người khéo léo trong xử lý các mối quan hệ, tạo được sự đoàn kết, năng lực công tác tốt.
Với 17 năm công tác tại Phúc Kiến, ông Tập Cận Bình đã trải qua nhiều chức vụ, từ Phó Thị trưởng thành phố Hạ Môn, Bí thư Ninh Đức, Bí thư thành ủy Phúc Châu đến Bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến, Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến.
Làm việc thực, đi tiên phong
Khi công tác tại tỉnh Chiết Giang, ông Tập Cận Bình từng phát biểu: “Là bí thư huyện ủy nhất định phải đến tất cả các thôn xóm, là bí thư tính ủy, phải đến tất cả các huyện”.
Tháng 10/2002, sau khi đến nhậm chức chủ tịch tỉnh Chiết Giang, ông Tập Cận Bình triển khai ngay công tác điều tra nghiên cứu. Trong vòng 9 tháng, ông đã đến làm việc ở khắp 69 quận, huyện, thị trấn của tỉnh Triết Giang.
Tại thư viện tỉnh Chiết Giang còn có hai cuốn sách do chính ông Tập Cận Bình viết, đó là “Làm việc thực, đi tiên phong” và “Từ ngữ mới ở Chiết Giang”. Hai cuốn sách này đã phản ánh tư tưởng và suy nghĩ thực tế của ông Tập Cận Bình khi công tác ở Chiết Giang.
Bằng nỗ lực của mình, ông đã góp phần tạo nên đà tăng trưởng 14% cho Chiết Giang và thực hiện đường lối chống tham nhũng một cách cứng rắn.
"Cứu hỏa" cho Thượng Hải
Ngày 24/3/2007, Trung ương quyết định điều động ông Tập Cận Bình giữ chức Bí thư thành ủy Thượng Hải.
Khi đó, Thượng Hải vừa trải qua vụ bê bối quỹ bảo trợ xã hội do cựu Bí thư Trần Lương Vũ gây ra. Công tác tại Thượng Hải hơn 7 tháng, ông Tập Cận Bình cơ bản đã ổn định được tư tưởng cán bộ, khiến các cán bộ tìm được động lực trong công tác.
Theo Infonet