Độc giả Việt Nam và thế giới thường biết đến ông qua hai tác phẩm Dona Flor và hai người chồng và Gabriela, nhành quế và hoa đinh hương. Nhưng Hảo hán nơi trảng cát - tác phẩm ra đời năm 1937 kể về cuộc sống lang bạt kỳ hồ của những đứa trẻ vị thành niên không nơi nương tựa, sống dựa vào nhau trong một nhà kho bỏ hoang nơi bãi biển Salvador, thủ phủ bang Bahia - mới là cuốn truyện được giới trẻ Brazil yêu thích nhất.
Cuốn tiểu thuyết về giới trẻ bụi đời được đông đảo học sinh, sinh viên yêu thích. |
Các nhân vật bụi đời đặc sắc
Theo một nghĩa nào đó, Hảo hán nơi trảng cát giống như Robin Hood hoặc Oliver Twist, với các nhân vật chính là những kẻ “bên lề” của xã hội. Cuốn sách không thực sự tập trung vào một nhân vật, mà từng gương mặt xuất hiện lần lượt như trong một cuốn phim quay chậm.
Một thủ lĩnh Pedro Bala (Viên đạn) can đảm, người cha tinh thần cho cả nhóm, là con của một công nhân bị giết vì tham gia đình công. Một vệ sỹ da đen cơ bắp Joao Gộc luôn đứng ra bảo vệ những đứa bé hơn. Một “Giáo sư” João José, người biết chữ nhiều nhất, là quân sư tài ba, vạch ra chiến lược cho từng phi vụ khoắng của. Rồi cậu bé thọt chân Cẳng Nhũn diễn xuất thần sầu với những câu chuyện bịa về thân thế đáng thương có thể làm xiêu lòng bất kỳ mệnh phụ phu nhân nào, hay Mạch Nha một lòng kính Chúa.
Cuốn sách miêu tả những người nghèo khổ bị áp bức, và mạnh mẽ ca ngợi sự trượng nghĩa của họ. Để giúp đồng bọn thoát khỏi tay cảnh sát, Pedro đã cố tình bị bắt, mặc dù biết sẽ bị tra tấn rất khủng khiếp.
“Giáo sư” mặc dù có cảm tình với cô bé Dora nhưng chấp nhận cô đơn khi biết người trong mộng của Dora là thủ lĩnh Bala. Cẳng Nhũn không nỡ bỏ rơi các bạn của mình để đến làm con nuôi của một gia đình giàu có.
Và một Dora thơ ngây nhưng chín chắn, đã mang đến cho lũ bụi đời tình cảm một người em gái, người chị và người mẹ. Thẳng thắn với lòng mình và sẵn sàng bày tỏ tình yêu nồng nhiệt với thủ lĩnh Pedro, Dora là một hình ảnh lung linh của nữ tính thuần hòa nuôi dưỡng tình yêu thương trong cát bụi đô thành.
Đời sống tinh thần của bọn trẻ rất cũng phong phú. Với những tăm tối đói nghèo thực trạng, chúng vẫn mơ. Mơ về một cuộc sống không còn phải trốn tránh cảnh sát, không còn phải gặp những ánh mắt khinh bỉ của người đời. Chúng đã làm tất cả để thực hiện ước mơ, rồi trở thành họa sĩ nổi danh, thành chiến sỹ cách mạng, hoặc những tên cướp giết người không ghê tay.
Chú bé Cẳng Nhũn, khi chạy trốn một cuộc lùng sát gắt gao, biết mình không thể trốn thoát, chú đã nở một nụ cười tươi rói trước khi từ biệt cõi trần bằng cách gieo mình xuống vách đá.
Tác giả miêu tả chúng như “những người chủ của thành phố này, những kẻ hiểu biết nó đầy đủ, những kẻ yêu mến nó hết mình, những nhà thơ của nó”.
Sách Hảo hán nơi trảng cát do NXB Kim Đồng liên kết công ty Đông A phát hành. |
Lên án mạnh mẽ những bất công của xã hội
Thông qua những câu chuyện mà lũ trẻ đã trải qua cũng là cách Amado diễn tả những gì diễn ra trong chính xã hội Brazil ngày đó. Những đứa trẻ đường phố cùng nạn móc túi, trộm cắp, mại dâm, tình dục đồng giới, và bên kia là cảnh sát, thầy tu, nhà trừng giới, giới nhà giàu...
Brazil những năm 30 hiện lên trong cuốn sách là một xã hội phân hóa rõ rệt, người giàu nắm trong tay mọi đặc quyền còn những gì chờ đợi người nghèo chỉ là bệnh tật, đói khát và đau khổ.
Khi dịch đậu mùa gieo rắc kinh hoàng xuống Bahia thì chỉ có người nghèo phải chết trong đói rét ở những khu cách ly vì người giàu đều đã được tiêm chủng. Và cư dân thành phố, họ tin vào Chúa, sùng kính nhà thờ nhưng lại hờ hững với bọn trẻ con bụi đời, và xua đuổi chúng cho đến tận cùng không lối thoát.
Linh mục Pedro - người duy nhất đồng cảm với lũ trẻ - đã chống lại Đức cha bề trên của mình để thanh minh cho chúng: “Chúng nó ăn cắp để có cái ăn, bởi vì tất cả những người giàu sang kia họ có thừa tiền để vứt qua cửa sổ, để đem cho nhà thờ, mà họ lại không hề nhớ rằng trên thế gian này đương có những đứa trẻ bị đói khát”.
Mặc dù sự bất bình đẳng luôn là một thực tế không tránh khỏi của cuộc sống, Amado với vũ khí mạnh mẽ là ngòi bút không hề giấu giếm sự bất bình của mình với chính quyền đương thời. Từ những nỗi đau của những kẻ ngoài lề, ông đã khắc họa nên xã hội Brazil với trò giả dối và những phù hoa.
Trên thực tế, nhà văn đã bị đày khỏi Brazil một thời gian do xu hướng chính trị “thiên tả” của ông, với lời cáo buộc rằng ông đã gần như tôn vinh những “tội ác” mà những đứa trẻ đường phố này đã thực hiện.
Nhà văn Jorge Amado. Ảnh: Ulf Andersen/Getty Images. |
Ngòi bút kể chuyện bậc thầy
Nằm đâu đó ngoài những nỗi buồn thương nhân thế, Amado còn cho người đọc thấy sâu thẳm trong tác phẩm này vẻ đẹp con người và nét văn hóa quyến rũ của vùng đất Bahia. Miền đất của những hội hè miên man cùng vũ điệu samba, thuốc lá, và men rượu nồng nàn cùng thiên nhiên khoáng đạt với những đồn điền ca cao bát ngát.
Câu chuyện được mở đầu bằng một đêm trăng trước nhà kho và kết thúc cũng là hình ảnh ánh trăng đó nhưng rực rỡ hơn, lung linh hơn, soi sáng những nắm tay giơ cao để tiễn đưa vị thủ lĩnh “lên đường ra đi để chuyển biến số phận của những đứa trẻ khác”. Miền đất của những đấu tranh, không bao giờ cúi đầu tự chịu khuất phục.
Amado đã viết tác phẩm này ở độ tuổi 24, và là tác phẩm thứ 6 của ông. Tác phẩm cũng đã được chuyển thể thành phim màn ảnh rộng 2 lần. Lần thứ nhất do Mỹ sản xuất năm 1971, được bầu chọn là phim nước ngoài hay nhất năm 1973 tại Liên Xô; và lần thứ hai vào năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn với đạo diễn chính là cháu gái của ông, Cecilia Amado.
Ngoài ra, khán giả màn ảnh nhỏ Brazil còn được thưởng thức hầu như toàn bộ tình tiết của tiểu thuyết qua 10 tập phim truyền hình được sản xuất năm 1989.
Hảo hán nơi trảng cát dù khốc liệt và cay đắng, nhưng xét về tổng thể vẫn là một sự đẹp đẽ toàn diện, dù có rất nhiều cái chết, rất nhiều chia ly, nhiều bất công và tủi nhục.
Từ nỗi mất mát đã bật lên căm hờn và phản kháng. Bằng một giọng văn trẻ thơ mà từng trải, mộc mạc núi đồi mà lộng lẫy gió nắng, Amado đốt lên ngọn lửa nồng nhiệt xứ Mỹ Latin thiêu cháy trái tim người đọc, dù sau ngoảnh lại chỉ còn tro tàn.