Người giao sữa của tác giả Anna Burns, với những nhân vật không tên, trong thành phố không tên, hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh đời sống đầy rẫy bạo lực và bất ổn.
Từ đó, nó thể hiện sự phản kháng, can đảm và khao khát được sống trong xã hội hòa bình của con người, đặc biệt là những phụ nữ. Nơi nào đó để họ có thể được sống độc lập, cất tiếng nói và lắng nghe.
Sách Người giao sữa được dịch giả Thiên Nga chuyển ngữ tiếng Việt, xuất bản tại Việt Nam năm 2020. |
Bất an và sợ hãi
Suốt gần 500 trang sách là cuộc xung đột giữa người giao sữa và nhân vật Tôi, khi cô tìm mọi cách lên kế hoạch để phản kháng sự có mặt, đe dọa của gã; đồng thời rơi vào bẫy của cả một cộng đồng cô đang sinh sống, nơi tồn tại những bất an, lo lắng.
Cô gái 18 tuổi chưa bao giờ hứng thú với đời sống hiện tại. Cô luôn cúi đầu, theo đúng nghĩa đen, bằng cách vừa đi vừa đọc.
Cô đọc những cuốn sách của thế kỷ 19, bởi cô không thích thế kỷ 20. Khi hành động như vậy, cô tự đánh dấu mình là người kỳ lạ giữa nơi mình sống. Điều đó thu hút sự chú ý của người giao sữa - người suốt cuốn tiểu thuyết đã cố gắng đánh dấu cô là tài sản sở hữu của gã.
Nhân vật người giao sữa là sáng tạo đáng sợ, tạo điểm liên kết xuyên suốt tiểu thuyết. Không ai biết gã. Gã ở khắp nơi, với những lời đe dọa khủng khiếp về việc sẽ giết chết bạn trai hờ của cô nếu cô tiếp tục gặp anh ta.
Cuốn sách không có bất kỳ địa danh nào nhưng không khí câu chuyện được Anna Burns miêu tả dắt độc giả đến thời kỳ căng thẳng của cuộc xung đột vũ trang tại Bắc Ireland những năm 1970.
Mặc dù cuốn tiểu thuyết Người giao sữa lấy bối cảnh ở Bắc Ireland trong những năm 1970, nó gợi lên những suy nghĩ về các chế độ khác và tác động của chúng. Độc giả cũng có thể liên tưởng các phù thủy thời trung cổ, vụ đầu độc Skripal và phong trào #MeToo khi đọc Người giao sữa.
Trong cuộc phỏng vấn do Booker Prize Foundation thực hiện, Burns nói rằng Người giao sữa được lấy cảm hứng từ trải nghiệm của chính mình: “Tôi đã lớn lên ở một nơi đầy rẫy bão lực, mất lòng tin và hoang tưởng; nơi mỗi người đều cố gắng điều hướng để sống sót trong thế giới tốt nhất có thể”.
Bối cảnh chính của cuốn tiểu thuyết là cuộc xung đột vũ trang diễn ra vào những năm 1970 tại Bắc Ireland. Ảnh: Commondreams. |
Miệng lưỡi hại người
Tái hiện không khí xung đột căng thẳng trong những năm 1970 của Bắc Ireland, nhưng bạo lực bán quân sự hay chính quyền không hiện diện trong cuốn tiểu thuyết này.
Các mục tiêu của tác giả Burns tàn bạo hơn, đó là sự áp bức của đồng loại, sự tuân thủ, tôn giáo, chế độ phụ hệ với nỗi sợ hãi thường xuyên và sự nghi ngờ lan rộng trong cộng đồng.
Hình ảnh cộng đồng hiện diện như quái thú đang nuốt chửng tất cả thứ nó trông thấy và nôn ra những thứ đã nhuốm chất độc. Những lời đồn đại, dọa dẫm về mối quan hệ của cô gái tuổi teen và người giao sữa 41 tuổi đã đi đến "hang cùng ngõ hẻm", thọc sâu vào đời sống của cô, khủng bố tinh thần, khiến cô khiếp hãi.
Ý chí của cộng đồng ban đầu có vẻ bá quyền và bất khả chiến bại, nhưng người kể chuyện lại là một nhân vật khác biệt, cô không dễ dàng bị nuốt vào trong hố độc của cộng đồng. Ngay từ khi xuất hiện với hình ảnh vừa đi vừa đọc, hành động cúi đầu xuống những cuốn sách, đắm chìm vào thế giới khác thực tại, đã giúp cô trụ vững.
Cô phản kháng bằng sự câm lặng kéo dài, và những ngôn từ “tôi không biết” được lặp đi lặp lại, khiến nọc độc của những kẻ tự xưng là cộng đồng không thể tiếp tục xâm lần đời sống của cô. Cô tiếp tục vừa đi vừa đọc, chạy bộ, mặc cho lời đồn, miệt thị cho rằng cô quan hệ bất chính, chửa hoang... bủa vây.
Cuốn tiểu thuyết dẫu ngập tràn đau đớn, bất ổn, kìm kẹp, đầy rẫy những cúi đầu, thỏa hiệp, với những hình ảnh như người cha của cô gái trầm cảm mà chết, hay chị cả mang mối tình suốt đời với người đàn ông đã chết, mỗi lần đến giỗ đều ngây dại, phát điên, thì hướng đi của Người giao sữa vẫn là hy vọng.
Sự hy vọng nhỏ nhoi xuất hiện đồng thời với nhân vật như cặp vợ chồng vũ công quyết định rời khỏi nơi đây để hướng ra toàn cầu, trở thành vũ công quốc tế, đã truyền cảm hứng cho trẻ em thi đua.
Hay đó là sự tồn tại của người giao sữa thật sự, người luôn ấm áp, đầy hiểu biết mà cô gái 18 tuổi thường tìm đến nói chuyện. Những hiện hữu ấy giúp cuốn tiểu thuyết sáng hơn giữa đen đặc đau buồn và bi ai.
Nhà văn Anna Burns. Ảnh: Independent. |
Tác phẩm giành giải thưởng Man Booker
Người kể chuyện, Tôi, trong tiểu thuyết đã phá vỡ được hiện trạng theo đuổi của người giao sữa, tồn tại sừng sững trước những kìm kẹp bủa vây của cộng đồng không phải thông qua chính trị, anh hùng hay đấu tranh vũ trang, mà bởi vì cô ấy khác biệt, hài hước, xấc xược và độc đáo.
Cô ấy hiện hữu là cá thể độc lập, dẫu không có tên, nhưng có hình hài và tâm trí sáng nét, không bị đám đông nuốt chửng.
Cuốn tiểu thuyết kỳ lạ và phức tạp của Anna Burn tạo cảm giác thích thú cho độc giả, khi đi xuyên qua những lớp lang ý nghĩa, để khai phá bản chất sâu thẳm của đời sống và con người.
Người giao sữa kích hoạt bầu không khí phức tạp từng xuất hiện trong những tiểu thuyết hiện đại của William Faulkner, Virginia Woolf, James Joyce..., có khả năng thách thức bất kỳ người đọc nào.
Lối kể chuyện của Anna Burns trong Người giao sữa cũng là điểm nhấn quan trọng, tạo nên sức hấp dẫn. Anna Burns đã dùng lối viết hài hước, giễu cợt để thể hiện điểm đen của thời đại đầy nhiễu nhương, được truyền tải qua nhân vật cô gái 18 tuổi, người kể chuyện.
Cô gái chế giễu thị trấn của mình, trong cơn đói vô độ vì những tin đồn với sự phân biệt giới tính độc hại của nó. Ngay cả trong sự kìm kẹp theo đuổi của người giao sữa, cô cũng chuyển sang những chuyện hài hước dài dòng về những nhân vật kỳ quặc xung quanh mình. Sự hài hước là điều khiến cuộc đời trở nên bớt tồi tệ hơn, dù thực tế tồi tệ đến thế nào đi nữa.
Anna Burns đã trở thành nhà văn Bắc Ireland đầu tiên giành được giải thưởng Man Booker với cuốn tiểu thuyết thứ ba của cô, Người giao sữa.
Hội đồng Giám khảo Man Booker đã khen tặng cuốn tiểu thuyết: “Vừa gây sợ hãi lại vừa truyền cảm hứng, Người giao sữa là tác phẩm có phong cách tuyệt đối riêng biệt... Một câu chuyện độc đáo về Ireland vào thời kỳ nhiễu nhương qua trí óc của một cô gái trẻ... Một tác phẩm choáng váng”.