Xa lắm rồi, thuở ấy, nhà bên
có cô gái bến sông làng kín nước
đêm thanh vắng bóng khăn vàng gió lướt
bỗng mơ hồ theo hút bóng trăng rơi
***
Một sớm kia
vằng vặc dưới trời
hoa cải nở
hoa cải vàng ngăn ngắt
hạt nắng li ti hạt buồn chiu chắt
hắt vàng lên hiu hắt bức tranh đông
***
Ngày tôi đi
dằng dặc triền sông
hoa cải tiễn
hoa cải cười
hoa cải khóc
nghe đắng ngọt phấn hoa vàng trên tóc
tuổi thơ xưa trinh trắng mãi xa rồi
***
Da diết bao năm bằn bặt xứ người
ám ảnh mãi sắc tươi vàng năm ấy
nơi xa vắng đông nào cũng vậy
hồn vẫn về
xao xác
những mùa hoa
Tập thơ "Cho vĩnh cửu mùa thu" của Phạm Duy Nghĩa (Ảnh Sương Trinh) |
Lời bình
Công chúng biết đến Phạm Duy Nghĩa như là một nhà văn chuyên về truyện ngắn. Anh từng đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ. Thế nhưng, ít ai biết, trong miền rung cảm thẳm sâu, Phạm Duy Nghĩa là một tâm hồn thi sĩ.
Không toát lên màu sắc tân kỳ như những bài thơ hiện đại – hậu hiện đại gần đây, thơ Phạm Duy Nghĩa cất giữ một miền thi cảm trong veo, mơ mộng như bóng khăn cô gái nhà bên kín nước đêm trăng, như màu nắng chắt chiu trên phấn hoa vàng mỗi sớm.
Bài thơ gợi tứ từ sắc vàng hoa cải. Màu hoa non tươi, màu hoa biền biệt. Hoa của ngày xưa, sắc của một đời. Ý thơ buồn, tình thơ da diết, nhịp thơ bồi hồi, giọng thơ xa vắng cho ta chạm vào những xao xác khôn nguôi. Trong miền thơ ấy, có ai nhớ một sắc hoa nào in trong đáy mắt ngày mình ra đi, bằn bặt xứ người?