Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuổi thọ trung bình của loài người tăng từ 26 lên 72 thế nào?

Tuổi thọ trung bình khi sinh đã tăng lên trên toàn thế giới, từ khoảng 26 tuổi vào năm 1820 lên 72 tuổi vào năm 2020.

Hãy bắt đầu từ trọng tâm vấn đề. Loài người đã đạt được sự tiến bộ: phong trào hướng tới bình đẳng là một trận chiến có thể giành chiến thắng dù kết quả vẫn còn bấp bênh, là một quá trình chính trị và xã hội mong manh nhưng luôn tiếp diễn và nhiều tranh cãi.

Tôi sẽ bắt đầu bằng cách nhắc lại những tiến bộ lịch sử đã đạt được về giáo dục và y tế trước khi xem xét những câu hỏi mang tính chính trị cao nảy sinh từ sự lựa chọn các chỉ báo kinh tế xã hội. Sau đó, trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét một vài yếu tố cơ bản và mức độ phi tập trung hóa dần dần về quyền lực, tài sản và thu nhập.

Binh dang anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Milenio Stadium.

Tiến bộ nhân sinh: phổ cập giáo dục và y tế cho mọi người

Loài người đã đạt được những tiến bộ nhất định: để biết chắc, chỉ cần quan sát sự phát triển giáo dục và y tế trên thế giới kể từ năm 1820. Dữ liệu hiện có dù không đầy đủ nhưng xu hướng vẫn lộ rõ. Tuổi thọ trung bình khi sinh đã tăng lên trên toàn thế giới, từ khoảng 26 tuổi vào năm 1820 lên 72 tuổi vào năm 2020.

Vào đầu thế kỷ 19, khoảng 20% trẻ sơ sinh trên hành tinh này qua đời trước ngày thôi nôi, so với mức dưới 1% hiện nay. Nếu chỉ tập trung vào những em bé lên một, tuổi thọ trung bình đã tăng từ khoảng 32 tuổi vào năm 1820 lên 73 tuổi vào năm 2020. Hai thế kỷ trước, rất ít người có hy vọng sống đến 50 hay 60 tuổi; ngày nay, đặc quyền đó đã trở thành bình thường.

Sức khỏe con người thời nay tốt hơn bao giờ hết; họ cũng được tiếp cận cơ hội giáo dục và văn hóa nhiều hơn bao giờ hết. Thông tin thu thập được trong nhiều cuộc khảo sát và điều tra dân số giúp chúng tôi ước tính rằng vào đầu thế kỷ 19, hầu như không có tới 10% dân số thế giới trên 15 tuổi biết đọc biết viết, trong khi ngày nay hơn 85% biết chữ. Một lần nữa, các chỉ số tinh tế hơn cũng xác nhận điều này.

Số năm đi học trung bình đã tăng từ chưa đầy một năm cách đây hai thế kỷ lên hơn 8 năm trên toàn thế giới ngày nay và hơn 12 năm ở các quốc gia tiên tiến nhất. Năm 1820, chưa tới 10% dân số thế giới đi học tiểu học; vào năm 2020, hơn một nửa thế hệ trẻ ở các quốc gia giàu có đã học đến bậc đại học: điều từng là đặc quyền giai cấp đang dần dần trở nên phổ cập đại chúng.

Chắc chắn sự tiến bộ vượt bậc này chỉ đưa tình trạng bất bình đẳng lên một cấp độ khác. Sự chênh lệch khả năng tiếp cận giáo dục và y tế cơ bản giữa Bắc và Nam bán cầu vẫn còn rất sâu sắc, và nó cũng còn rất đáng kể ở hầu hết mọi cấp độ tiên tiến hơn của hệ thống y tế hoặc giáo dục, ví dụ như giáo dục đại học.

Chúng ta sẽ thấy rằng đây là một vấn đề lớn cho tương lai. Vào lúc này, chỉ cần nói đơn giản rằng sự việc luôn diễn ra như thế: quá trình tiến tới bình đẳng trải qua các giai đoạn kế tiếp nhau. Khi việc tiếp cận một số quyền và hàng hóa cơ bản (chẳng hạn như xóa mù chữ hoặc y tế cơ bản) dần dần được phổ cập cho toàn bộ dân số, thì bất bình đẳng mới sẽ xuất hiện ở các cấp độ cao hơn và đòi hỏi những phản ứng mới.

Hệt như việc tìm kiếm nền dân chủ lý tưởng mà chẳng qua là tiến tới bình đẳng chính trị, việc tiến tới bình đẳng dưới mọi hình thức (xã hội, kinh tế, giáo dục, văn hóa, chính trị) là một quá trình luôn tiếp diễn và sẽ không bao giờ hoàn thành.

Ta có thể thấy rằng về tuổi thọ và tỷ lệ biết chữ, loài người đã đạt được tiến bộ quan trọng nhất trong thế kỷ 20, khi nhà nước phúc lợi được mở rộng đáng kể, an sinh xã hội và thuế thu nhập lũy tiến được thiết lập sau những cuộc đấu tranh chính trị gay gắt.

Chúng ta sẽ trở lại thảo luận chủ đề này một cách chi tiết hơn. Vào thế kỷ 19, ngân sách phúc lợi xã hội vẫn rất hạn hẹp, thuế mang tính chất lũy thoái và tiến bộ do các chỉ số này tạo ra là cực kỳ chậm, nếu không muốn nói là không đáng kể. Sự tiến bộ của loài người không bao giờ phát triển một cách “tự nhiên”: nó chịu sự chi phối của các quá trình lịch sử và các cuộc đấu tranh xã hội cụ thể.

*Chú thích: Tuổi thọ trung bình khi sinh (life expectancy at birth) là số năm trung bình mà người ta dự kiến một em bé mới sinh sẽ sống nếu nó sống cả đời dưới sức ảnh hưởng của tỉ lệ tử vong xét theo độ tuổi và giới tính hiện hữu vào thời điểm nó được sinh ra, tùy thuộc vào năm sinh, quốc gia, vùng lãnh thổ và địa lý cụ thể (BTV).

Thomas Piketty/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY