BÌNH LUẬN
Thế hệ vàng của bóng đá Hà Lan gồm Robin van Persie, Arjen Robben, Rafael van der Vaart, Wesley Sneijder lần lượt nói lời chia tay tuyển quốc gia. Phải mất một thời gian thế hệ mới với đại diện là Depay mới phần nào khỏa lấp khoảng trống.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Ronald Koeman, Depay ngày càng tiến bộ. Kết quả, anh mang về 11 bàn thắng, 12 đường kiến tạo sau 19 trận khi HLV Koeman còn tại vị.
Depay trở thành tiền đạo duy nhất của bóng đá Hà Lan đạt đến đẳng cấp quốc tế ở hiện tại. Thế nhưng, ít ai biết rằng anh từng có tuổi thơ không êm đềm như bao đứa trẻ đồng trang lứa.
Depay đại diện cho thế hệ cầu thủ mới của bóng đá Hà Lan. Ảnh: Getty Images. |
Chiến binh từ thời thơ ấu
Depay là người hướng ngoại, thích nói chuyện hoặc đọc rap bằng tiếng Anh pha lẫn tiếng Hà Lan mang phong cách đường phố. Điều này hoàn toàn trái ngược với ngôi làng Moordrecht, nơi anh sinh sống thời thơ ấu vốn nổi tiếng về sự yên tĩnh.
Thực tế, Depay không có tuổi thơ tươi đẹp tại nơi này. Người cha gốc Ghana vội vàng rời bỏ gia đình của mình khi Depay mới 3 tuổi.
Mẹ anh tái hôn vào năm 2002 cùng một người hàng xóm. Depay khi ấy mới 8 tuổi, phải chuyển đến nhà cha dượng và sống cùng 10 đứa trẻ khác.
“Đó là địa ngục”, cầu thủ người Hà Lan viết trong cuốn tự truyện ra mắt năm 2019 với tên gọi “Trái tim của một chú sư tử”. Anh kể rằng mình thường xuyên bị những đứa trẻ trong nhà tấn công.
“Chúng tôi chủ yếu đánh nhau bằng nắm đấm và nhiều lần còn bị đe dọa bằng dao. Tôi còn từng bị một cậu bé dùng kìm kẹp tai rồi kéo mạnh. Do đó, tôi thường xuyên phải cảnh giác. Tôi bị gọi là con khỉ và thằng khốn nạn”, cựu cầu thủ Man United chia sẻ.
Từ đó về sau, Depay tự cô lập mình. Anh không muốn bước ra khỏi bàn học trong thời gian dài, đánh mất sự tôn trọng người khác và cả với bản thân.
Anh không tin tưởng bất kỳ ai. Trong cuốn tự truyện của mình, Depay nói rằng giai đoạn này dạy cho anh cách sống sót.
Chỉ khi chơi bóng, Depay mới cảm thấy được tự do. “Tôi thổi bay mọi nỗi đau trên sân bóng. Bóng đá giúp tôi được giải phóng. Tôi phải trở thành người giỏi nhất, đánh bại tất cả đối thủ trên sân bóng”, ngôi sao 27 tuổi kể lại.
Sau đó, Depay chuyển đến sống với ông bà nội ở một khu vực khác thuộc làng Moordrecht. Anh bắt đầu tìm lại hạnh phúc trong cuộc sống, thích đi câu cá cùng với ông nội hoặc chơi bài skip-bo với bà nội.
Ông nội của anh là một vận động viên thể dục dụng cụ tài năng. Depay rất giỏi trong môn thể thao này nhưng niềm đam mê lớn nhất của anh vẫn là bóng đá.
Năm 4 tuổi, Depay từng nói lên ước mơ của mình với ông nội: “Ông ơi, cháu sẽ chơi bóng ở Barcelona”. Đó là sự khác biệt với người ông quá cố của anh, người cảm thấy hài lòng với một ngôi nhà trên đê.
Hiện tại, dù cuộc sống bận rộn, Depay vẫn tranh thủ trở về Moordrecht để thăm bà nội của mình và chơi bài skip-bo như thời thơ ấu.
Depay trở thành niềm hy vọng trên hàng công của tuyển Hà Lan tại Euro 2020. Ảnh: Getty Images. |
Trái tim ấm áp của Depay
Khi Depay được vinh danh là tài năng triển vọng nhất ở giải Eredivisie Hà Lan vào năm 2015, anh được quỹ Cruyff Foundation tặng một sân cỏ nhân tạo. Sân cỏ này được xây dựng ở bất kỳ nơi nào anh muốn. Cuối cùng, Depay quyết định tặng lại phần thưởng của mình cho người dân tại Moordrecht.
Trong ngày khánh thành sân Memphis Depay Cruyff, không phải ai cũng cảm thấy vui vẻ khi cái tên “Memphis” được nhắc đến. Đó là bởi Depay tạo ra quá nhiều ồn ào.
“Cậu ấy nên cung cấp 100 quả bóng cho CLB”, một người đàn ông trả lời với vẻ mặt giận dữ.
Một số người dân khác tỏ vẻ không hài lòng khi Depay cùng chiếc Bentley của mình đến muộn. Họ cảm thấy không cần thiết phải chuẩn bị một buổi lễ quá trang trọng, tốn kém như vậy.
Tuy nhiên, những đứa trẻ cảm thấy rất vui vẻ. Các em có thể kể lại rất nhiều điều về ngày hôm đó, việc Depay dành thời gian chơi bóng ở quê nhà, với tình thương vô bờ, giống như cách người dân Moordrecht luôn bảo vệ tiền đạo của Lyon trước những thông tin tiêu cực.
Trong nhà ăn của một CLB bóng đá địa phương, chiếc áo của Depay được treo rất trang trọng bên cạnh áo đấu của Leen van Steensel, một cầu thủ thường xuyên ngồi dự bị ở CLB Excelsior. Những năm qua, Depay là cầu thủ người Hà Lan được nhắc đến nhiều nhất, không chỉ vì giây phút bùng nổ trên sân cỏ.
Người hâm mộ luôn quan tâm đến đời sống của cầu thủ 27 tuổi như bộ quần áo mới, bức ảnh tạo dáng với một con sư hổ (con lai giữa hổ và sư tử), khoảnh khắc thư giãn trên du thuyền một ly rượu whisky và một chiếc vòng cổ trị giá 100.000 euro.
Chưa kể, mọi hoạt động của Depay cũng thu hút sự chú ý, như những việc làm trong thời gian nghỉ thi đấu dài hạn vì chấn thương đầu gối, sự xuất hiện trong một cuộc biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc ở Amsterdam.
Với tầm ảnh hưởng như hiện tại, thật khó tin khi biết rằng anh trưởng thành ở một nơi như làng Moordrecht, nơi được bao bọc bởi những đồng cỏ, trang trại và có chưa tới 9.000 cư dân. Đó cũng không phải là mảnh đất sản sinh nhiều cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.
“Tôi luôn có mặt trên sân cỏ, chơi bóng và bạn đang thấy kết quả”, Depay xúc động phát biểu trong buổi lễ khánh thành công trình này vào mùa hè 2019.
Với nhiều người dân ở làng Moordrecht, Depay là một cầu thủ đầy nỗ lực. Theo thời gian, anh ngày càng tiến bộ, trở thành một ngôi sao hàng đầu của bóng đá Hà Lan.
Nếu không vì cuộc khủng hoảng tài chính ập đến với Barcelona, anh có mặt tại Camp Nou vào mùa hè 2020, và chơi bóng bên cạnh Lionel Messi, Antoine Griezmann.
Ở Lyon vào lúc này, Depay là một thủ lĩnh. Trong màu áo tuyển Hà Lan, anh cũng là một ngôi sao có tầm ảnh hưởng lớn.
Chắc chắn chàng trai 27 tuổi sẽ tiếp tục trở thành người lĩnh xướng hàng công của “Cơn lốc màu da cam” (biệt danh của tuyển Hà Lan) tại vòng chung kết Euro 2020.