Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuổi thơ của người mang tên giải quần vợt Pháp trên đất Sài Gòn

Roland Garros là tên giải quần vợt Pháp mở rộng nhưng ít ai biết rằng người đàn ông được đặt tên cho giải đấu này từng có thời niên thiếu ở Sài Gòn.

Trong cuốn Sài Gòn Chợ Lớn ký ức đô thị và con người (NXB Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2016) giải B Sách đẹp - Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất, tác giả Nguyễn Đức Hiệp đã dành những trang viết về Roland Garros trong bài Đại lộ Charner cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (nay là đường Nguyễn Huệ).

Nguyễn Đức Hiệp là tiến sĩ, chuyên gia khoa học về khí quyển ở Bộ Môi trường và Di sản, tiểu bang New South Wales, Australia. Ông là tác giả của nhiều công trình biên khảo nghiên cứu về Sài Gòn - Chợ Lớn, trong đó có nhiều công trình đã xuất bản tại Việt Nam.

Trong cuốn Sài Gòn Chợ Lớn ký ức đô thị và con người, Nguyễn Đức Hiệp không chỉ viết lịch sử thành phố gắn liền trong khung cảnh diễn biến trên bình diện quốc gia và thế giới; đổi thay của cảnh quan đô thị gắn với từng thời kỳ lịch sử, mà còn nhắc đến những con người nổi bật, có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa xã hội của thành phố. Roland Garros, tên đầy đủ Eugène Adrien Roland Georges Garros (06/10/1888-05/10/1918) là một trong những con người như vậy.

Tuoi tho cua nhan vat mang ten giai quan vot Phap mo rong tren dat Sai Gon anh 1
Trung úy, phi công Roland Garros. Ảnh tư liệu

Tác giả cho biết, Roland Garros là con của ông bà luật sư Georges và Clara Garros, người Pháp, sinh trưởng ở đảo Réunion - một hòn đảo nhỏ thuộc Pháp. Đây cũng là nơi hai vua triều Nguyễn là Thành Thái và Duy Tân bị Pháp đưa đi đày vào tháng 11/1916.

Gia đình ông bà Garros đến Sài Gòn lập nghiệp năm 1892, khi đó Roland mới 4 tuổi. Lúc còn nhỏ ở Sài Gòn, Roland đã theo cha đi giao thiệp nhiều, học và biết nói tiếng Việt. Tuổi thơ của ông gắn với số nhà 117 đường Charner, cạnh tòa nhà Hòa giải (trước đó người Pháp xây Nhà thờ Đức bà chính tòa Sài Gòn bằng gỗ tại đây, sau bị mối mọt), nơi cha ông làm việc đã mở mang cái nhìn rộng hơn về thế giới bên ngoài.

Nói về tuổi thơ và trường Roland học ở Sài Gòn, tác giả sách dẫn một bài viết trên tờ tuần báo Le Nouvelliste d’Indochine, xuất bản ở Sài Gòn, ra ngày chủ nhật (09/10/1938) có tựa đề Une belle figure saigonnaise, Roland Garros của tác giả Jacques Baroche.

Tuoi tho cua nhan vat mang ten giai quan vot Phap mo rong tren dat Sai Gon anh 2
Đại lộ Charner nơi gắn với tuổi niên thiếu của Roland Garros. Ảnh tư liệu.

Bài viết có ghi chú của một người biên tập ký tên L.N cho biết Roland Garros học tiểu học và năm đầu trung học ở trường Lycée Chasseloup - Laubat và rất nhiều người Sài Gòn cũ vẫn còn nhớ, từng thấy Roland đùa giỡn với chị gái trước văn phòng của ông George trên đường Charner.

Ở Sài Gòn, gia đình ông bà Garros nhận thấy chương trình tiểu học chưa đủ tiêu chuẩn nên bà Clara Garros dạy thêm cho Roland ở nhà.Tác giả cũng cho biết ông George, cha của Roland Garros là người hiểu biết về xã hội Á đông và có những cuốn sách hướng dẫn người Pháp tìm hiểu về phong tục xã hội ở Nam kỳ, về kinh nghiệm lúc ông làm luật sư biện hộ ở Sài Gòn. Ông cũng viết nhiều sách tham khảo về Đông Dương và là người thành lập báo Le Courier Saigonais.

Ngôi nhà số 117 đường Charner cũng là trụ sở báo Moniteur des provinces (Nhật báo tỉnh), tờ báo mà ông Phạm Quỳnh cho biết là nơi “dịch những nghị định, công văn của Nhà nước, đăng những tin thuyên chuyển quan lại”. Ngôi nhà này, sau đó còn là trụ sở báo La Jeune d’Asie (tờ báo cho độc giả cấp tiến người Pháp và người Việt đọc được tiếng Pháp và Quốc ngữ).

Năm 1900, ông bà Garros gửi cậu con trai Roland qua Pháp học. Ở Pháp, cậu là tay đua xe đạp đoạt giải vô địch ở Paris năm 1906. Sau khi học xong trung học, Roland ham mê máy bay, lúc đó hàng không đã bắt đầu phát triển. Ông tham dự các cuộc đua máy bay qua eo biển Manche và Tây Ban Nha. Sau đó, ông qua Mỹ để tìm hiểu về hàng không của Mỹ. Roland Garros là người đầu tiên bay qua Địa Trung Hải vào năm 1913.

Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, phi cơ trở thành công cụ chiến tranh và mang bom do chính tay phi công thả xuống trận địa. Roland vào quân đội. Ông tham dự nhiều trận không chiến và bắn hạ ít nhất 4 phi cơ của Đức.

Năm 1915, trong một vụ bỏ bom ở Bỉ, phi cơ của Roland bị bắn rơi, ông bị bắt làm tù binh và đưa về Đức cầm tù. Tháng 02/1918, ông trốn khỏi ngục tù ở thành phố Magdeboug, chạy thoát đến Hà Lan. Ông di chuyển bằng tàu đến nhiều nơi trên thế giới, điều đó khiến ông ngày càng nổi tiếng ở Pháp.

Tuoi tho cua nhan vat mang ten giai quan vot Phap mo rong tren dat Sai Gon anh 3
Sân quần vợt Roland Garros ở Paris, nơi diễn ra giải quần vợt Pháp mở rộng (còn gọi là giải Roland Garros, một trong 4 giải Grand Slam trong năm). Ảnh tư liệu.

Tác giả cũng cho biết, Trung úy phi công Roland Garros thi hành phi vụ cuối cùng ngày 5/10/1918, một ngày trước sinh nhật 30 tuổi và hơn một tháng trước ngày đình chiến chấm dứt chiến tranh. Máy bay của ông bị bắn rơi trong một trận không chiến. Nước Pháp nhớ ơn ông với nhiều tượng đài và năm 1928 đã đặt tên sân quần vợt nổi tiếng ở Paris - nơi giải mở rộng được tổ chức, với tên là sân quần vợt Roland Garros.

Bạn học của ông thời trung học là Émile Lesieur khi là Chủ tịch Stade Francais, năm 1928 đã đặt tên sân tenis sắp xây để tổ chức giải Davis Cup mà Pháp thắng kỳ tranh giải trước đó, là tên người phi công tài hoa.

Ở đảo Réunion nơi ông sinh thành, con đường gia đình ông ở xưa kia trở thành đường Roland Garros và phi trường chính ở đảo Réunion hiện nay mang tên Roland Garros. Còn ở Sài Gòn thời thuộc Pháp, nơi ông trải qua thời niên thiếu, năm 1919 đường Némesis được đổi tên là Rue d’aviateur Roland Garros (nay là đường Thủ Khoa Huân).




Minh Châu

Bạn có thể quan tâm