Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuổi thơ bị đánh cắp của nhà vô địch TDDC Trung Quốc

Ở cái tuổi người ta thường gọi ăn chưa no lo chưa tới, một cô bé ba tuổi đã được bố mẹ vạch sẵn kế hoạch tranh tài ở Olympics. Đó là trường hợp của Cheng Fei.

Cheng Fei là ai? Cô là chủ nhân huy chương vàng Olympics Bắc kinh 2008 môn thể dục dụng cụ (TDDC), đồng thời gặt hái rất nhiều thành công ở các giải đấu tầm cỡ châu lục và thế giới. Sau thất bại ở Olympics Athen 2004, Cheng Fei bất ngờ giúp đội tuyển TDDC Trung Quốc tạo ra cuộc nổi dậy để chinh phục 18 huy chương vàng sau đó.

Cheng Fei

là một trong những VĐV tiêu biểu của TDDC Trung Quốc.

Thành công có được cũng đưa tên tuổi Cheng Fei lên một tầm mới. "Tài năng của cô ấy thật kinh ngạc. Một nữ VĐV xinh đẹp nhưng đầy quyền uy," cựu vô địch Olympic Tim Daggett và cũng là chuyên gia phân tích lâu năm cho NBC Sports trên đất Mỹ, thốt lên khi theo dõi màn trình diễn của Cheng Fei.

Với Cheng Fei, những tấm huy chương không tự nhiên gõ cửa. Đó là nỗ lực cho cả một chặng đường luyện tập đầy gian nan từ lúc mới lên ba.

Theo cây bút David Barboza trên báo New York Times, Cheng Fei trải qua tuổi thơ rất dữ dội. Ở tuổi người ta thường gọi ăn chưa no lo chưa tới, cô gái trẻ người Trung Quốc phải thực hiện giấc mơ góp mặt ở Olympics của cha mẹ mình.

Nhưng trở thành nữ VĐV TDDC không phải ước mơ của Cheng Fei. Cô lớn lên trong một gia đình không giá giả, vì vậy, chẳng thể tự quyết định tương lai của mình. David Barboza cho biết ba mẹ nữ VĐV này từng rất khổ sở khi quyết định hy sinh tuổi thơ của cô con gái nhỏ để đổi lấy niềm hy vọng xuất hiện ở đấu trường Olympics.

Để có được tấm huy chương vàng Olympics, 

Cheng Fei phải khổ luyện từ nhỏ.

"Gia đình chúng tôi rất nghèo, do đó, hy vọng Cheng Fei có thể làm một điều gì đó để đổi đời. Vì vậy, chúng tôi nghĩ việc trở thành một VĐV chuyên nghiệp sẽ tốt cho con bé," bà Xu Chunxiang, mẹ của chủ nhân tấm huy chương vàng Olympics 2008 chia sẻ. Được biết, ba của Cheng Fei là nhân viên vận chuyển, còn mẹ lau chùi nhà vệ sinh trong nhà máy lốp xe.

May cho gia đình Cheng Fei với quyết định lịch sử đó. Liên tiếp những thành tích ấn tượng ở đấu trường châu lục mang đến cho cô gái trẻ khoản tiền thưởng hấp dẫn mà có lẽ thu nhập cả đời của gia đình cũng không kiếm được.

Với mỗi tấm huy chương vàng, chính quyền Trung Quốc thưởng cho Cheng Fei hơn 150,000 USD tiền mặt cộng thêm thưởng. Ở Trung Quốc, đó là số tiền rất lớn và thậm chí ngay cả những cử nhân mới tốt nghiệp may mắn lắm cũng chỉ kiếm được 500 USD/tháng.

Song, mọi thứ đều có cái giá của nó. Tuổi thơ bị đánh cắp, Cheng Fei trên sàn diễn có thể rất xuất sắc, nhưng lại thiếu đi chút gì đó cảm xúc và cả tương tác với thế giới bên ngoài. Đó một phần do môi trường tập luyện ở các lò đào tạo TDDC, nơi những cô gái và cậu bé ở tuổi lên ba hay lên bay được rèn luyện như những người lính. 

Tuổi thơ của cô như bị đánh cắp vì không hề được trải qua những gì tốt đẹp nhất như bao bạn bè đồng trang lứa khác.

Không hề có phút giây thư giãn cho sách vở cùng các quyển truyện tranh lãng mạn, ngược lại, Cheng Fei phải đọc rất nhiều sách quân sự. Cô hiếm khi trả lời phỏng vấn. Bố mẹ nhà vô địch Olympics đôi khi còn không nhận ra rằng môi trường rèn luyện rất khắc nghiệt đã cướp đi tâm hồn trong trẻo của đứa con gái. Mỗi lần trả lời điện thoại, Cheng Fei chỉ nói vài tiếng "Dạ", "Không", "Vâng".

Tại Trung Quốc, chương trình đào tạo vận động viên TDDC rất khắc nghiệt. Ở đó, người ta toàn nghe thấy tiếng khóc thét của trẻ nhỏ vì những bài tập nặng nề. Cách đây vài năm, Cbsnews từng thực hiện loạt ảnh do phóng viên xâm nhập vào một lò đào tạo các VĐV nhí của môn TDDC Trung Quốc, theo đó, hình ảnh được bắt gặp là nhiều đứa trẻ với gương mặt rất ngây thơ đang ngày đêm thực hiện các động tác uốn dẻo.

Sau buổi thị sát đó, phóng viên của BCSnews đưa ra bài viết với cái tít không khỏi lấy nước mắt người xem như sau: "Mồ hôi và những giọt nước mắt: "Những đứa trẻ TDDC Trung Quốc". Trong khi đó, HLV Zhao Hanhua ở học viện Vũ Hán (Trung Quốc), nơi Cheng Fei luyện tập từ năm lên 5 tuổi, kể lại: "TDDC thật sự đòi hỏi nhiều đau đớn nhất trong quá trình luyện tập, đặc biệt với những đứa trẻ. Đó giống tra tấn chúng vậy. Song, chúng tôi luôn động viên bọn trẻ vì đây là thách thức đổi đời của chúng".

Lò luyện VĐV khắc nghiệt nhất Trung Quốc

Là cường quốc thể thao hàng đầu thế giới nên không khó hiểu khi Trung Quốc có những lò đào tạo VĐV nhí vô cùng khắc nghiệt, đặc biệt là những trung tâm huấn luyện các môn thi đấu ở Olympic.

Mẹ của Cheng Fei cũng rơm rớm nước mắt khi kể lại những tháng ngày tập luyện của con gái: "Chương trình tập rất nặng, đặc biệt là các động tác duỗi thẳng chân. Con bé như phát điên hệt như sắp chết. Trái tim chúng tôi như vỡ thành từng mảnh khi nghe con bé khóc thét".

Nhưng vinh quang nào cũng phải được đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt. Không có những bài tập khắc nghiệt, làng TDDC Trung Quốc sẽ không sản sinh ra thế hệ VĐV tài năng như Cheng Fei. Ngày nay, người ta vẫn thường xuyên nhìn thấy những đôi mắt rất ngây thơ nhìn về một góc của lò đào tạo TDDC. Trên tường, một chữ "Vàng" rất lớn xuất hiện.

Những VĐV nhí này chỉ biết rằng, chúng được gửi tới lò đào tạo bởi bố mẹ và làm theo răm rắp những gì HLV chỉ bảo, kèm theo lời động viên liên tục được nhắc lại nhiều lần: "Thành công đi liền với khổ luyện. Đau đớn hôm nay, nhưng vì tương lai sau này".

Một chữ "Vàng" xuất hiện ở lò đào tạo VĐV TDDC tại Trung Quốc.  Đó như mục tiêu cao nhất khi thi đấu TDDC.

Với Cheng Fei, nhà vô địch Olympics giờ đã 27 tuổi. Cô không còn tranh tài ở các môn thi nữa và đang theo đuổi nghiệp HLV. Tên tuổi cô gái trẻ ấy vẫn được nhiều HLV nhắc tới như một hình mẫu cho lớp VĐV trẻ noi theo. Tuy nhiên, gia đình Cheng Fei dường như nhận ra sai lầm của mình.

"Chúng tôi không chỉ hạnh phúc, mà còn tự hào vì con bé. Song, hy vọng nó sẽ học đại học trong thời gian tới vì tuổi thọ của một VĐV rất ngắn," bố của Cheng Fei nói.

Huấn luyện viên quốc gia đánh VĐV tuyển trẻ bóng bàn

Một video ghi lại cảnh huấn luyện viên (HLV) đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia dùng gậy (cán chổi) đánh một vận động viên 15 tuổi do vi phạm kỷ luật trong tập luyện.





Nguyên Trí

Ảnh: Getty Images.

Bạn có thể quan tâm