Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Tuổi mua nhà của người Việt ngày càng trẻ

Một khảo sát mới đây cho thấy nhóm người trẻ 22-39 tuổi sẽ là khách hàng chủ lực khi có nhu cầu mua nhà tăng cao trong năm tới.

Anh Hoàng Hải - một nhà đầu tư nhà phố ở TP.HCM - cho biết trong vài năm trở lại đây, anh ít khi bán được nhà cho người trên 40 tuổi, ngược lại, đa số khách hàng của anh đều là những người trẻ.

"Tôi bán 10 căn, thì 7 căn là tụi nhỏ mua. Điểm chung là những bạn trẻ này đều đang kinh doanh online hoặc là nhà sáng tạo nội dung", anh nhấn mạnh.

Tuổi trung bình mua nhà của người Việt ngày càng trẻ

Trên thực tế, không chỉ ở phân khúc nhà phố, mà với phân khúc chung cư cũng cho thấy sự đảo chiều về độ tuổi của nhóm khách hàng chủ lực.

Theo một khảo sát của Tập đoàn Property Guru (chủ quản Batdongsan) về tâm lý người dùng bất động sản được thực hiện với 1.000 người, nhóm người có độ tuổi 26-34 có sự tăng trưởng ấn tượng khi nhu cầu tìm kiếm bất động sản đã tăng từ 39,7% trong năm 2021 lên hơn 42% trong 8 tháng đầu năm 2023.

Đáng chú ý, sự tăng trưởng mạnh nhu cầu tìm kiếm bất động sản còn tập trung ở đối tượng khách hàng gen Z (22-26 tuổi), khi tăng từ 13,7% năm 2021 lên 18,7% trong năm nay. Trái ngược với đó, nhóm khách tuổi từ 42 trở lên lại có xu hướng suy giảm, từ 22,3% xuống còn 15,3%.

Đồng thời, khảo sát cũng chỉ ra nhóm người trẻ 22-39 tuổi sẽ là những khách hàng chủ lực của các nhà phát triển bất động sản khi chiếm tới 64% tỷ trọng người dự định mua bất động sản trong một năm tới.

NHU CẦU TÌM KIẾM CỦA NGƯỜI TRẺ DẦN TĂNG TRÊN TRANG BATDONGSAN
Dữ liệu: Batdongsan.com.vn
Nhãn202120228T 2023
Gen Z (22-26) % 13.719.118.7
Gen Y (26-34)
39.741.442.1
Gen Y (34-42)
24.324.424
Gen X (43-58)
22.315.215.3

Ngoài nhu cầu tăng, người trẻ còn tự tin về khả năng mua nhà của mình.

Cụ thể, có tới 42% người trong độ tuổi 22-29 tuổi cho biết có thể mua được nhà và 18% người chắc chắn sẽ mua nhà trong tương lai.

"Dù có nhu cầu cao, nhưng những người trẻ giờ đây lại gặp khó khăn trong việc thu thập các kiến thức thị trường và đánh giá quy hoạch, pháp lý cũng như việc lựa chọn môi giới uy tín", các chuyên gia tại Batdongsan cho hay.

Bên cạnh đó, nhóm người trẻ cũng đang chiếm ưu thế hơn khi có tới 25% người cho rằng không cần dùng đòn bẩy tài chính khi mua bất động sản, và 43% người cho biết chỉ cần vay khoảng 30% khi muốn sở hữu một bất động sản.

Trong khi đó, đối với nhóm khách hàng trên 30 tuổi, hơn 35% người trong nhóm này phải vay ít nhất 30-70% giá trị tài sản.

Về xu hướng lựa chọn bất động sản của người trẻ, báo cáo cho thấy nhóm người này ưu tiên sự linh hoạt về chỗ ở để có trải nghiệm và cơ hội tốt hơn. Họ không ngại di chuyển xa và thay đổi môi trường sống, làm việc. Đồng thời, họ cũng ưu tiên chọn không gian xanh và những căn nhà mang yếu tố hiện đại.

Cũng vì vậy, anh Hải nhìn nhận nhóm khách hàng trẻ trong 6 tháng gần đây đã dần bớt quan tâm đến phân khúc nhà phố hơn, một phần vì nhà phố có giá trị quá cao, và phần khác họ ưu tiên mua chung cư hơn.

Người trẻ làm cách nào để sở hữu nhà?

Mặc dù nhóm khách hàng trẻ quan tâm đến bất động sản đang có xu hướng tăng lên, nhưng giá nhà hiện tại lại là rào cản khiến người trẻ khó tiếp cận việc mua bất động sản.

Thực tế, theo báo cáo Chỉ số về khả năng chi trả nhà ở tại châu Á - Thái Bình Dương 2023 của ULI, TP.HCM và Hà Nội là 2 thành phố có giá nhà ở trung bình trong khu vực nhưng lại chênh lệch khá lớn so với thu nhập của người dân.

Trong đó, giá nhà tại TP.HCM hiện cao gấp 32,5 lần so với thu nhập trung bình năm của một hộ gia đình, xếp thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Thâm Quyến (Trung Quốc). Còn giá nhà tại Hà Nội cũng cao gấp 18,3 lần.

mua bat dong san anh 1

Giá nhà tại TP.HCM và Hà Nội đang cao gấp nhiều lần so với thu nhập của người dân. Ảnh: Minh Thư.

Trả lời cho câu hỏi làm sao để người trẻ mua nhà trong bối cảnh giá nhà tăng cao như vậy, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao về Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam, cho rằng một phương án khả thi là khi người ta mới lập gia đình và chưa đối mặt với áp lực lớn về nhà ở, họ có thể tìm kiếm giải pháp bất động sản có tính linh hoạt.

"Trong khoảng 3-5 năm sau khi kết hôn và trước khi có con, họ có thể không cần phải sở hữu nhà ngay lập tức. Thay vào đó, họ có thể đầu tư vào một căn hộ hoặc nhà phố với tỷ lệ thanh toán ban đầu là 30-50%, và phần còn lại được họ vay mượn từ ngân hàng", ông nói.

Đối với những người có nhu cầu sở hữu nhà ngay lập tức, vị chuyên gia cho rằng có thể chọn mua một căn hộ hoặc nhà phố, nhưng điều này đòi hỏi họ phải thanh toán toàn bộ 100% giá trị tài sản. Họ có thể sử dụng một phần tiền mặt và vay mượn phần còn lại từ ngân hàng, sau đó dùng thu nhập hàng tháng để trả cả gốc và lãi.

Với những sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai, việc mua nhà theo tiến độ có thể là lựa chọn tích cực cho các cặp vợ chồng trẻ. Thay vì gửi tiết kiệm vào ngân hàng với lãi suất thấp, họ có thể đầu tư vào căn hộ hình thành trong tương lai.

Tuy nhiên, khi thực hiện phương án này, ông Khương nhấn mạnh cần đặt ra một số điều cần xem xét. "Thứ nhất, cần xác định liệu chúng ta thực sự cần nhà ở hay không. Thứ hai, cần đánh giá mức tiền tích lũy hiện có. Và cuối cùng phải xem xét khả năng vay mượn và đặt ra câu hỏi liệu thu nhập hàng tháng có đủ để trả cả gốc và lãi không", ông nói.

Tập đoàn dược Nhật Bản chi hơn 180 tỷ đồng tăng sở hữu tại Dược Hà Tây

Tập đoàn ASKA Pharmaceutical - một ông lớn dược phẩm Nhật Bản - vừa nâng sở hữu tại Dược Hà Tây lên 32,56% qua đợt phát hành riêng lẻ.

TP.HCM thưởng Tết Giáp Thìn thấp hơn năm ngoái

Theo khảo sát của Sở LĐTBXH TP.HCM, tiền thưởng Tết Dương lịch bình quân năm 2024 tại TP.HCM cao hơn so với năm 2023, nhưng tiền thưởng Tết Nguyên đán lại thấp hơn.

Doanh thu du lịch TP.HCM cao kỷ lục

Với doanh thu ước tính cả năm đạt hơn 160.000 tỷ đồng, doanh thu ngành du lịch của TP.HCM đã vượt kế hoạch đề ra và cao hơn 22% so với năm 2019.


Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của ZNews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Liên Phạm

Bạn có thể quan tâm