Hình ảnh từ phim "J'ai tué ma mère" (Tôi đã giết mẹ tôi). Ảnh: theglobeandmail. |
Mình từng có một thời gian phải ngồi sau xe gắn máy của ba chạy xuống Biên Hòa hai tuần một lần để bốc thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực. Đó là khoảng thời gian hai tháng trước ngày mình bay đến một đất nước xa lạ năm 17 tuổi. Đó là thời gian sức khoẻ tinh thần của mình chạm đáy và ở trong tình trạng tồi tệ nhất từ lúc sinh ra cho đến tận bây giờ.
Mùa hè năm 17 tuổi, mình về nước lần đầu tiên sau 8 tháng một mình nơi đất khách. Ba mẹ và anh trai đứng sau hàng song sắt quầy chờ khách ga đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc sáu giờ sáng, mình bật khóc lần đầu tiên vì nhớ nhà kể từ ngày bước lên chuyến bay Sài Gòn - London.
Đến tận bây giờ, để viết ra những dòng này, để chấp nhận sự thật rằng nguyên nhân sức khỏe tinh thần năm đó của mình tuột dốc trầm trọng phần lớn xuất phát từ mối quan hệ phức tạp giữa mình và mẹ vẫn là một điều mình cứ mãi đắn đo không biết có nên bày ra cho người ngoài nhìn vào hay không.
Việc không thể ngôn từ hóa cảm xúc hỗn loạn giữa yêu và ghét của mình với mẹ đã giày vò mình một thời gian dài. Đó không chỉ là việc sống trong sự tội lỗi thầm lặng mà còn là sự bối rối khi không biết những xúc cảm phức tạp này là gì. Thật không có gì hay ho khi một đứa con lớn lên trong một gia đình “hạnh phúc” lại công khai với thế giới rằng việc sống xa nhà, xa gia đình, có lẽ là điều tốt nhất mình từng làm cho sức khỏe tinh thần của bản thân.
Khi xem bộ phim I’m thinking of ending things (Có chăng nên chấm dứt), nữ chính đã nói một câu thoại rằng: “Everyone has problems with their parents” (Ai cũng có vấn đề với cha mẹ mình), đó là lúc trái tim mình được nhả mỏ neo nặng như chì và thở phào - mình không phải là kẻ tồi tệ duy nhất.
Trong phim I killed my mother (Tôi đã giết mẹ tôi) của đạo diễn Xavier Dolan, nam chính cũng có một câu thoại mình vẫn nghĩ về mãi: “Tôi cá rằng hầu hết mọi người tin rằng ghét mẹ của mình là một tội lỗi. Họ là một lũ đạo đức giả. Họ đều ghét mẹ của mình, có thể trong một giờ, một tháng, một năm, có thể họ đã quên”. Nhưng cũng trong cùng bộ phim này, trong phân cảnh chia tay cậu con trai sau một trận cãi vã để đưa con vào trường nội trú, khi nam chính hỏi mẹ rằng: “Mẹ sẽ làm gì khi con chết hôm nay?”, mẹ của cậu chờ khi con trai đã quay đi rồi mới thì thầm “Mẹ sẽ chết vào ngày mai”. Cả hai trích đoạn trong hai bộ phim này đều phản ánh thật trần trụi mối quan hệ giữa mình và mẹ.
Và mình đoán rằng những lời thoại này cũng phản ánh đời sống tình cảm gia đình của rất nhiều bạn khác. Những nghiên cứu về quan hệ gia đình ở Hà Lan (van Gaalen và Dykstra, 2006; van Gaalen và cộng sự, 2010) cho thấy rằng 21-29% các bạn trẻ có quan hệ phức tạp với cha mẹ của họ. Nghiên cứu ở Đức còn cho thấy kết quả cao hơn, tới 40% (Connidis, 2015).
Trong lĩnh vực tâm lý gia đình, mối quan hệ yêu - ghét với cha mẹ được gọi là intergenerational ambivalence hay còn được dịch là xung đột thế hệ. Connidis (2010) định nghĩa xung đột tâm lý trong mối quan hệ với cha mẹ là khi chúng ta có những quan điểm và cảm xúc tiêu cực song song với tích cực dành cho bố mẹ. Sự tồn tại của cả hai thái cực cảm xúc này có thể được sinh ra từ những bất đồng trong suy nghĩ, từ những tổn thương tâm lý cha mẹ vô tình hoặc cố tình để lại cho con cái và cảm giác ràng buộc về bổn phận của người con phải kính yêu cha mẹ.
Năm 17 tuổi đó, khi chật vật với những cảm xúc khó tả với mẹ của mình và cảm giác tội lỗi vì mình hiểu rằng mình phải yêu mẹ nhường nào, đã không có ai nói với mình rằng, không sao cả, bạn không phải là một người tồi tệ, việc vừa yêu, vừa ghét cha mẹ là một phần bài học của cuộc sống, rằng đó chỉ là cảm xúc của một con người thôi.
Vậy nhưng việc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những cảm xúc mâu thuẫn dành cho cha mẹ là một điều không thể tránh khỏi. Nghiên cứu của Fingerman và cộng sự (2008) cho thấy những người tham gia thừa nhận bản thân có mối quan hệ phức tạp với cha mẹ thường có nhiều dấu hiệu trầm cảm cũng như sức khoẻ tinh thần suy sút. Chất lượng tinh thần của họ thậm chí còn thấp hơn những người có mối quan hệ xấu với cha mẹ.
Nghiên cứu này cho rằng, cảm giác vừa yêu vừa ghét làm chúng ta phiền muộn, bởi ngay cả khi những xung đột và tổn thương chưa thể giải quyết, chúng ta vẫn yêu thương và quan tâm đến cảm xúc của đối phương. Điều này dẫn đến cảm giác bối rối và bất lực lúc nào cũng đè nặng lên tâm trí.
Bên cạnh đó, sự mâu thuẫn trong cảm xúc dành cho cha mẹ cũng giống như khi chúng ta ở trong một mối quan hệ mà người yêu thương đối phương nhiều hơn là chúng ta - ví dụ như tình yêu với những cha mẹ độc hại. Tình yêu này biến thành một khối u cảm xúc khó mà giải toả và gây ra những vấn đề tiêu cực cho sức khoẻ tâm lý.
Luscher (2005) phân loại 4 kiểu xung đột thế hệ được quan sát trong các gia đình. Kiểu thứ nhất là trạng thái đoàn kết, mọi người trong gia đình có xu hướng kìm nén cảm xúc của bản thân và ưu tiên những cảm xúc, mục tiêu và giá trị của gia đình lên trên hết, từ đó né tránh những cảm xúc tiêu cực. Kiểu thứ hai là trạng thái mắc kẹt, trong đó sự xung đột giữa các thế hệ được công nhận, nhưng những thành viên trong gia đình không thể nói ra hoặc giải quyết những xung đột này, khiến cho việc duy trì những mối quan hệ biến thành một bổn phận miễn cưỡng.
Thứ ba là trạng thái phân tán, khi giữa những mối quan hệ có quá nhiều xung đột, dẫn đến nhiều cãi vã và chia cắt. Cuối cùng là trạng thái giải phóng, khi những xung đột với cha mẹ được công nhận và giải quyết bằng thoả hiệp để có thể chữa lành những tổn thương tâm lý.
Luscher và Hoff (2013) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấp nhận và giải phóng xung đột thế hệ nhằm duy trì mối quan hệ lành mạnh với cha mẹ. Hai nhà nghiên cứu này cho rằng việc thừa nhận sự xung đột có tồn tại sẽ tạo điều kiện cho cả cha mẹ và con cái cùng sửa chữa và thay đổi.
Nếu những người trẻ trong giai đoạn mới lớn chật vật với cảm xúc yêu - ghét cha mẹ, thì chính những người cha người mẹ đôi khi cũng phải giằng xé nội tâm bởi những mâu thuẫn trong tình cảm họ dành cho con cái. Nghiên cứu của Ingersoll-Dayton và cộng sự (2011) chỉ ra rằng những bà mẹ có con gái được chẩn đoán và điều trị bệnh tâm lý nghiêm trọng thường trải nghiệm cả cảm giác thương xót con lẫn cảm giác bức bối vì sao con không thể mạnh mẽ hơn.
Nghiên cứu của Birditt cùng các cộng sự (2010) về quan điểm của cha mẹ với sự thành công của con cái cho thấy cha mẹ thường có nhiều cảm xúc tiêu cực với những đứa con kém may mắn trong công việc và tình duyên hơn những người thành công. Tuy nhiên, tình yêu những cha mẹ này dành cho những người con của họ là như nhau chứ không hề giảm đi, dù họ có thành công hay không.
Không chỉ riêng chúng ta, trong vai trò con cái, phải chật vật với suy nghĩ là người xấu khi tồn tại trong mình cảm giác ghét cha mẹ mà ngay cả cha mẹ cũng phải đấu tranh với những cảm xúc đó. Hiểu được điều này là cách để chúng ta có thể xoa dịu cảm giác tội lỗi, ôm đứa trẻ bị tổn thương bên trong và tha thứ cho những cảm xúc đó. Cũng từ việc công nhận và tha thứ cho chính bản thân, chúng ta sẽ bước những bước đầu tiên để tiến gần hơn đến việc chữa lành mối quan hệ với cha mẹ, hoặc chỉ là thoả hiệp với bản thân để cảm thấy được an yên hơn.
Mùa hè năm 17 tuổi đó, mình và mẹ đã nổ ra một trận cãi nhau lớn đến mức mình không nhìn mặt mẹ trong hai ngày. Trong cuộc cãi vã, mình thậm chí đã hét lên rằng tất cả những tổn thương tâm lý mình trải qua là vì mẹ. Mẹ khóc, mình cũng khóc, cả hai đều bỏ ăn bỏ uống.
Đó chính là bởi tình yêu của mình dành cho mẹ cũng như tình yêu của mẹ dành cho mình lớn hơn cả những tổn thương, lớn hơn cả sự tồn tại thể xác. Đó là một sự kết nối sâu sắc, mạnh mẽ và rất nhiều quyền năng. Và mình sẽ không thể nói dối rằng tình yêu là thứ duy nhất tồn tại giữa mình và mẹ, trong đó còn có những bất đồng quan điểm, những lời làm đau nhau một đời không thể xoá mờ, những tổn thương không thể quay ngược thời gian để thay đổi.
Mình nhớ đến truyện ngắn Ngàn năm thiện nguyện của Lý Dực Vân. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu, chúng ta mất 300 năm cầu nguyện để có thể ngồi cùng trên chuyến đò qua sông cùng một người khác. Cô gái trong truyện cũng có một mối quan hệ yêu và ghét phức tạp với bố của cô, vậy nhưng ông đã nói rằng có lẽ để được làm cha cô, cả ông và cô hẳn đã đã phải tốn một nghìn năm thiện nguyện.
[...]