Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm lý độc hại nhiều bạn nữ vô tình mắc phải

Việc hiểu lý do vì sao con gái ghét con gái mới là cách để triệt tận gốc tâm lý độc hại mà rất nhiều bạn nữ vô tình mắc phải nhưng lại không hề nhận ra.

Ảnh: Paramount Pictures.

Từ những năm cấp ba mình đã hoàn toàn dừng việc kết bạn thân thiết với các bạn nam. Xu hướng né tránh này được hình thành một cách âm thầm và vô thức mà mãi đến khi bước vào năm nhất đại học và bị buộc phải ở cùng các bạn nam trong ký túc xá mình mới hiểu ra dấu hiệu “sợ con trai” của bản thân.

Một phần của chuyện này có lẽ nằm ở việc mình không còn cảm thấy an toàn khi giao tiếp với bạn khác giới trong thời điểm chuyển hóa thành “thiếu nữ” - khi mình phải chịu rất nhiều chấn thương tâm lý từ việc bị quấy rối khi đi bộ trên đường đến chuyện các bạn nam công khai xếp hạng ngoại hình của các bạn gái trong lớp. Vậy nhưng bên cạnh đó, việc né tránh kết bạn với con trai của mình cũng còn bắt nguồn từ việc chứng kiến rất nhiều va chạm giữa các bạn nữ vì một mối bất hòa liên quan đến một bạn nam.

Phải đến học kì hai năm ba đại học, khi mình bắt đầu tìm hiểu kĩ hơn về misogyny hay thói ghét phụ nữ qua lớp Văn hóa - Truyền thông và Học tập, mình mới nhận ra đánh giá của mình về việc các bạn nữ có xu hướng chanh chua với nhau phản ánh chỉ một phần rất nhỏ của vấn đề. Việc con gái thường nhắm vào các bạn đồng giới hơn các bạn khác giới không đơn giản chỉ vì họ thích tranh nhau một chút mối quan tâm của con trai.

Nguồn cơn của sự căng thẳng giữa con gái với nhau nằm sâu trong sự định hình của xã hội, trong cách họ được nuôi dạy, môi trường sống và sự giới hóa trong quá trình trưởng thành. Việc né tránh kết bạn với phái nam sẽ không giúp ích gì cho việc cải thiện mối quan hệ của phái nữ với nhau. Thay vào đó, việc hiểu lý do con gái ghét con gái mới là cách để triệt tận gốc tâm lý độc hại mà rất nhiều bạn nữ vô tình mắc phải nhưng lại không hề nhận ra.

Thái độ và lối suy nghĩ tiêu cực về những người đồng giới của phái nữ còn được gọi là thói ghét phụ nữ nội tâm hóa hay internalised misogyny. Naomi Wolf trong The Beauty Myth (2013) có đề cập một luận điểm mà mình cảm thấy rất phù hợp để lý giải cho việc phái nữ chúng ta đã bị nhào nắn cho tâm lý ghét phụ nữ bởi một xã hội do nam giới cầm quyền. Naomi Wolf cho rằng chúng ta được nuôi dạy và lớn lên qua những câu chuyện về hình mẫu phụ nữ - phụ nữ ác và phụ nữ tốt, phụ nữ đẹp và phụ nữ xấu, phụ nữ thông minh và phụ nữ ngốc nghếch. Những khuôn mẫu này vô thức xây dựng một tư duy là ta với cô ta. Trong đó, để ta là một cô gái tốt, cô ta phải là một cô gái xấu vì cô ta không giống ta.

Hay để dễ hiểu hơn, chúng ta vô thức chia phụ nữ thành hai kiểu là Tấm và Cám. Nếu ta là Tấm và ta không thích cô gái kia thì cô ta ắt hẳn phải là Cám và do đó cô ta là người xấu, người đáng bị lên án, người đáng bị hạ bệ.

Nhiều nghiên cứu cuối thế kỷ 20 cho thấy, thói ghét phụ nữ nội tâm hóa được thể hiện qua hai dạng thức chính. Dạng thức thứ nhất là vật hóa bản thân (self-objectification), thường được thể hiện qua việc phụ nữ tự nhìn nhận bản thân như một vật thể cần được đánh giá chỉ qua vẻ bề ngoài và bề ngoài được xem là thước đo quan trọng về giá trị của một người phụ nữ.

Nghiên cứu cho thấy việc vật hóa bản thân có liên quan mật thiết đến trầm cảm và rối loạn ăn uống. Dạng thức thứ hai cũng phổ biến của thói ghét phụ nữ nội tâm hóa là bị động chấp nhận những vai trò giới trong xã hội và không nhận thức hoặc cố tình chối bỏ sự phân biệt giới trong văn hóa, bộ máy vận hành xã hội hay trong chính cá nhân.

Những ví dụ của tâm lý bị động chấp nhận vai trò giới được biểu hiện qua tư tưởng tin rằng cưỡng hiếp là do phụ nữ tự chuốc lấy hay phụ nữ và đàn ông trong thế giới hiện đại nên thực hiện đúng vai trò giới của họ - phụ nữ nội trợ còn đàn ông đi làm và chu cấp cho gia đình.

Trên Psychology Today (Tạm dịch: Tâm lý học ngày nay), Jen Kim (2016) đề cập đến quan điểm của tiến sĩ Nancy Irwin - một nhà tâm lý trị liệu, cho rằng việc phụ nữ ghét phụ nữ không có nghĩa là họ ghét tất cả phụ nữ. Những đối tượng bị chỉ trích thường là những phụ nữ đi ngược lại với vai trò giới của họ hay phản đối những hình mẫu rập khuôn về phái nữ, từ đó đe dọa đến tháp cầm quyền bởi nam giới.

Nói về những người phụ nữ ủng hộ Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Irwin cho rằng có hai dạng phụ nữ ủng hộ việc nam giới cầm quyền. Thứ nhất là những người phụ nữ sống trong gia đình với vai trò là người vợ ngoan hiền, vâng lời, họ cảm thấy khó khăn hoặc xấu hổ khi làm chủ hay nêu lên quan điểm chính trị của bản thân. Thứ hai là những người phụ nữ cho rằng họ thông minh đến độ có thể điều khiển đàn ông chu cấp và bảo vệ họ, do đó, họ không đối mặt với những quyết định khó khăn và không phạm phải sai lầm nào liên quan đến những quyết định của chính bản thân.

Một khái niệm khác cũng có mối liên hệ mật thiết với tâm lý phụ nữ ghét phụ nữ là tư duy phân biệt giới “lành tính”. Phân biệt giới “lành tính” là quan điểm cho rằng phụ nữ cần được bảo vệ và cưng chiều bởi đàn ông.

Đây cũng là một tư tưởng có liên quan đến tâm lý ghét phụ nữ nói chung và có ảnh hưởng tiêu cực đến bình đẳng giới. Bởi tư tưởng này nhấn mạnh và cưỡng chế vai trò giới lên cả phụ nữ và đàn ông, góp phần làm hùng mạnh sự cầm quyền hay sức mạnh của nam giới và đặt nữ giới ở vị trí thấp hơn, vị trí cần được bảo vệ.

Nghiên cứu của Dehlin và Gallier (2019) cũng cho thấy phân biệt giới “lành tính” có liên hệ mật thiết với những quan điểm tôn giáo như coi trọng sự trinh trắng của phụ nữ và lên án những phụ nữ có tư tưởng phóng khoáng trong tình dục. Từ đó những người phụ nữ tin rằng đàn ông có vai trò là kị sĩ mang bộ áo giáp vàng để bảo vệ họ cũng có xu hướng ghét những người phụ nữ muốn thách thức vai trò giới, như những người coi trọng sự nghiệp hơn tình yêu hay những người phóng khoáng, từ đó sinh ra tâm lý phụ nữ hạ bệ phụ nữ.

Trong suốt những năm tháng học cấp hai, cấp ba và đại học, có lẽ cụm từ mang nặng tính ghét phụ nữ mình được nghe nhiều nhất mà con gái hay dùng để nói về nhau là cụm từ “hám trai” hay trong tiếng Anh thường được dùng là “slut” (điếm). Việc gọi phụ nữ bằng những tính từ hay danh từ ám chỉ thái độ coi thường và xúc phạm nhân phẩm của họ dựa trên bình phẩm về dục tính trong tiếng anh được gọi là slut-shame, một động từ vẫn chưa có bản dịch trong tiếng Việt.

Nghiên cứu của Amstrong và cộng sự (2014) với các nữ sinh đại học cho thấy, con gái có xu hướng đề cập đến những cô gái không có quan điểm về tình dục giống mình là “slut”. Nghiên cứu này kết luận danh từ “slut” không thực sự tồn tại theo một định nghĩa cụ thể nào mà được xây dựng qua tương tác xã hội, khi mà phụ nữ tự định nghĩa khuôn mẫu gái hư để có lợi cho nhóm của mình và hạ bệ nhóm còn lại.

Qua nghiên cứu này, chúng ta có thể thấy việc phụ nữ ghét phụ nữ là một điều rất phổ biến và cần được lên tiếng để tất cả chúng ta có hiểu biết nhất định về sự độc hại của việc rập khuôn phụ nữ và lên án họ, đặc biệt là lên án hành vi tình dục của họ. Slut-shame, ngược lại, lại không phổ biến khi nói đến hành vi tình dục của nam giới, vậy thì tại sao việc này lại được chấp nhận đối với phụ nữ?

Theo Ni (2020), một số dấu hiệu cho thấy bạn đang có tư tưởng ghét phụ nữ nhưng không tự nhận biết được bao gồm việc:

- Bạn có thói quen gièm pha bề ngoài của bản thân và những cô gái khác;

- Bạn có xu hướng ganh đua với những cô gái khác đặc biệt là để dành được sự chú ý của bạn khác phái;

- Bạn có xu hướng hạ thấp bản thân và những cô gái khác dựa theo vai trò giới (như “con gái mà không biết nội trợ là vứt đi”…);

- Ủng hộ những chuẩn mực có lợi cho đàn ông (như cho rằng việc chăm con, việc nhà là của phụ nữ…);

- Đổ lỗi cho phụ nữ trong những tình huống họ là nạn nhân (như việc bị chọc ghẹo, cưỡng hiếp, quấy rối…).

Một vài xu hướng khác trong văn hóa mạng cũng đáng được nhắc đến như việc bạn luôn tự nhận mình không giống những cô gái khác với hàm ý bạn ở vị trí cao hơn họ hoặc việc bạn cho rằng bạn chỉ thích chơi với con trai và cảm thấy con gái rất phiền phức và hai mặt… đều là những dấu hiệu bạn nên để ý để nhận định mình có phải là kiểu con gái ghét con gái hay không.

Nguyễn Đoàn Minh Thư / NXB Thế giới & Bloom Books

SÁCH HAY