Bi kịch vì chưa tìm ra ai giữa Sài Gòn
Tại một gian hàng ở Hội sách TP.HCM, dù khán giả phải đứng nhưng vẫn không còn chỗ trống. Gần một tiếng, buổi trò chuyện xoay quanh chủ đề về cuốn sách Tìm nhau giữa Sài Gòn cùng những chia sẻ của tác giả về giới trẻ.
Tùng Leo tại buổi giao lưu với khán giả về tác phẩm Tìm nhau giữa Sài Gòn của mình. |
Mở đầu buổi giao lưu, Tùng Leo cho rằng mình chưa phải là nhà văn mà chỉ là người viết sách. Tìm nhau giữa Sài Gòn – tác phẩm đầu tay của anh chỉ đơn giản là những bài tản văn từng viết trên Facebook, blog... được tổng hợp lại thành sách. “Tôi không hề định trước có ngày mình sẽ viết sách vì sợ mọi người nói mình mưu cầu nổi tiếng. Mọi việc bắt đầu từ chính những gì tôi viết trên trang mạng cá nhân, được nhiều bạn trẻ yêu thích và chia sẻ. Và một ngày, công ty phát hành sách “khai quật” được, gợi ý tôi nộp bản thảo”, anh giãi bày.
Vậy anh tìm ai giữa Sài Gòn? Câu hỏi của bạn Trâm (ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận được nhiều tràng vỗ tay đồng tình của khán giả. Câu hỏi ngắn nhưng đủ để tác giả cuốn sách phải ngẫm nghĩ.
Anh chậm rãi trả lời: “Cuốn sách là tập hợp những bài tản văn tôi viết từ lúc đi du học (2003), viết cho bạn bè, cho nỗi cô đơn... Đến khi thành sách, tôi tính lấy tên là Quà tặng tháng giêng, vì ra mắt vào tháng một. Nhưng có vẻ lấy tên vậy sẽ khó bán nên tôi đổi lại thành Sài Gòn, anh yêu em. Lúc này thì lại tên sách trùng ý với bộ phim New York, I love you, mà nghệ sĩ thì lại rất sợ dù bị mang tiếng đạo ý tưởng dù chỉ là 1%. Trong phút cảm hứng với ca khúc Còn mãi tìm nhau của Trịnh Công Sơn nên tôi chọn cái tên Tìm nhau giữa Sài Gòn. Chỉ vậy thôi, chứ tôi không có tìm ai. Bây giờ dù đã 30 tuổi mà vẫn chưa tìm ra ai đó, đây đúng là một bi kịch của Tùng”.
Xuyên suốt buổi giao lưu, Tùng Leo chia sẻ về tình yêu với mảnh đất phương Nam. Anh nói, mình không phải người Sài Gòn gốc nhưng rất yêu thành phố này. “Ai ở đây rồi cũng sẽ thấy yêu vì nơi này dành cho tất cả mọi người, không có tính địa phương. Như người Hà Nội tự hào vì “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” nhưng với Sài Gòn thì mọi thứ rất cởi mở, hồn nhiên. Tôi có dịp đi nhiều nơi nhưng đẹp nhất vẫn là thành phố mang tên Bác”, anh chia sẻ.
Ngay sau đó, một bạn nữ thắc mắc : “Vậy chẳng lẽ anh không ghét một điểm gì của Sài Gòn”. Suy nghĩ một lúc, Tùng Leo trả lời: “Nếu có điều mà tôi không thích đó là tình hình an ninh, trộm cắp ở thành phố này. Một xã hội văn minh nhưng người dân khi ra đường vẫn nơm nớp lo sợ. Tuy nhiên, gần đây tôi thấy tình hình cướp giật cũng đã giảm khá nhiều”.
Nhiều 9X năng động nhưng ham danh vọng
Tùng Leo – với vai trò là một giảng viên, nhà báo, BTV và MC quen thuộc của các kênh truyền hình cho giới trẻ nên anh cũng chia sẻ những nghĩ suy của mình về họ trong buổi giao lưu. Anh kể về những suy nghĩ của mình khi ở lứa tuổi đôi mươi là luôn cảm thấy bất công vì có năng lực, đam mê nhưng không có cơ hội thể hiện, không được đối xử công bằng. “Có lẽ các bạn trẻ bây giờ cũng giống như tôi hồi ấy”, anh thắc mắc.
Tùng Leo nhận xét về thế hệ 9X. |
Một bạn trẻ tiếp tục đặt câu hỏi: “Anh muốn giới trẻ sau này sẽ như thế nào?”. Không đi thẳng vào câu hỏi mà thay bằng lời nhận xét, anh nói: “Lứa 9X tự tin, giỏi giang nhưng không có nhiều cơ hội khẳng định bản thân. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy chưa bằng lòng vì các bạn chơi nhiều quá. Có nhiều bạn rất năng động, đầy sáng tạo nhưng lại ham danh vọng, muốn mau chóng thành công và nổi tiếng. Điều này, lỗi một phần ở giới truyền thông chưa có một định hướng đúng đắn cho giới trẻ. Tôi muốn 9X sẽ phải giỏi hơn 8X đi trước nhưng vẫn giữ được những đức tính tốt đẹp của Việt Nam”.
Trong buổi giao lưu, Tùng Leo cũng chia sẻ những dự định về viết sách. Anh cho biết, sắp tới sẽ ra mắt một cuốn sách, và cũng viết về thành phố lớn nhất cả nước. “Sẽ có một ngày, tôi viết về những vùng đất khác. Còn hiện tại, mong muốn của tôi là sẽ tạo ra một tủ sách về Sài Gòn. Biết đâu, khi về già tôi sẽ may mắn được mọi người nhớ đến là nghĩ ngay một tác giả gắn với cái tên Sài Gòn như cách người ta nhắc đến nhà văn Sơn Nam là nhớ đến cái chất Nam bộ trong văn của ông”.