Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuần tới, vé xe, cước taxi sẽ giảm

Chỉ một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa hứa sẽ giảm giá cước. Giá hàng hóa vẫn không nhúc nhích.

Sau một ngày giá xăng giảm xuống ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách, taxi cho biết đã đưa ra hướng giảm giá vé, giá cước trong tuần tới.

Cước taxi giảm 500-1.000 đồng/km

Ông Tô Văn Tuynh, Giám đốc khu vực Đông Nam Bộ, Tập đoàn Mai Linh, thông tin, ngay trong ngày 23/12, taxi Mai Linh đã họp toàn hệ thống quyết định mức giảm giá cước khoảng 500 đồng/km. Đây là mức giảm hợp lý, vì trước đó hãng cũng đã giảm mạnh giá cước khoảng 2.000 đồng/km. Để điều chỉnh giá cước, DN cũng phải đăng ký với cơ quan chức năng, mất nhiều chi phí điều chỉnh lại đồng hồ, in các thông báo… nên sau một tuần giá cước mới được thực hiện.

Đại diện hãng Vinasun Taxi cho biết, trong 5-6 ngày tới, giá cước sẽ được điều chỉnh giảm khoảng 500-1.000 đồng/km phù hợp với tình hình giá xăng dầu giảm.

Đối với vận tải hành khách, ông Trần Văn Lâm, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho hay những tuyến xe hợp đồng thì khó giảm giá, nhưng các tuyến cố định sẽ giảm trong thời gian tới. Song giảm ít hay nhiều tùy vào tính toán chi phí của mỗi DN hội viên.

Theo ông Lê Quang Mão, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk, cách đây một vài tuần, sau các đợt xăng giảm thì có khoảng 2/3 DN hội viên trên địa bàn tỉnh đã giảm giá vé 3%-5%. Tính ra giá vé Đắk Lắk - TP.HCM vừa qua chỉ giảm được khoảng 10.000 đồng/vé. “Nếu đường tốt, thuế phí cầu đường giảm thì giá vé có thể giảm tối đa 12%. Giá xăng dầu giảm sâu lần này, hiệp hội khuyến cáo các DN giảm giá vé khoảng 8%. Tuy nhiên, với các chi phí do cầu đường, thuế, chỉ một số ít DN hứa sẽ giảm giá vé. Những DN vận tải hành khách lớn chưa thấy giảm, lý do họ đưa ra là tốn nhiều chi phí, giảm nữa sẽ lỗ”, ông Mão giải thích.

Doanh nghiệp vận tải hứa giảm ngay giá cước

Sau khi giá xăng dầu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết sẽ tính toán tiếp tục giảm giá cước.

Cước vận tải hàng hóa vẫn than khó 

Ông Trần Phước Anh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đồng Nai, cho biết vé xe buýt (không trợ giá) sẽ có hướng điều chỉnh giảm, nhưng cước vận tải hàng hóa thì không giảm được. Nguyên do là hiện nay khoản giảm như chi phí xăng dầu chưa bù được nhiều chi phí khác của DN. Phí dịch vụ đường bộ hiện đã chiếm 2% giá thành, lương tối thiểu vùng cũng đã tăng khiến chi phí DN lại dội lên. Những lúc giá xăng tăng, DN vẫn giữ cố định cước vận tải hàng hóa nên DN không thể giảm giá cước vận tải hàng hóa được nữa.

Cước taxi giảm 500-1.000 đồng/km sau khi xăng giảm giá.

Cước taxi sẽ giảm 500-1.000 đồng/km sau khi xăng giảm giá.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng giá cước vận tải phụ thuộc vào yếu tố đầu vào khác nữa, các yếu tố này lại thấy tăng. Cụ thể như lương của người lao động trong DN cũng tăng, DN phải đóng thêm bảo hiểm, sắp tới giá điện cũng có lộ trình tăng. Chưa kể giá thuê nhà, giá thực phẩm đều tăng. Vì thế DN khó có thể giảm giá cước ngay được mà phải tính toán cụ thể các chi phí.

Giá thực phẩm không hề giảm

Khảo sát các chợ truyền thống, chợ đầu mối lẫn siêu thị, giá hàng hóa, lương thực thực phẩm vẫn không có dấu hiệu điều chỉnh giảm giá. Các tiểu thương cho biết, giá thực phẩm ít ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng hay giảm, mà phụ thuộc vào yếu tố cung cầu.

Đại diện công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre cho biết, giá xăng giảm liên tục nhưng giá cước vận chuyển vẫn chưa giảm theo. Mặc dù giá xăng dầu giảm nhưng việc siết đúng tải trọng xe cũng không bù được chi phí của nhà xe. Ngoài ra, hiện nay giá nguyên liệu đầu vào không giảm. Tuy nhiên, công ty vẫn đang tính toán việc giảm giá khi tiết giảm các chi phí liên quan.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc công ty Vissan, cho biết giá xăng dầu ảnh hưởng rất ít đến cước phí vận chuyển trong ngành này. Vissan đang có chính sách giảm giá khuyến mãi cho người tiêu dùng 5%-10%.

Tương tự, ông Đỗ Phan Thanh Bảo, Giám đốc marketing công ty Cổ phần Thực phẩm và Nước giải khát Dona Newtower, cho biết công ty đang có chương trình khuyến mãi cho khách hàng. Đây được xem là hình thức giảm giá thông qua chương trình khuyến mãi chứ không giảm giá trực tiếp lên sản phẩm.

Bộ GTVT đề nghị giảm giá cước vận tải

Ngày 23/12, Bộ GTVT đã có công điện cho các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, đề nghị kiểm tra kê khai, niêm yết giá cước, thực hiện giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu đang giảm mạnh trên thị trường.

Theo đó, từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã 15 lần điều chỉnh giá xăng và 21 lần điều chỉnh giá dầu. Trong đó, riêng ngày 22/12, giá xăng đã điều chỉnh giảm hơn 2.000 đồng/lít. Bộ GTVT đề nghị các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Tài chính, Sở GTVT thành lập đoàn kiểm tra, rà soát việc kê khai và niêm yết giá cước đối với các đơn vị vận tải trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị phải kê khai giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vận tải thực hiện không đúng các quy định về kê khai và niêm yết giá cước.

V.LONG - Q.HUY

Cách điều hành giá xăng dầu chưa hướng đến người tiêu dùng

Hai lần điều hành giá xăng dầu gần đây đều hướng đến DN và Nhà nước. Trong lần giảm giá ngày 6/12, Bộ Tài chính - Công thương đã nâng thuế nhập khẩu thêm 9% và giữ giá theo đề nghị của DN, chỉ giảm giá nhỏ giọt hơn 300 đồng/lít. Lần giảm giá ngày 22/12, tuy giá giảm mạnh nhưng lại tăng mức trích quỹ bình ổn cao. Giá xăng dầu ở Việt Nam vẫn cao hơn giá thế giới là do chịu nhiều khoản thuế phí cao, chiếm 40% giá cơ sở. Bên cạnh đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện đang dư 2.300 tỷ đồng, nhưng cơ quan điều hành vẫn đưa mức trích quỹ lên mức cao 800 đồng/lít. Đây cũng là mức trích quỹ cao nhất từ trước đến nay. Cách điều hành giá xăng dầu trong nước vẫn chưa theo sát giá thế giới. Giá thế giới chuẩn xác nhất là theo thị trường Mỹ. Đây là thị trường có sự cạnh tranh thực sự và giá phản ánh chính xác gần giá thế giới nhất. Hiện giá xăng ở Mỹ tương đương 14.000 đồng/lít, trong khi giá ở Việt Nam là 17.880 đồng/lít, vẫn đắt hơn gần 4.000 đồng/lít.

TS NGÔ TRÍ LONG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

TRÀ PHƯƠNG

Tại sao cước vận tải, hàng hóa chưa giảm theo giá xăng?

Giá cước vận tải, giá dịch vụ kèm theo chậm giảm, kéo theo hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thường không giảm theo xăng.

 

http://plo.vn/kinh-te/tuan-toi-ve-xe-cuoc-taxi-se-giam-519266.html

Theo Quang Huy - Tú Uyên/Pháp luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm