Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao cước vận tải, hàng hóa chưa giảm theo giá xăng?

Giá cước vận tải, giá dịch vụ kèm theo chậm giảm, kéo theo hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thường không giảm theo xăng.

 Hàng hóa "đổ lỗi" cho cước vận tải

Chị Vân, chủ một sạp bán rau quả ở chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện tại thời tiết rét buốt nên một số loại rau hiếm có giá khá đắt. Như xà lách 4.000 - 5.000 đồng/cây, rau muống 5.000 đồng/mớ và một số loại rau cải, giá dao động 3.000 – 5.000 đồng/mớ. Trong khi đó, tại một số chợ lẻ, giá bán rau còn cao hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/mớ.

“Từ trước tới giờ giá rau, quả đắt rẻ phụ thuộc vào thời tiết, không phụ thuộc vào giá xăng”, chị Vân nói.

Giá cước vận tải điều chỉnh chậm khiến hàng hóa thường không giảm theo giá xăng. Ảnh: Diệp Sa.

Theo chị Vân, dù giá xăng giảm nhiều, nhưng giá rau khó có thể giảm, do giá nhập tại vườn vẫn rất đắt. Ngoài ra phí vận chuyển cũng như lấy hàng hóa ở xe tải, tiền thuê mặt bằng, phí dịch vụ vẫn giữ nguyên. Bán được mớ rau chị chỉ lãi lỡi vài đồng lẻ. "Nếu giảm giá rau thì tất cả các mặt hàng, các dịch vụ cũng nguồn cung ứng sản phẩm cũng phải giảm theo đồng loạt", chị Vân nói.

Chị Phượng, tiểu thương chợ Mễ Trì Hạ cho hay, giá xăng giảm nhưng nhà xe không giảm giá cước. Ngoài giá cước vận tải giữ nguyên thì thực phẩm những ngày này phải phụ thuộc theo thời tiết, hơn nữa đây là thời điểm giáp Tết, nên tiểu thương nhỏ lẻ khó có thể giảm giá hàng hóa được.

Giá cước vận tải vẫn chưa giảm theo giá xăng. Ảnh: Bizlive.

Cùng quan điểm này, chị Hồng Nhung, bán hàng tạp hóa tại Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, dù giá xăng đã giảm hơn 2.000 đồng/lít, nhưng nếu muốn giảm giá hàng hóa thì phí vận chuyển cũng như hàng hóa tại các nhà máy phải giảm, chứ nhà sản xuất giữ nguyên như hiện này thì các điểm phân phối, bán lẻ làm sao giảm giá.

Chị Phượng cho biết, trong các loại hàng hóa thì mặt hàng dầu ăn, nước mắm, đỗ và đường, là những mặt hàng hay có sự thay đổi về giá. Tuy nhiên, xét mặt bằng chung thì sự thay đổi này không đáng kể, chỉ 300 – 500 đồng, cao nhất cũng chưa đến 1.000 đồng/kg, lít. Tuy nhiên, thường vào thời gian giáp Tết, chính những mặt hàng này giá lại luôn tăng theo ngày.

 Cước vận tải chờ... thời gian

Trả lời phỏng vấn của Zing.vn ngày 23/12, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho biết, hiệp hội đã có nhận được báo cáo từ nhiều hội viên về việc đang tính toán giảm cước vận tải theo xăng. Tuy nhiên, về thời gian cụ thể, ông Thanh thẳng thắn: "Xăng giảm giá không có nghĩa là cước vận tải sẽ giảm theo ngay tắp lự. Các doanh nghiệp cũng cần có thời gian tính toán lại để đưa ra mức điều chỉnh hợp lý".

Ông Thanh cũng cho rằng, bên cạnh nhiều doanh nghiệp "làm ăn tử tế", cập nhật tình hình thị trường và có điều chỉnh giá cả kịp thời để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, vẫn có những doanh nghiệp vận tải cố tình chây ỳ, không giảm giá cước trong thời gian dài. Theo ông, những doanh nghiệp này cần bị các cơ quan quản lý chấn chỉnh, người tiêu dùng tẩy chay.

Ông Đỗ Quốc Bình, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, sau đợt giảm giá xăng lần thứ 12, một số doanh nghiệp taxi đã giảm giá cước. Lần này mức giảm sâu đến hơn 2.000 đồng/lít, chắc chắn các doanh nghiệp cũng sẽ tính chuyện giảm cước taxi theo quy định. Nhưng theo ông Bình, chi phí để điều chỉnh giá khá lớn và cũng mất thời gian. Giá xăng mới giảm có 1 ngày, nên chưa thấy các doanh nghiệp có kế hoạch gì cho lần điều chỉnh cước trong thời gian sắp tới.

Anh Lương Bình, tài xế taxi Long Biên cho biết, lần giảm giá cước gần nhất của hãng này vào cuối tháng 11, với mức giảm 500 đồng/km. "Lần này xăng giảm nhiều vậy không biết hãng có giảm giá cước không, nhưng chắc chắn không thể áp dụng giá mới trong ngày một ngày hai được. Bởi sau mỗi lần giảm giá, taxi phải ngừng hoạt động gần nửa ngày chờ kiểm định đồng hồ tính cước", anh Bình cho hay.  

Còn ông Hà, quản lý xe khách H.T tuyến Thái Bình -  Hà Nội cho rằng, từ lúc giá xăng hơn 20.000 đồng/lít cho đến khi giảm còn 17.880 đồng/lít thì giá vé xe vẫn không thay đổi. "Để thay đổi giá vé rất khó, đặc biệt thời gian này đã giáp Tết. Tuy nhiên, do giá xăng giảm sâu, nên chúng tôi dự kiến, thay vì giảm giá vé thì nhà xe sẽ không tăng giá phụ thu vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới”, để hỗ trợ khách", ông Hà nói.

'Phải kéo hàng hóa giảm theo xăng mới công bằng'

Bên cạnh niềm vui giá xăng giảm mạnh 2.050 đồng/lít, xuống mức 17.880 đồng/lít chiều 22/12, nhiều độc giả cho rằng, các mặt hàng từng tăng theo xăng trước đây sẽ khó giảm.

 

Ngọc Lan- Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm