Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xăng giảm giá, những ai được lợi?

Có nhiều ý kiến trái chiều quanh giá xăng giảm hơn 2.000 đồng/lít. Với sinh viên, lao động nghèo và người mua xăng trực tiếp thì đây là một tin đáng mừng.

Thu Thủy (Sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) mỗi tuần đi gia sư 6 buổi, quãng đường từ phòng trọ đến chỗ dạy là 6 km. Tính cả đi lẫn về, mỗi tháng, tính tiền xăng đi lại Thủy hết 320.000 đồng, bằng tiền công 4 buổi dạy. Nhưng bắt đầu từ tháng này, giá xăng giảm hơn 2.000 đồng/lít, Thủy sẽ tiết kiệm được gần 50.000 đồng/tuần, gần bằng tiền lương 1 buổi dạy, số tiền không hề nhỏ đối với một sinh viên ngoại tỉnh.
Xăng giảm giá kỷ lục mang lợi ích ban đầu cho những người trực tiếp mua xăng. Ảnh: Lê Hiếu.

Thủy cho biết, 3 năm đi học đại học, chưa bao giờ thủy chứng kiến xăng giảm giá sâu đến như vậy. Thường các lần giảm giá trước, Thủy chẳng mấy khi để ý, vì chỉ vài trăm đồng, tính ra cũng không tiết kiệm được bao nhiêu. Nhưng lần này, giá xăng giảm sâu khiến Thủy không giấu nổi sự phấn khởi. “Đối với sinh viên, tiền đổ xăng là cả một vấn đề. Do vậy, giá xăng giảm sâu liên quan trực tiếp đến đời sống của sinh viên. Không chỉ mình em mà bạn bè trong lớp, trong trường cũng rất mừng”, Thủy nói.

Tuy nhiên, cũng theo Thủy, chỉ những bạn đi xe máy, trực tiếp mua xăng mới tỏ ra hồ hởi. Trong khi đó, những bạn sử dụng phương tiện công cộng không mấy hào hứng với thông tin xăng giảm giá.

Phương Lan, bạn cùng lớp Thủy chia sẻ: “Xăng giảm giá sâu nhưng những người không trực tiếp mua xăng như mình không được hưởng lợi gì. Bởi giá vé tàu, xe về quê vẫn không thay đổi, thức ăn, rau thịt vẫn cao. Tính từ đầu năm đến giờ, giá xăng giảm tổng cộng là 7.760 đồng/lít. Tuy nhiên, vé xe về Thanh Hóa đã tăng từ 80.000 lên đến 90.000 đồng/lần, xe bus cũng tăng từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng/tuyến. Vé gửi xe ở trường tăng từ 2.000 đồng lên 3.000 – 4.000 đồng/lần…”.

Những mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá xăng như rau củ quả vẫn đứng yên qua nhiều lần xăng dầu điều chỉnh giảm từ đầu năm đến nay, dù cước vận tải đã hạ theo xăng. Ảnh: H.L
Không chỉ đối tượng sinh viên đi xe máy, mà những người làm hàng ăn trực tiếp sử dụng phương tiện, mua xăng cũng trở nên phấn khởi. Cô Nguyễn Thị Hà, chủ quán ăn ở phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, thông tin xăng giảm giá hơn 2.000 đồng/lít khiến cả dãy phố kinh doanh đồ ăn đều phấn khởi.

Thường ngày cô Hà phải đi chợ, vận chuyển thực phẩm từ nhà ra quán, … tính chi phí đi lại cũng lên đến 200.000 đồng/tuần. Tuy nhiên, nếu tính giá xăng giảm hơn 2.000 đồng/lít, cô Hà có thể tiết kiệm được hơn 20.000 đồng tiền xăng. Điều đáng nói là dù tiết kiệm được chi phí đi lại, nhưng giá đồ ăn tại quán vẫn giữ nguyên 30.000 - 35.000 đồng/tô.  

Là người bán hàng online, phải thường xuyên ship hàng (vận chuyển hàng hóa), chị Thủy (Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, xăng giảm giá sâu có lợi trực tiếp cho chị. Tính cả đi lẫn về, mỗi tuần, chị Thủy chạy hơn gần 200 km, hết gần 100.000 đồng tiền đổ xăng. Bắt đầu từ tuần này, xăng giảm đi 2.000 đồng/lít, chị có thể tiết kiệm được vài chục nghìn mỗi tuần.

“Bán hàng online, lãi một phần kiếm lãi từ tiền ship hàng. Giá xăng giảm sâu là cơ hội để mình kiếm thêm từ việc vận chuyển”, chị Thủy nói.

Theo khảo sát của PV Zing.vn, hiện các loại hàng hóa như rau cỏ,  đồ tiêu dùng cho đến các cước phí vận chuyển, … vẫn chưa có biểu hiện giảm giá theo giá xăng. Theo một số người bán hàng tại chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội), thì giá hàng hóa chưa giảm do giá nhập hàng, chi phí vận chuyển, thuê điểm, gửi xe vẫn giữ nguyên.

Nhiều cây xăng ở Nghệ An cùng treo bảng 'hết xăng, hết dầu'

Trước giờ xăng dầu giảm giá, hàng loạt cây xăng ở hai huyện miền núi Tương Dương và Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An đều treo bảng thông báo “hết xăng, dầu”.

 

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm