Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuần tồi tệ của dầu

Thị trường dầu vừa trải qua một tuần tồi tệ. Những lo ngại về lãi suất và suy thoái tiếp tục đeo bám thị trường, trong khi thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được một số tiến bộ.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 19/8, dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đang được giao dịch quanh ngưỡng 94,5 USD/thùng, giảm 2 USD/thùng, tương đương 2,13% so với một ngày trước đó.

So với mức giá một tuần trước đó (ngày 12/8), giá dầu Brent đã giảm 4,5%. Trong vòng một tuần qua, giá có lúc rơi xuống dưới ngưỡng 92 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2.

Trong khi đó, giá dầu WTI chuẩn Mỹ ở mức 88,7 USD/thùng, giảm 1,97% so với một ngày trước đó. Giá đã bốc hơi hơn 5% sau một tuần.

Ngày 17/8, giá dầu Mỹ đã rơi xuống dưới ngưỡng 86 USD/thùng và đến nay vẫn chưa thể lấy lại mốc quan trọng 90 USD/thùng.

Theo giới quan sát, nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất và rủi ro suy thoái kinh tế vẫn tiếp tục đeo bám thị trường.

gia dau anh 1

Biến động của dầu Brent trong vòng một tuần qua. Ảnh: Trading Economics.

Nhiều lực cản

Dù nhu cầu xăng tại Mỹ có thể tăng lên do giá xăng giảm, Tổng thư ký mới của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ "khan hiếm" năng lực sản xuất dự phòng, thị trường dầu vẫn bị chi phối bởi nguy cơ suy thoái kinh tế.

"Các yếu tố có tác động xấu tới giá dầu đang tăng lên", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường có trụ sở ở London - bình luận với Zing.

"Nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn triệt tiêu mọi động lực trong đà tăng trưởng của thị trường dầu, nhất là khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất để kìm nén nhu cầu, từ đó hạ nhiệt lạm phát", ông Ole Hansen - Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa của Saxo Bank - nhận định.

Nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn triệt tiêu mọi động lực trong đà tăng trưởng của thị trường dầu, nhất là khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất để kìm nén nhu cầu, từ đó hạ nhiệt lạm phát

Ông Ole Hansen - Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa của Saxo Bank

"Trong giai đoạn này, các yếu tố vĩ mô sẽ chi phối thị trường nhiều hơn", ông nhận định.

Trong khi đó, thị trường dầu vẫn lên xuống liên tục do những tín hiệu trái chiều từ phía các quan chức FED. Ông James Bullard - quan chức FED chi nhánh St. Louis - cho rằng ngân hàng trung ương cần tiếp tục nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9.

Trong khi đó, ông Esther George tại Kansas City cho rằng cần cân nhắc nhiều hơn về việc nâng lãi suất.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất 4 lần trong năm nay với tổng mức tăng là 2,25 điểm phần trăm.

Cuối tháng 7, FED đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, một động thái tương tự hồi tháng 6 và đánh dấu mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994.

Việc FED nâng lãi suất sẽ làm gia tăng chi phí đi vay và chi phí cơ hội của các khoản đầu tư, trong đó có thị trường dầu.

Hồi đầu tuần, những tín hiệu đáng ngại của kinh tế Trung Quốc, Đức và Mỹ cũng giáng đòn lên thị trường dầu. Theo đó, các số liệu chỉ ra hoạt động sản xuất tại Mỹ và Trung Quốc đều giảm tốc tăng trưởng. Trong khi đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đang cận kề suy thoái vì giá năng lượng tăng cao.

Khi các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái, nhu cầu dầu toàn cầu có thể đi xuống, giúp cung đuổi kịp cầu và hạ nhiệt giá cả.

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Tuần này, giới đầu tư cũng đang theo dõi sát sao diễn biến của thỏa thuận hạt nhân Iran. Nếu thỏa thuận được nối lại, dòng chảy dầu của Iran sẽ chảy vào thị trường dầu toàn cầu nhiều hơn.

Theo ông Craig Erlam, thỏa thuận hạt nhân Iran chưa có dấu hiệu sụp đổ. "Điều này đồng nghĩa với việc thị trường dầu vẫn chịu sức ép lớn. Bởi trong kịch bản thỏa thuận được nối lại, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng lên đáng kể", ông giải thích.

Trong tuần này, Iran đã gửi văn bản phản hồi dự thảo thỏa thuận hạt nhân được Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hôm 8/8. Theo đó, một thỏa thuận có thể được ký nếu phía Mỹ "có phản ứng thực tế và linh động".

Theo nguồn tin từ phía Iran, đề xuất từ EU "là có thể chấp nhận được" vì giúp trấn an Tehran trên nhiều phương diện.

"Sau 18 tháng đàm phán, việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được tiến bộ. Trước đây, những cuộc đàm phán từng nhiều lần đi vào bế tắc. Nhưng lần này, dường như Iran đang sẵn sàng thảo luận về các điều khoản", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.

"Nếu Iran có thể ký thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, giá dầu thô thế giới có thể rơi xuống mức 80 USD/thùng", ông Moya dự báo.

Lãi suất tăng cao, người Mỹ không còn muốn mua nhà

Sau khi bùng nổ trong thời dịch, thị trường nhà ở của Mỹ bước vào giai đoạn suy yếu. Nguyên nhân là lạm phát và lãi suất tăng cao tác động tới khả năng chi trả của người mua.

Đa dạng hóa kênh đầu tư khi lãi suất tăng cao

Các chuyên gia cho rằng không nên hoảng loạn khi thị trường biến động mạnh. Chiến lược đầu tư tốt nhất là đa dạng hóa danh mục đầu tư và luôn tuân thủ nguyên tắc.

Đà tăng của đồng USD gặp lực cản

Giá USD đã tăng mạnh so với euro và các loại tiền tệ khác. Nhưng đà tăng của đồng bạc xanh gặp lực cản khi những ngân hàng trung ương khác có thể nâng lãi suất mạnh hơn dự kiến.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm