Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuần thăng hoa của cổ phiếu bất động sản

Giá hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng nóng, vượt trội so với thị trường chung trong tuần qua, dẫn tới những ý kiến quan ngại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022 rất tích cực với lực đẩy từ kỳ vọng về gói kích thích kinh tế. VN-Index bứt phá ngay phiên giao dịch đầu năm vào ngày 4/1 và tiếp tục lập đỉnh mới 1.529 điểm trong phiên 6/1 trước khi giảm nhẹ trong ngày cuối tuần.

Hiện VN-Index đứng ở mức 1.528,48 điểm, tăng tổng cộng 30 điểm (2,20%) trong tuần vừa qua (chỉ giao dịch 4 ngày từ 4/1 đến 7/1).

Bên cạnh đó, dòng tiền cũng cho thấy tín hiệu quay trở lại sau kỳ chốt sổ cuối năm ngoái. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE hơn 966 triệu cổ phiếu/phiên, tăng hơn 20% so với tuần giao dịch trước Tết Dương lịch.

Co phieu bat dong san,  thi gia thoi phong,  co phieu but pha anh 1

VN-Index phá đỉnh trong tuần đầu năm 2022. Đồ thị: TradingView.


Bất động sản dẫn sóng

Chứng khoán tăng mạnh có sự đóng góp rất lớn từ nhóm bất động sản và xây dựng với sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, BCM, DIG, NLG... Trong khi đó, các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ còn đột phá hơn khi có nhiều phiên tím trần liên tiếp để lọt nhóm tăng mạnh nhất tuần.

Trong số 15 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE thì nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng có đến 12 đại diện.

Tăng mạnh nhất sàn HoSE là BAF của Công ty Nông nghiệp BAF Việt Nam với gần 31% chỉ sau 4 ngày giao dịch. Đà tăng của công ty chuyên chăn nuôi heo đến sau thông tin muốn huy động 600 tỷ đồng trái phiếu để bổ sung vốn và đón cổ đông mới Siba Holdings.

Chín vị trí tiếp theo đều thuộc về nhóm bất động sản và xây dựng liên quan. Trong đó, ACC của Công ty Đầu tư và Xây dựng Bình Dương tiếp tục tăng trần 4 phiên và kéo dài chuỗi 8 phiên tăng trần lên mức giá 20.900 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh sau khi chào bán cổ phiếu tăng vốn 250%).

Cổ phiếu UDC của Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, NVT của Bất động sản Ninh Vân Bay, QCG của Quốc Cường Gia Lai cũng đều tăng trần 4 phiên liên tiếp trong tuần vừa qua.

Nhiều mã bất động sản cũng có 2-3 phiên tăng trần trong tuần đầu năm có thể kể đến LDG, NHA, FLC, CII, DRH, VPH hay DC4.

STT Sàn HoSE Tăng giá % Sàn HNX Tăng giá %
1 BAF 30,66 VXB 46
2 ACC 30,59 ECI 45,24
3 UDC 30,41 CKV 45,21
4 NVT 30,12 VIE 45,1
5 QCG 30,03 TSB 43,33
6 LDG 26,98 L14 42,82
7 NHA 25,87 CEO 30,47
8 FLC 25,28 ADC 30,1
9 AMD 25 L18 27,65
10CII24,78KLF27,16
11DRH23,76BKC26,51
12VPH23,72TTL25,93
13HSL23,71VLA22,81
14DC422,48NVB22,26
15TDG22,41PVL20

Trên HNX, sàn niêm yết quy mô nhỏ hơn nhưng có biên độ dao động lớn, nhóm bất động sản và vật liệu xây dựng cũng gây ấn tượng với nhiều mã dẫn đầu về tốc độ tăng giá trong tuần đầu năm.

Trong đó VXB của công ty Vật liệu Xây dựng Bến Tre bứt phá cao nhất khi tăng 46% lên mức 36.500 đồng/cổ phiếu, sau 4 phiên tăng trần liên tiếp. Đây là đỉnh lịch sử của cổ phiếu này và gấp 5 lần trong một năm gần nhất.

Đáng chú ý nữa là mã L14 của Licogi 14 tiếp tục đà tăng ấn tượng lên 371.200 đồng/cổ phiếu để trở thành mã có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. Cổ phiếu này đã cao gấp 5,7 lần trong năm gần nhất.

Càng ấn tượng hơn khi mã CEO của CEO Group cũng tăng hơn 30% trong tuần đầu năm để kéo dài đà tăng dựng đứng gần đây. Cổ phiếu này đi ngang quanh 12.000 đồng nhưng bất ngờ dậy sóng từ đầu tháng 11/2021 đến nay đạt đỉnh 92.500 đồng, tương ứng với mức tăng 7,6 lần chỉ hơn 2 tháng giao dịch.

Một số mã khác cũng có mức tăng mạnh trong tuần vừa qua trên sàn HNX đáng kể như L18 của Licogi 18, TTL của Tổng công ty Thăng Long hay PVL của Đầu tư Nhà Đất Việt.

Thị giá đang bị thổi phồng?

Sau thời gian dài im ắng, cổ phiếu bất động sản và xây dựng đã bắt đầu thu hút dòng tiền và tạo nên con sóng mạnh nhất từ cuối năm 2021 đến nay. Mặt bằng giá thấp hơn tương đối, hiệu ứng từ cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm hay việc nhiều dự án khởi động lại… là chất xúc tác cho nhóm này bứt phá.

Nhiều mã chứng khoán tăng vài lần chỉ trong một vài tháng ngắn ngủi, cùng với thanh khoản cao đột biến như CEO, DIG, CII, HBC, CTD, SDA, HTN, LIC… Và con sóng này dường như chưa kết thúc khi nhiều mã vẫn tiếp tục tím trần trong những ngày gần đây.

Hàng loạt các báo cáo phân tích từ những công ty chứng khoán và các chuyên gia cũng đề cập đến cổ phiếu bất động sản là tâm điểm của năm 2022. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm đến các doanh nghiệp bất động sản có lợi thế về quỹ đất và nguồn lực tài chính, đồng thời có mục tiêu tăng trưởng rõ ràng trong năm 2022.

Hay như CEO Passion Investment Lã Giang Trung nhận định dựa trên tính chất chu kỳ, ngành bất động sản và xây dựng kỳ vọng tiếp tục được hưởng lợi trong năm 2022, đây là nhóm có thể quan tâm nếu giá cổ phiếu không tăng quá cao.

Co phieu bat dong san,  thi gia thoi phong,  co phieu but pha anh 2

Nhiều cổ phiếu bất động sản đang tăng vượt trội so với thị trường chung. Ảnh: Thạch Thảo.

Tuy nhiên hiện tại giá cổ phiếu nhóm địa ốc đã tăng quá vượt trội so với đà đi lên của chỉ số chung. Một số chuyên gia và đơn vị phân tích cũng nhanh chóng lo ngại về đà tăng nóng này.

Hôm 5/1, Phó giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng xác nhận thị trường đang có sóng bất động sản nhưng cổ phiếu đang tăng theo kiểu lập luận "đếm cua trong lỗ".

Vị chuyên gia tin rằng nhiều nhà đầu tư đang định giá doanh nghiệp theo luận điểm lấy giá đất ảo nhân với quỹ đất mà không quan tâm đến năng lực triển khai các dự án, thời gian xây dựng, năng lực bán hàng hay pháp lý dự án... Lập luận suy ngược như thế thì không phải kiểu đầu tư nghiêm túc.

Thị trường đang có sóng bất động sản nhưng cổ phiếu đang tăng theo kiểu lập luận "đếm cua trong lỗ"

Phó giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng

Tuy nhiên, chuyên gia từ SSI Research không đồng thuận với quan điểm đà tăng của cổ phiếu bất động sản hoàn toàn là "sóng ảo". Ông cho rằng lập luận như thế chỉ là cái nhìn một chiều, triển vọng ngành bất động sản năm 2022 vẫn tích cực nên sẽ có phần oan ức khi bị gọi là sóng ảo.

Theo ông Hưng, chứng khoán luôn tồn tại những con sóng cổ phiếu do các yếu tố vĩ mô hoặc một số ngành được hưởng lợi. Tuy nhiên, thị trường cũng có xuất hiện những con sóng do đội lái tạo lập với yếu tố "tát nước theo mưa", muốn hiểu và bắt bài những con sóng này là điều ảo tưởng.

Thậm chí gần đây đội ngũ phân tích của Chứng khoán SBS còn ra báo cáo với tiêu đề "Very Dangerous" để cảnh báo về đà tăng nóng của cổ phiếu CEO. Đây là thang đo cao nhất về mức độ cảnh báo của SBS.

CEO Group là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có quỹ đất 962,1 ha và chủ yếu tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên khả năng triển khai dự án còn hạn chế do thiếu quy mô vốn đầu tư, dẫn đến tiến độ triển khai các dự án vẫn bỏ ngỏ.

Ngoài ra CEO cũng lỗ lớn 224 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021, gấp đôi mức lỗ của cùng kỳ. Tập đoàn này còn có đòn bẩy tài chính cao khi chỉ có 50 tỷ đồng tiền mặt trong khi nợ ngắn hạn lên đến 2.066 tỷ đồng, tỷ lệ tổng nợ/vốn chủ sở hữu lên đến 1,17 lần.

Theo đó, Chứng khoán SBS khuyến nghị bán cổ phiếu CEO do thị giá đã vượt quá giá trị thực của doanh nghiệp, bị thổi phồng bởi dòng tiền đầu cơ. Dù vậy hiện CEO vẫn đang tăng trần lên đỉnh lịch sử 92.500 đồng/cổ phiếu, gấp 9 lần sau hơn 3 tháng giao dịch gần nhất.

Cổ phiếu bất động sản tăng kiểu 'đếm cua trong lỗ'

Chuyên gia SSI Research cho rằng định giá doanh nghiệp bất động sản theo kiểu "đếm cua trong lỗ" là lập luận đầu tư chứng khoán không nghiêm túc.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm