Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tuần đầu của ông Biden để đảo ngược chính sách thời Trump

Tổng thống Joe Biden trải qua tuần đầu nhiệm kỳ với việc ký hàng loạt sắc lệnh để thực hiện các lời hứa tranh cử, và đảo ngược chính sách được ban hành thời ông Trump.

tuan dau tien cua ong Biden anh 1

Trong diễn văn nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Biden hướng đến thông điệp lạc quan, chú trọng đoàn kết, tôn vinh nền dân chủ Mỹ, và cam kết xây dựng lại các liên minh. “Nước Mỹ đã trở lại”, các lãnh đạo nước ngoài phản ứng với phát biểu của ông.

Một tuần trôi qua kể từ lễ tuyên thệ, nét nổi bật của chính quyền mới là việc ông Biden ban hành loạt biện pháp đẩy mạnh chống dịch Covid-19 ở Mỹ, kèm theo các thay đổi về chính sách bảo vệ môi trường và nhập cư.

tuan dau tien cua ong Biden anh 2

Lễ nhậm chức của ông Biden ngày 20/1. Ảnh: NYTimes.

Tốc độ ký sắc lệnh “chưa từng có”

Ngay trong chiều 20/1, từ Phòng Bầu dục, tân tổng thống ký 17 sắc lệnh và tuyên bố, đảo ngược nhiều chính sách của thời Trump.

Nổi bật trong số này là việc ông Biden ra lệnh tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, và chấm dứt lệnh cấm nhập cảnh đối với người từ một số nước đa số Hồi giáo.

Tốc độ và số lượng các sắc lệnh được ban hành trong những giờ đầu tiên của ông Biden là chưa từng thấy ở các tổng thống thời hiện đại.

Điều đó cho thấy quyết tâm của chính quyền mới muốn xóa bỏ các chính sách của thời Trump, bị coi là hỗn loạn, gây hại cho nước Mỹ, theo New York Times.

Ông Biden ký sắc lệnh mà ông Trump luôn từ chối trong nhiệm kỳ: yêu cầu đeo khẩu trang và giãn cách trong toàn bộ các tòa nhà liên bang và khuôn viên đất liên bang.

Tân tổng thống cũng hủy bỏ quy trình rút nước Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mà chính quyền tiền nhiệm thúc đẩy.

Ngoài hủy bỏ lệnh cấm nhập cảnh từ các nước đa số Hồi giáo, ông Biden còn ký lệnh củng cố chương trình DACA, bảo vệ những người được cha mẹ đưa tới Mỹ khi còn là trẻ con (thay vì tự nguyện nhập cư vào Mỹ).

Chính sách yêu cầu người xin tị nạn phải chờ ở Mexico, thay vì được chờ ở Mỹ, cũng bị ông Biden hủy bỏ.

Thông điệp rõ ràng được gửi đi: nước Mỹ sẽ sang trang, rời khỏi thời kỳ đóng cửa với người nhập cư của chính quyền Trump.

Tường biên giới, dự án mà ông Trump hứa hẹn nhiều nhưng chỉ thực hiện phần nhỏ, cũng bị ông Biden cho ngừng xây dựng. Dự án thậm chí còn bị rà soát tính hợp pháp của nguồn vốn và hợp đồng.

Trong một số lĩnh vực, ông Biden không có đủ quyền hạn để đơn phương ngay lập tức tạo thay đổi. Do vậy, tân tổng thống chỉ đạo các ban ngành bắt đầu quá trình thay đổi hoặc nghiên cứu, đề xuất quy định mới.

Các chỉ đạo rộng này hé lộ định hướng lâu dài của chính quyền Biden: yêu cầu toàn bộ chính phủ liên bang công bằng hơn, loại bỏ phân biệt trong tuyển dụng; đảo ngược chính sách môi trường của thời Trump; tăng cường hỗ trợ cho người dân trong đại dịch (cấm đuổi người thuê nhà, cho hoãn trả tiền vay học phí).

Phát biểu nhậm chức của ông Biden nhắc tới vấn đề mà hiếm tân tổng thống Mỹ phải bàn đến: sự thật.

Sau bốn năm tin giả tràn lan và chính Tổng thống Trump thường xuyên có những phát ngôn bị báo chí phản bác là sai sự thật, tân Tổng thống Biden phải cam kết sẽ thẳng thắn và minh bạch với người dân Mỹ.

Trong buổi họp báo đầu tiên của chính quyền mới, Jen Psaki, Thư ký báo chí của Nhà Trắng, cam kết “sự thật và sự minh bạch đã trở lại phòng họp báo”.

Sự hòa nhã của buổi họp tương phản với sự căng thẳng, đối đầu giữa chính quyền Trump và báo chí, khiến các buổi họp báo gần như bị hủy bỏ trong những ngày cuối nhiệm kỳ.

tuan dau tien cua ong Biden anh 3

Ông Biden ký 17 sắc lệnh trong ngày đầu nhậm chức. Ảnh: New York Times.

Ưu tiên chống dịch Covid-19

Vấn đề chống dịch được ông Biden ưu tiên trong tuần đầu tiên qua việc ký lệnh yêu cầu đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng.

Tân tổng thống hy vọng sắc lệnh nói trên cùng với lệnh đeo khẩu trang trong tòa nhà chính phủ sẽ có tác động giống như một lệnh đeo khẩu trang toàn quốc - chủ đề tranh cãi dưới thời Trump.

Ông Biden tạo ra ủy ban xét nghiệm quốc gia, và bắt buộc cách ly đối với người đến Mỹ từ nước ngoài, nhưng chưa rõ cơ chế sẽ thế nào.

Ông cũng thừa nhận số ca tử vong ở Mỹ sẽ vượt 500.000 vào tháng sau, trái ngược với người tiền nhiệm Donald Trump thường coi nhẹ con số tử vong do dịch bệnh, hay thậm chí lờ đi không thừa nhận thiệt hại kinh hoàng hiện tại, theo New York Times.

Chiến lược quốc gia được ông Biden đưa ra, đặt mục tiêu “tập trung hóa” việc chống dịch, chẳng hạn sẽ có kế hoạch xét nghiệm lớn với hỗ trợ của chính quyền liên bang.

Sẽ có các hướng dẫn cụ thể từ liên bang, như phòng dịch cho người lao động, phòng dịch cho trường học, điểm kinh doanh.

Đây là cách tiếp cận “tập trung hóa” mà ông Trump không làm theo, mà đẩy trách nhiệm xuống cho cấp tiểu bang.

Mục tiêu tiêm phòng cho 100 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông Biden bị chỉ trích là chưa đủ tham vọng.

Vì vậy, ngày 25/1, ông tuyên bố sau khi đạt mục tiêu tiêm phòng 1 triệu người mỗi ngày sẽ vươn tới mục tiêu cao hơn là 1,5 triệu người một ngày. Mục tiêu mới cao hơn 50% nhưng được cho là khả thi, theo New York Times.

Ngày thứ hai của chính quyền mới (21/1), khoa học được tôn trọng trở lại và có vai trò dẫn dắt.

Tiến sĩ Anthony Fauci quay lại phòng họp báo Nhà Trắng lần đầu sau nhiều tháng, và nói về “cảm giác tự do” khi được trở lại đây, “nói về những gì tôi biết - bằng chứng ở đâu, khoa học như thế nào - và chỉ có vậy, để cho khoa học lên tiếng”.

Ngày 26/1, trước sức ép phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine vốn bị chậm vì ông Trump không có chiến lược, ông Biden tuyên bố sắp đạt thỏa thuận với hai nhà sản xuất để có đủ vaccine cho 300 triệu người Mỹ từ nay cho tới cuối hè.

tuan dau tien cua ong Biden anh 4

Ông Biden tuyên bố sẽ vươn tới mục tiêu tiêm phòng cho 1,5 triệu người một ngày. Ảnh: New York Times.

Biến đổi khí hậu - vấn đề an ninh quốc gia

Việc Thượng viện hoãn phiên xét xử cựu Tổng thống Trump hai tuần đã cho chính quyền tân Tổng thống Biden thêm thời gian để chính thức đưa các quan chức được đề cử vào nội các, do cần sự phê chuẩn của Thượng viện.

Tổng thống Trump đề cử những người giống mình và yêu cầu họ trung thành “tuyệt đối”. Vì vậy, nội các của ông đa phần là đàn ông, da trắng với ít kinh nghiệm trong chính quyền.

Nhưng ông Biden lại chọn những nhà hoạch định chính sách kỳ cựu, và ưu tiên sự đa dạng để tham gia chính quyền liên bang. Chính quyền Biden sẽ đi vào lịch sử vì thành phần đa dạng nhất, với nhiều thành viên là phụ nữ, người da màu, người đồng tính và chuyển giới.

Đề cử cho chức ngoại trưởng Antony Blinken chính thức được phê chuẩn ngày 26/1.

Trái ngược với chính quyền Trump, ông Blinken đặt mục tiêu xây dựng lại các liên minh bị rạn nứt, sẵn sàng tái tham gia hiệp định hạt nhân Iran.

Nhưng chính quyền Biden cũng công nhận ông Trump “đã đúng” khi có giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc, và định hướng đó nhiều khả năng sẽ được duy trì.

Ông Biden cũng đề nghị Nga gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân vốn sẽ hết hạn vào tháng 2.

Điện Kremlin sau đó hoan nghênh đề nghị của phía Mỹ. Hợp tác Nga - Mỹ nhằm gia hạn hiệp ước New START là điều được dự đoán trước, bất chấp việc ông Biden cam kết cứng rắn với Moscow sau vụ tấn công mạng lớn vào chính phủ Mỹ.

Về kinh tế, ông Biden ký các sắc lệnh nhằm hỗ trợ những gia đình khó khăn, và tăng lương tối thiểu lên 15 USD cho nhân viên chính quyền liên bang.

Theo New York Times, đây chỉ là những hỗ trợ hẹp, so với quy mô của khủng hoảng đang đè nặng lên toàn bộ nền kinh tế.

Vì vậy, ông Biden tiếp tục kêu gọi quốc hội thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD mà ông đề xuất.

Nhưng việc ông Biden dùng hàng loạt sắc lệnh trong những ngày đầu đã gặp phải phản đối từ đảng Cộng hòa.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida viết trên Twitter rằng “nghị trình cánh tả cực đoan ở một đất nước chia rẽ sẽ không giúp đoàn kết đất nước”.

Những phát ngôn gay gắt như trên cho thấy gói cứu trợ 1.900 tỷ USD sẽ không đến một cách dễ dàng.

Đảng Dân chủ nắm 50 phiếu ở Thượng viện, ngang với đảng Cộng hòa, và có được thế đa số chỉ nhờ vào phiếu của chủ tịch Thượng viện là Phó tổng thống Kamala Harris.

Về vấn đề chống biến đổi khí hậu, sau khi ký lệnh tái gia nhập Hiệp định Paris trong ngày đầu tiên làm tổng thống, ông Biden tiếp tục bổ nhiệm vào chính phủ nhiều quan chức có quan ngại về biến đổi khí hậu - nhiều hơn so với bất cứ tổng thống Mỹ trước đây, theo New York Times.

Ngày 27/1, ông Biden dự kiến đẩy vấn đề biến đổi khí hậu thành vấn đề an ninh quốc gia, và chỉ đạo các cơ quan tình báo bắt tay vào bản “Đánh giá Tình báo Quốc gia” về an ninh khí hậu, đồng thời chỉ đạo bộ trưởng quốc phòng phân tích rủi ro khí hậu tới các cơ sở của Lầu Năm Góc.

Ông cũng có kế hoạch khuyến khích nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn, lập tổ công tác để tìm ra kế hoạch hành động toàn chính phủ nhằm giảm khí thải, lập các ủy ban chú trọng vào công lý môi trường, việc làm xanh.

Những chủ trương này trái ngược hoàn toàn với hướng đi của ông Trump là giảm quy định môi trường, khuyến khích năng lượng hóa thạch.

Đề cử bộ trưởng Thương mại Mỹ sẽ cứng rắn với Trung Quốc

Bà Gina Raimondo, người được Tổng thống Biden đề cử làm bộ trưởng Thương mại, ngày 26/1 cam kết cứng rắn với Trung Quốc cũng như chính sách cạnh tranh không lành mạnh của nước này.

Đề cử đại sứ Mỹ tại LHQ của ông Biden cam kết cứng rắn với Trung Quốc

Thượng viện Mỹ sẽ có phiên điều trần đối với bà Linda Thomas-Greenfield, người được Tổng thống Joe Biden đề cử giữ chức đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm