Tyre Nichols, người đàn ông da đen 29 tuổi ở Memphis, là nạn nhân mới nhất của nạn cảnh sát Mỹ sử dụng bạo lực gây tử vong.
Thành phố Memphis đã công bố đoạn video bodycam hôm 27/1 cho thấy 5 sĩ quan cảnh sát đã đánh đập Tyre Nichols hôm 7/1 khiến anh tử vong 3 ngày sau đó. Cả 5 người này đều đã bị cáo buộc giết người.
Video đã gây rung chuyển nước Mỹ, thu hút sự phẫn nộ từ người dân đến các chuyên gia thực thi pháp luật, các quan chức, bao gồm Tổng thống Joe Biden.
Cái chết của anh Nichols được công bố vào thời điểm các hộ gia đình ở bang California còn đang đối mặt với cơn ác mộng mang tên xả súng hàng loạt xảy ra liên tiếp trong vài ngày.
Vụ xả súng tại câu lạc bộ khiêu vũ ở thành phố Monterery Park khiến 11 người thiệt mạng vào dịp Tết Nguyên đán ngày 21/1.
Chỉ vài ngày sau, ở Half Moon Bay, phía bắc bang California tiếp tục ghi nhận 2 vụ xả súng khiến 7 người tử vong và một người bị thương nặng ngày 23/1.
Người đàn ông thắp nến cho những nạn nhân ở vụ xả súng trong lễ Tết Nguyên đán ở Monterey Park, California ngày 23/1. Ảnh: Reuters. |
Mất mát
Theo CNN, các vụ xả súng và bạo lực dường như không có mối liên hệ, nhưng hậu quả của chúng để lại rất giống nhau: Sự mất mát, phẫn nộ, và đau thương.
Sau mỗi sự việc bi thương như vậy vẫn là những cuộc phỏng vấn, họp báo có người thân của nạn nhân, cũng như những tranh cãi chính trị thường bị khuấy động bởi các vụ việc bi thảm. Tất cả bị xoáy vào một vòng mất mát vô tận sau các sự cố bi thảm, vòng xoáy của sự giận dữ và hoài nghi.
Những nỗi đau từ California và Memphis trong tuần đã chạm đến những lĩnh vực mà hệ thống chính trị phân cực nhiều lần thất bại trong việc ngăn chặn các thảm kịch tương tự.
Các nghi thức sau những vụ xả súng và lời chia buồn từ các chính trị gia là bằng chứng cho việc không có sự thay đổi, sau các yêu cầu cải cách súng của cánh tự do và sự đổ lỗi luật kiểm soát vũ khí lỏng lẻo của cánh bảo thủ.
Tương tự, các cuộc tranh luận chính trị hóa về cải cách cảnh sát cũng trở nên vô ích sau hàng loạt vụ người da đen chết dưới tay cảnh sát.
Một nỗ lực khác của lưỡng đảng nhằm kiểm soát hành vi của sĩ quan được thành lập vào năm 2021 ở Washington dần đang bị chia rẽ. Hay những cuộc tranh luận biếm họa về việc đảng Dân Chủ "hạ thấp ngân sách" cảnh sát và nền chính trị reo hò cổ vũ súng cũng đã làm tê liệt mọi hy vọng thay đổi.
Bi kịch cần được đặt tên
Bi kịch của Tyre Nichols được xoáy sâu bởi sự quen thuộc của các vụ thường xuyên xảy ra trước đó.
Người đàn ông da đen được chuyển đến bệnh viện vào ngày 7/1 và chết 3 ngày sau bởi những vết thương từ cuộc chạm trán với cảnh sát.
Sau khi gia đình và luật sư nạn nhân vào cuộc, theo quán tính, câu chuyện về giải trình trách nhiệm được xây dựng đều đặn từ địa phương đến quốc gia. Cuối cùng, tất cả đã dẫn đến bản cáo trạng ngày 26/1.
Người phụ nữ đặt một bông hoa tại buổi cầu nguyện Tyre Nichols diễn ra sau khi video anh bị đánh đập được công bố vào ngày 27/1. Ảnh: Reuters. |
Khuôn mặt của Nichols xuất hiện trên mọi đài truyền hình và các trang tin tức, cùng với tên của những nạn nhân khác như Geogre Floyd, Breonna Taylor như một tấm gương cho cuộc đấu tranh chống lại sự tàn bạo của cảnh sát ở Mỹ.
Những cái tên cần được ghi nhớ vì cá nhân họ và nỗi đau dân tộc mà họ đại diện chưa được giải quyết.
"Người thanh niên đã mất mạng một cách đáng sợ, điều này cho thấy sự thay đổi và cải cách trong việc sử dụng bạo lực là rất cần thiết... Chúng tôi sẽ tiếp tục gọi tên anh ấy cho đến khi công lý được thực thi", hai luật sư nổi tiếng Ben Crump và Antonio Rumanucci tuyên bố thay mặt gia đình Nichols vào ngày 26/1.
Tuy nhiên, việc nhắc tên nạn nhân có thể là một xu hướng phi nhân hóa khi nạn nhân trở thành một phép ẩn dụ cho một bi kịch xã hội, sự thất bại của chính trị. Chẳng hạn như cuộc đời của Nichols, người được biết đến bởi hàng triệu người Mỹ sau khi chết, được lồng ghép vào những câu chuyện đã có từ lâu và nạn nhân không có cơ hội viết nên câu chuyện của riêng mình.
Vì vậy, câu chuyện về Tyre Nichols, như anh có sở thích chụp ảnh hoàng hôn, trở nên rất quan trọng trong việc khôi phục phần cá tính của nạn nhân.
Người dân tụ tập vào ngày công bố đoạn video cho thấy cảnh sát Memphis đánh đập Tyre Nichols ngày 27/1. Ảnh: Reuters. |
Việc công khai video vào hôm 27/1 đã mang đến góc nhìn sâu sắc về cái chết của anh Nichols, cũng như việc lên án năm cựu sĩ quan gây ra cái chết. Khác với nhiều vụ án gây ra bởi các sĩ quan da trắng trước đây, vụ án ở Memphis có sự tham gia của 5 sĩ quan da đen.
Nhà phân tích chính trị của CNN, ông Bakari Sellers, cho rằng "chúng ta không nhất thiết phải nhìn vào chủng tộc của sĩ quan, đó là một hệ thống". Ông Sellers nhấn mạnh thêm "Những gì bạn thấy đang bị lặp lại nhiều lần, một hệ thống duy trì bạo lực với người da đen".
"Bi kịch tiếp nối bi kịch"
Thành phố Monterey Park và Half Moon Bay ở bang California hiện được liệt kê trong danh sách những địa điểm xảy ra những vụ xả xúng hàng loạt ở Mỹ, sau Columbine, Newton, và nhiều thành phố khác.
Mỗi cá nhân nằm xuống gợi lên một bi kịch cá nhân tan nát, một gia đình bị chia cắt, và những ký ức đau thương.
Ông Valentino Marcos Alvero, 68 tuổi, một trong 11 nạn nhân vụ xả súng ở Monterery Park, được nhớ đến là một người có tình yêu dành cho khiêu vũ, cộng đồng và gia đình. Hoặc một nạn nhân xấu số khác là bà Mymy Nhan, người phụ nữ gốc Việt 65 tuổi, được tưởng nhớ là một người đam mê khiêu vũ.
Trong nỗi sợ hãi và mất mát đau thương, Brandon Tsay, người đàn ông 26 tuổi, được cho là tia sáng tiêu biểu khi dũng cảm chống lại kẻ xả súng hàng loạt.
Brandon Tsay đã được hoan nghênh nhiệt liệt trong buổi lễ vinh danh vào 29/1. Ảnh: AP. |
Tổng thống Biden đã gọi điện cho Tsay vào hôm 26/1 để cảm ơn anh vì "hành động đáng kinh ngạc khi đối mặt với nguy hiểm". Tổng thống tuyên dương thêm: "Cậu là người Mỹ, là chính chúng ta... Nước Mỹ không bao giờ lùi bước, chúng ta dám đứng lên, vì những người như cậu".
Tuy nhiên, sự hoan nghênh cho một cá nhân là chưa đủ để xoa dịu nỗi đau mất mát quá lớn đối với người dân Mỹ. Thống đốc đảng Dân Chủ California, ông Gavin Newsom, tóm tắt một tuần qua với một dòng tweet "Bi kịch nối tiếp bi kịch".