HLV Lee Tae-hoon ước tính thời gian trở lại của Lương Xuân Trường là vào tháng 7 năm nay. Dịch Covid-19 khiến V.League ngưng trệ, song đó cũng là vận may với cầu thủ người Tuyên Quang. Xuân Trường sẽ có thêm cơ hội hiện diện ở mùa này.
Không phải bàn cãi về đẳng cấp của Xuân Trường, với trình độ chơi bóng và bề dày kinh nghiệm thuộc hàng tốt nhất trong đội ngũ HAGL hiện tại. Dù vậy, giỏi chưa chắc đã phù hợp.
Xuân Trường và Tuấn Anh từng là cặp bài trùng ở U19 Việt Nam. HLV Hữu Thắng hy vọng sự kết hợp này giúp U22 Việt Nam hái vàng SEA Games, nhưng giấc mơ tan vỡ từ vòng bảng. Ảnh: Minh Chiến. |
Công thức Xuân Trường - Tuấn Anh có còn tối ưu?
Trong ngày ký hợp đồng dẫn dắt tuyển Việt Nam, HLV Nguyễn Hữu Thắng từng khẳng định sẽ giúp toàn đội chơi cống hiến, đẹp mắt và nhuần nhuyễn. Viên gạch đầu tiên cho tham vọng ấy chính là thay đổi chiến thuật ở trận ra mắt gặp Đài Loan (Trung Quốc), với bộ đôi Xuân Trường và Nguyễn Tuấn Anh ở khu trung tuyến.
Trước đó, Tuấn Anh và Xuân Trường chưa từng có cơ hội đá cặp trên tuyển dưới thời Toshiya Miura khi chiến lược gia người Nhật Bản ưa chuộng lối đá cơ bắp, thiên về va chạm. Để thay đổi lối đá, mọi HLV đều lưu tâm hàng tiền vệ. Và để đá ngắn, nhuyễn, không HLV Việt Nam nào bỏ quên Tuấn Anh và Xuân Trường.
Công thức Tuấn Anh - Xuân Trường định hình thành công sau hiệu ứng vang dội của U19 Việt Nam. Khác với những đàn anh, bộ đôi của HAGL là những tiền vệ sáng tạo kiểu mới, thi đấu bằng óc quan sát và nền tảng kỹ thuật điêu luyện, điều hiếm có ở bóng đá Việt Nam trước đây.
Nếu Xuân Trường chơi khá tốt ở AFF Cup 2016, đồng thời đặt nền móng cho U23 Việt Nam trong giai đoạn đầu của HLV Park Hang-seo, thì Tuấn Anh lại bùng nổ ở giai đoạn sau khi chen chân vào đội hình tuyển Việt Nam, tỏa sáng ở vòng loại World Cup.
Xuân Trường - Tuấn Anh đang và đã thăng hoa, nhưng có một điều không đổi: Cả hai ít còn cơ hội đá cặp với nhau.
Xuân Trường sớm nhất chỉ trở lại từ tháng 7 sau chấn thương dây chằng gặp phải trên tuyển. Xuân Trường chỉ đá trọn vẹn mùa giải V.League 2015 và 2018, vắng mặt mùa 2016, 2017 và nửa đầu mùa 2019 do sang nước ngoài thi đấu. Ảnh: Minh Chiến. |
Giai đoạn ngắn ngủi bộ đôi này song hành là loạt trận giao hữu trước thềm AFF Cup 2016. Chấn thương phút chót của Tuấn Anh khiến tham vọng kết hợp hai viên ngọc ưu tú của HLV Hữu Thắng phá sản. SEA Games 2017 trên đất Malaysia, Tuấn Anh và Xuân Trường tái hợp, nhưng U22 Việt Nam về nhà sau vòng bảng.
Cũng như Steven Gerrard và Frank Lampard ở đội tuyển Anh, bộ đôi Xuân Trường - Tuấn Anh dường như chỉ hay trên lý thuyết. Bóng đá không phải câu chuyện “1+1=2”. Kết hợp hai tiền vệ sáng tạo, chưa chắc tạo được hàng tiền vệ sáng tạo.
Sự kết hợp Tuấn Anh, Xuân Trường chỉ thực sự tốt ở cấp độ U19. Khi họ chuyển lên đội tuyển quốc gia, hai người cùng xuất hiện dễ làm tuyến giữa đội tuyển suy yếu, để lộ khoảng trống và thủng lưới trước những đối thủ giàu sức mạnh, phản công giỏi. Cả hai đều thuộc mẫu sáng tạo và điều tiết trận đấu bằng nhãn quan chiến thuật, nên cần nhiều bóng để luân chuyển, tư duy, nhưng va chạm và càn quét không tốt.
Bộ đôi này chỉ chơi hay khi đá cặp với một tiền vệ khác, với Xuân Trường là Phạm Đức Huy, còn với Tuấn Anh là Đỗ Hùng Dũng. Đức Huy hay Hùng Dũng không mạnh ở những cú chuyền, nhưng lại chịu khó tranh chấp và thu hồi, sẵn sàng trở thành “công nhân” dọn đường cho “nghệ sĩ” tỏa sáng như câu chuyện của Gennaro Gattuso và Andrea Pirlo thời đỉnh cao ở AC Milan.
Tại HAGL, Tuấn Anh đang có một “công nhân” như thế. Đó là Triệu Việt Hưng.
Việt Hưng (áo đỏ) phòng ngự tốt, mạnh ở khả năng tranh chấp và bổ trợ rất tốt cho lối đá kỹ thuật của Tuấn Anh. Tiền vệ sinh năm 1997 đang từng bước xây dựng chỗ đứng ở HAGL. Ảnh: Minh Chiến. |
Vị trí nào cho Xuân Trường?
Ở HAGL, Xuân Trường và Tuấn Anh được tạo điều kiện ra sân thường xuyên, miễn cả hai đủ thể lực. Hiệu quả bộ đôi trên đến đâu, vị trí của HAGL ở V.League là câu trả lời. HAGL thắng 6/26 trận Tuấn Anh và Xuân Trường góp mặt mùa 2015, đạt tỷ lệ 23,07%, xếp áp chót, thủng lưới 1,92 bàn/trận. 4 năm sau, bộ đôi này tái hợp, nhưng kết quả không tốt hơn là bao. HAGL thắng 36,4% số trận, thủng lưới 23 lần, trung bình hơn 2 bàn/trận.
Xuân Trường giữ được chỗ đứng ở HAGL nhờ kinh nghiệm, đồng thời đội bóng phố núi không có cái tên nào đủ sức lấp chỗ. Dù vậy, khi Xuân Trường xuất ngoại, Triệu Việt Hưng đã âm thầm trưởng thành. Lúc này, chính Việt Hưng, chứ không phải Xuân Trường, mới là cái tên phù hợp hơn cho HAGL.
10 trận gần nhất Việt Hưng đá cặp với Tuấn Anh từ đầu, HAGL đạt tỷ lệ thắng 40%, giành 16 điểm, nhưng quan trọng nhất, HAGL thủng lưới 15 lần, trung bình 1,5 bàn/trận, tốt nhất từ khi bầu Đức đưa “gà nhà” lên thi thố ở V.League.
Chênh lệch về thành tích phòng ngự cho thấy khác biệt về chiến thuật giữa HAGL có Xuân Trường và HAGL có Việt Hưng. Chấn thương của Xuân Trường để lại tiếc nuối, nhưng phải thừa nhận kể cả lành lặn, tiền vệ này cũng không còn là chính mình. Chìa khóa thành công của HAGL hiện tại và tuyển Việt Nam là khả năng pressing, thoát pressing và chuyển trạng thái nhanh, đều là những yếu tố Xuân Trường thiếu sót.
Hệ thống của ông Lee Tae-hoon xây dựng cho HAGL khá giống hệ thống của HLV Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam, đòi hỏi các tiền vệ phải nỗ lực, tham gia phòng ngự nhiều hơn. Ảnh: Minh Chiến. |
Xuân Trường mất vị trí, bởi anh cần quá nhiều thời gian ra quyết định và thiếu tốc độ để đeo bám hay luân chuyển bóng. Để tỏa sáng, Xuân Trường cần được phục vụ và bảo vệ khỏi những pha va chạm diễn ra thường xuyên trên sân, điều khó xảy ra khi những kỹ năng mạnh nhất của anh chưa đủ tinh luyện để HLV phải ưu ái.
HAGL của Lee Tae-hoon hiện tại cũng được xây dựng trên hình mẫu phòng ngự chặt - tấn công nhanh ở đội tuyển, nên đòi hỏi của ông Lee sẽ giống với HLV Park Hang-seo. Công thức cặp tiền vệ sáng tạo - thu hồi được tái hiện, và Việt Hưng cho thấy sự hòa hợp, ăn ý với Tuấn Anh nhờ khả năng càn quét, bọc lót và chuyển trạng thái tốt.
“Khi bóng đến chân, tôi chỉ muốn đẩy nó đi càng nhanh càng tốt”, Việt Hưng chia sẻ với Zing. Câu nói ngắn gọn cũng là phương châm chơi bóng: Đơn giản, nhanh gọn, không màu mè. Tiền vệ sinh năm 1997 không giỏi đá phạt hay chọc khe như đàn anh, nhưng sự lăn xả và nỗ lực phòng ngự bền bỉ của Việt Hưng mới là điều HAGL cần. Bàn thắng vào lưới Viettel cũng cho thấy khi cần, cầu thủ này có thể hỗ trợ tấn công hiệu quả.
Xuân Trường có thể đẳng cấp hơn, nhưng với triết lý HLV Lee Tae-hoon đang áp dụng cho HAGL, Việt Hưng dường như là người phù hợp hơn.
Không sớm cải thiện điểm yếu cố hữu, Xuân Trường có thể một lần nữa mất chỗ ở đội bóng. Điều đó dễ xảy ra, bởi với cầu thủ có thể trạng như Xuân Trường, hồi phục 100% sau chấn thương dây chằng đã là thách thức lớn, chứ chưa nói đến tiến lên đẳng cấp mới.