Kim loại quý thế giới vừa trải qua tuần giao dịch biến động thấp nhất từ tháng 8 đến nay khi giá chủ yếu đi ngang ở mức 1.920-1.945 USD/ounce.
Trên sàn New York, kim loại quý đóng cửa tuần này ở mức 1.940,1 USD/ounce, giảm 6,5 USD so với phiên liền trước. Tuy nhiên, so với cuối tuần trước, giá đóng cửa tuần này vẫn cao hơn 5,3 USD/ounce nhờ phiên tăng mạnh trước đó.
Đây cũng là giá đóng cửa của vàng giao ngay trên sàn Kitco, hiện ở mức 1.940,1 USD/ounce.
Vàng miếng lặng sóng
Tuần này có rất ít thông tin tác động đến giá vàng trong khi thị trường chứng khoán biến động mạnh khiến giá kim quý lặng sóng, trong khi giới đầu tư tập trung sự chú ý vào thị trường tài sản rủi ro.
Diễn biến của kim quý thế giới cũng khiến vàng miếng trong nước trải qua một tuần biến động thấp, giá chủ yếu đi ngang vùng 56,5 triệu đồng/lượng.
Cuối tuần trước, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đóng cửa giá vàng khu vực TP.HCM ở mức 55,75 - 56,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), đến sáng nay (12/9) giá mua vào tại đây ở mức 55,85 triệu/lượng, trong khi giá bán giảm về 56,55 triệu đồng.
So với cuối ngày hôm qua (11/9), giá vàng tại đây cũng giảm 100.000 đồng ở cả 2 chiều.
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay niêm yết giá vàng miếng ở mức 56,1 triệu/lượng (mua) và 56,55 triệu/lượng (bán), giảm 50.000 đồng so với chiều qua. Tuy vậy, nếu so với cuối tuần trước, giá mua vào tại đây đã tăng 100.000 đồng, còn giá bán giảm 150.000 đồng.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện chấp nhận mua vào vàng miếng ở mức 56,12 triệu/lượng, giảm 30.000 đồng so với chiều qua. Giá bán ra được doanh nghiệp này đặt ở mức 56,5 triệu đồng, giảm 50.000 đồng.
Vùng 56,5 triệu/lượng cũng là giá bán phổ biến tại các doanh nghiệp tư nhân khác sáng nay (Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý…). So với cuối tuần trước, giá vàng trong nước chủ yếu tăng nhẹ ở chiều mua nhưng giảm ở chiều bán.
Diễn biến trái chiều của vàng cũng khiến chênh lệch giá mua bán trong nước thu hẹp về mức 700.000 đồng/lượng tại SJC và dưới 500.000 đồng/lượng tại các doanh nghiệp tư nhân.
Bất thường trên thị trường tài chính
Đúng với dự báo trước đó của nhiều chuyên gia, dù vẫn giao dịch ở trên ngưỡng tâm lý 1.900 USD/ounce nhưng vàng vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trước khi có động lực đủ lớn để bứt phá về giá.
Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng biến động trên thị trường kim quý đang giảm khi giá tiếp tục thu hẹp. "Yên bình trước cơn bão" là từ được các chuyên gia miêu tả về giá vàng thế giới hiện nay. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là xu hướng tiếp theo sẽ tăng hay giảm.
Vàng vẫn chưa rõ xu hướng biến động trong ngắn hạn. Ảnh: Chí Hùng. |
Nhiều nhà phân tích vẫn đặt cược vào xu hướng tăng của vàng. Bởi những vấn đề trên thị trường tài chính vẫn khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn so với một tài sản trú ẩn an toàn.
Môi trường lãi suất thấp, rủi ro lạm phát gia tăng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư có rất ít lựa chọn để phòng ngừa rủi ro.
Theo tính toán của ông Neils Christensen, chuyên gia phân tích kim quý tại Kitco, với mỗi USD đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ hiện nay, nhà đầu tư đang thua lỗ do lạm phát tăng và sức mua giảm.
Đây là lý do ngày càng nhiều người đầu tư vào vàng và bạc.
Ngoài ra, nhiều nhà kinh tế và phân tích thị trường cho rằng lãi suất thực âm sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài. Không chỉ lợi suất trái phiếu giảm mà các nhà đầu tư còn phải đối mặt với rủi ro thị trường điều chỉnh.
Trong khi đó, Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của Kitco cho biết chứng khoán và vàng dao động cùng chiều là điều bất thường.
Từ khi thị trường lao dốc vào tháng 3 do Covid-19, vàng đã tăng 35% còn S&P cũng tăng gần 50%.
Vị chuyên gia lưu ý vàng không đóng vai trò như một hàng rào thông thường, thay vào đó, kim quý vừa tăng giá vừa được bán tháo với thị trường chung thời gian qua.
Tuy vậy, ông Wyckoff cũng cho biết rất khó đưa ra dự báo chính xác về xu hướng giá vàng trong thời gian tới, đặc biệt là khi thị trường chứng khoán đang chịu những đợt bán tháo mạnh.