Công ty CP Bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT) - chủ sở hữu bệnh viện cùng tên tại Hà Nội - vừa có báo cáo hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm gửi Bộ GTVT.
Theo đơn vị này, năm 2020 bệnh viện không tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên và không ban hành các chỉ tiêu kinh doanh nên việc so sánh phải đối chứng với kết quả năm 2019.
Trong đó, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của bệnh viện đạt gần 71 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, số giảm này tương đương gần 26 tỷ đồng giá trị tuyệt đối. Nguyên nhân khiến doanh thu sụt giảm do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến số lượt bệnh nhân và lượt người khám đi xuất khẩu lao động giảm đáng kể.
Ở chiều ngược lại, Bệnh viện GTVT phải chi ra gần 88 tỷ đồng chi phí thuốc men, vật tư y tế, hóa chất… Dù giảm 22% so với cùng kỳ nhưng khoản chi này vẫn lớn hơn số thu khiến bệnh viện lỗ ròng 17 tỷ đồng sau nửa năm.
Khoản thua lỗ này tăng hơn 1,2 tỷ so với cùng kỳ và nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối tháng 6 của bệnh viện lên gần 135 tỷ đồng.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA BỆNH VIỆN GTVT | |||
Nhãn | 6T2019 | 6T2020 | |
Doanh thu | tỷ đồng | 97 | 71 |
Lợi nhuận sau thuế | 16 | 17 |
Lãnh đạo Bệnh viện GTVT cho biết tính đến 30/6, công nợ phải thu ngắn hạn của bệnh viện là gần 97 tỷ đồng, chủ yếu từ khoản phải thu của Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội (96 tỷ).
Ngoài ra, năm 2019 và quý I, bệnh viện cũng chưa ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT nên phải tạm ghi nhận doanh thu và công nợ theo phát sinh thực tế. Đến ngày 15/4, bệnh viện mới ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT năm 2020 với BHXH TP. Hà Nội.
Số công nợ phải trả ngắn hạn đến 30/6 của bệnh viện là gần 74 tỷ đồng.
Với tình hình công nợ phải thu, phải trả như trên, lãnh đạo Bệnh viện GTVT cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả cho người lao động các khoản lương, phụ cấp phẫu thuật, phụ cấp trực, phụ cấp độc hại… Cũng do không thanh toán đúng hạn nên nhiều nhà cung cấp đã dừng cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho bệnh viện.
Đến cuối tháng 6, tổng vốn chủ sở hữu của bệnh viện này đạt 269,5 tỷ đồng, giảm so với đầu năm là 286,5 tỷ do lỗ từ hoạt động kinh doanh. Như vậy, công ty chưa bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.
Ngoài ra, khó khăn của Bệnh viện GTVT còn do HĐQT không thể hoạt động liên tục sau khi cổ đông chiến lược - Tập đoàn T&T - xin từ nhiệm.
Tham gia đầu tư vào Bệnh viện GTVT từ cuối năm 2015 , Tập đoàn T&T từng là cổ đông chi phối nắm giữ hơn 51% vốn cổ phần. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch T&T, cũng từng được bầu vào vị trí cao nhất trong HĐQT bệnh viện.
Tuy nhiên, sau khi cổ đông Nhà nước xác định lại giá trị vốn tại thời điểm chuyển đổi mô hình công ty cổ phần, vốn Nhà nước tại đây đã tăng từ 32,73% lên 71,18%. Cùng với đó, phần vốn của T&T đã bị giảm từ 51,43% xuống 22,07% dù số lượng cổ phiếu nắm giữ không thay đổi.
Sau khi không còn được nắm quyền chi phối tại bệnh viện, tháng 4/2018, T&T đã có văn bản xin thoái toàn bộ vốn đầu tư và không tham gia vào HĐQT, Ban Kiểm soát với tư cách là cổ đông chiến lược.
Lý giải nguyên nhân muốn thoái vốn, đại diện T&T cho biết tại thời điểm đầu tư vào bệnh viện, cổ đông Nhà nước có cam kết lộ trình để cổ đông chiến lược nắm cổ phần chi phối. Tuy nhiên, kế hoạch cổ phần hóa lĩnh vực y tế sau đó bị dừng lại, việc sở hữu 22% không đủ để tập đoàn phát triển bệnh viện, vì vậy đã quyết định thoái vốn.
Hiện tại, Bệnh viện GTVT vẫn là cơ sở khám chữa bệnh duy nhất trên cả nước được thí điểm cổ phần hóa cho nhà đầu tư tư nhân nắm giữ vốn. Tuy vậy, cổ đông Nhà nước vẫn nắm vai trò chi phối hoạt động.