Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG) vừa công bố kế hoạch thoái toàn bộ phần vốn góp tại Công CP Tảo Vĩnh Hảo (Spiviha). Công ty hiện sở hữu 376.300 cổ phần tại Tảo Vĩnh Hảo, tương đương 31,36% vốn doanh nghiệp chuyên sản xuất tảo làm nguyên liệu dược phẩm này.
Với mục đích tái cấu trúc các đơn vị có vốn góp, nhà sản xuất dược phẩm tư nhân lớn nhất Việt Nam sẽ sẽ thoái toàn bộ phần vốn nói trên trong nửa cuối năm nay.
Tuy không tiết lộ giá trị chuyển nhượng nhưng báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2020 của Dược Hậu Giang ghi nhận giá trị khoản đầu tư vào Tảo Vĩnh Hảo này là hơn 2,9 tỷ đồng.
Ngoài doanh nghiệp tảo nói trên, Dược Hậu Giang còn sở hữu một công ty con là Công ty TNHH Fuji Medic trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với tỷ lệ 51%.
Công ty CP Tảo Vĩnh Hảo được thành lập từ năm 2008, chuyên nuôi trồng và sản xuất các loại tảo Spirulina tự nhiên để làm nguyên liệu sản xuất các dòng sản phẩm Spivital và các dòng công nghệ sinh học khác của Dược Hậu Giang.
Dù là một trong những doanh nghiệp được nhà sản xuất dược phẩm góp vốn từ lâu nhưng hoạt động kinh doanh của Tảo Vĩnh Hảo lại tương đối bết bát.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA TẢO VĨNH HẢO | ||||||
Nhãn | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | |
Doanh thu thuần | triệu đồng | 1858 | 3146 | 3270 | 1775 | 3954 |
Lợi nhuận sau thuế | -866 | -2040 | -1628 | -595 | -534 |
Trong 5 năm gần nhất (2015-2019), doanh thu thuần của công ty này chỉ dao động trong khoảng 2-4 tỷ đồng/năm và đều thua lỗ. Năm gần nhất (2019), doanh thu của công ty đạt gần 4 tỷ, cao nhất giai đoạn 2015-2019, nhưng lại lỗ ròng hơn 500 triệu đồng.
Tổng lỗ lũy kế giai đoạn này của Tảo Vĩnh Hảo cũng đã vượt mốc 5,6 tỷ đồng.
Về phần Dược Hậu Giang, đây là một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất thị trường Việt Nam hiện nay với doanh thu trên 4.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, giữa năm 2019, Công ty CP Chế tạo thuốc Taisho (Nhật Bản) đã nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên trên 51% và chính thức trở thành công ty mẹ của hãng dược phẩm phía Việt Nam.
Đây là thương vụ đã được Taisho theo đuổi nhiều năm và phải chi hàng nghìn tỷ đồng để trở thành cổ đông chi phối. Sau khi về tay người Nhật, hoạt động kinh doanh của Dược Hậu Giang duy trì tăng trưởng ổn định với doanh thu xấp xỉ 1.000 tỷ và lợi nhuận ròng gần 200 tỷ đồng mỗi quý.
Trong quý II vừa qua, hãng dược này ghi nhận 820 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 186 tỷ đồng, tăng 6%.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Dược Hậu Giang đạt 1.679 tỷ, giảm 4%, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng xấp xỉ 17%, đạt gần 363 tỷ đồng.
Trong năm nay, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, lãnh đạo Dược Hậu Giang đặt kế hoạch ghi nhận 3.866 tỷ đồng doanh thu và 720 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, sau nửa năm tài chính hãng đã hoàn thành hơn 43% kế hoạch doanh thu và gần 56% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.