Cụ thể, ông Phạm Tiến Dũng cho biết đến cuối năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 89 triệu tài khoản cá nhân, tương đương 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng.
Sau 6 tháng đầu năm, thanh toán không dùng tiền mặt ước tăng khoảng 180%. Nhiều ngân hàng như Vietcombank, TPBank, VPBank... lượng khách hàng giao dịch qua kênh trực tuyến đã chiếm hơn 90%.
Tuy nhiên, nhóm 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng lại là những khách hàng khó tiếp cận nhất với ngân hàng và tổ chức tài chính. Đây cũng là nhóm đối tượng cần tới tài chính toàn diện, tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ông Dũng cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh thời gian qua, những người đã từng thanh toán qua điện thoại hầu như đều sử dụng dịch vụ. Hệ thống hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng được NHNN ban hành tương đối đầy đủ. Tuy vậy, khó khăn trong hoạt động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay chính là thói quen của người dùng. Để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân cần có sự kết hợp giữa chính sách và công tác truyền thông.
Thông tư, nghị định hướng dẫn về Mobile Money dự kiến được NHNN đưa ra trong tháng 9/2020 này. Ảnh: Ngô Minh. |
Ông Dũng cho biết ngay trong tháng 9 này, NHNN dự kiến trình các thông tư, nghị định để đưa ra hướng dẫn, quy định cụ thể liên quan đến hoạt động đại lý ngân hàng, tiền điện tử, thanh toán quốc tế, Mobile Money…
Về Mobile Money, ông Dũng từng khẳng định không có chuyện xuất hiện 60 triệu tài khoản Mobile Money sau một đêm vì nhà mạng không được phép mở tài khoản tự động cho khách hàng.
Vị lãnh đạo phân tích, bản chất của Mobile Money là sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản nên không cần lo lắng về vấn đề SIM rác mở tài khoản thanh toán tràn lan.
“Khách hàng có quyền lựa chọn mở tài khoản hay không, mở tài khoản rồi sẽ được lựa chọn nộp tiền vào hay không. Kể cả khi đã nộp tiền vào cũng sẽ được lựa chọn có thực hiện thanh toán bằng Mobile Money hay không”, ông Dũng nhấn mạnh.
Báo cáo nghiên cứu về loại hình thanh toán Mobile Money của TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết dịch vụ này sẽ có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam hiện có lượng thuê bao điện thoại lớn, khoảng 129,5 triệu (năm 2019). Trong đó, số điện thoại di động 3G và 4G là hơn 61,3 triệu, mạng điện thoại di động đã được phủ kín trên cả nước.
Ngoài ra, Việt Nam có khoảng 43,7 triệu người dùng smartphones (45% dân số năm 2019) và nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao (70,3%), tương ứng 68,5 triệu người.
Hiện tại, Viettel và VNPT cũng đã được NHNN cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.