Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước tại buổi họp báo công bố sự kiện “Ngày không tiền mặt 2020” chia sẻ một số thông tin liên quan đến dự thảo về thanh toán qua tài khoản viễn thông di động (Mobile Money) đang đợi Thủ tướng phê duyệt.
Ông Dũng cho biết trong dự thảo, hạn mức sử dụng của mỗi tài khoản Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng. Việc nạp tiền sẽ thực hiện thông qua các điểm nạp, rút tiền mặt và tài khoản ngân hàng nhưng không chấp nhận nạp thẻ cào vì tiềm ẩn những rủi ro.
Vụ trưởng Thanh toán đánh giá nguy cơ lớn nhất với việc giao dịch trên không gian mạng là sự ẩn danh. Do đó, việc quản lý với Mobile Money cũng như ví điện tử luôn yêu cầu xác định danh tính khách hàng. 2/3 nội dung dự thảo về Mobile Money cũng sẽ tập trung vào việc quản lý rủi ro.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng nhà nước nhấn mạnh đề án triển khai Mobile Money đang trong giai đoạn chờ Thủ tướng phê duyệt nên đây mới là các nội dung dự kiến.
Các nhà mạng tại Việt Nam đang chờ đợi việc được triển khai Mobile Money. Ảnh: Ngô Minh. |
Cũng liên quan đến các chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Dự thảo này sẽ cho phép việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC). Đây là phương thức lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, cho phép khách hàng không phải đến trực tiếp ngân hàng để mở tài khoản nhờ các biện pháp định danh, nhận biết sinh trắc học dựa trên công nghệ.
Đại diện ngân hàng đồng hành cùng sự kiện, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết nhà băng đang tập trung đầu tư nghiêm túc để đón đầu xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Tâm khẳng định ngân hàng luôn mong muốn kích thích, phát triển xu hướng này lâu dài, giúp người tiêu dùng làm quen, tận hưởng lợi ích của các phương pháp hỗ trợ thanh toán mới.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2019, giao dịch thanh toán qua kênh internet tăng 64% về số lượng 37% về giá trị giao dịch; giao dịch trên điện thoại năm 2019 tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018, cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng của các kênh thanh toán không dùng tiền mặt.
Tỷ trọng giao dịch tại ATM năm 2018 thông qua hệ thống Napas năm 2019 giảm còn 42% so với mức 62% cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tỷ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng tăng từ 26% lên lên 48%, thể hiện sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng hàng ngày bằng tiền mặt sang thanh toán qua các kênh ngân hàng điện tử.
Hiện tại, đã có 63,7% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Mục tiêu đến cuối 2020, con số này tăng lên 70%.
Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Truyền thông của Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới, hoạt động truyền thông của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính.