Vài năm qua, Apple liên tục kết hợp với nhiều nhà phát triển game lớn để giới thiệu những tựa game nổi bật trên các nền tảng của hãng. Việc giới thiệu game đầu bảng vừa giúp lôi kéo những người dùng thích game, vừa là cách để Táo khuyết “khoe” hiệu năng của những cỗ máy dùng chip Apple Silicon.
Năm 2023, những tựa game đầu bảng nổi bật được đưa lên các nền tảng của Apple là Resident Evil 4 và Death Stranding. Đây đều là các game dạng “Universal Purchase", tức là mua một lần có thể chơi được trên cả iPhone, iPad và MacBook.
Assassin's Creed Mirage được Apple giới thiệu trên iOS và iPadOS hôm 6/6, gần một tháng sau khi iPad Pro M4 được giới thiệu. Đây cũng chính là tựa game phù hợp để người dùng có thể trải nghiệm sức mạnh vi xử lý mới nhất của hãng. Khác với 2 tựa game nói trên, Assassin's Creed Mirage chỉ hỗ trợ iPhone và iPad.
Nhà phát hành Ubisoft cho phép chơi thử 90 phút, sau đó người chơi phải bỏ 1,2 triệu (giá bán ở Mỹ là 50 USD, nhưng được giảm còn 25 USD trong giai đoạn đầu) để mua bản game gốc, và game còn nhiều gói vật phẩm với các mức giá khác nhau.
Apple M4 cũng gặp khó
Hiện tại Assassin's Creed Mirage có thể chơi trên iPhone 15 Pro/Pro Max và iPad dùng chip M1 trở lên. Người viết đã thử chơi game trên 2 mẫu iPad vừa ra, gồm iPad Pro M4 và iPad Air M2, cả hai đều là phiên bản với cấu hình cao nhất.
Là một tựa game AAA, khi phát hành trên các nền tảng khác Ubisoft cung cấp rất nhiều tùy chọn về đồ họa, chế độ hình ảnh để tối ưu chất lượng hoặc hiệu năng. Tuy nhiên, trên iPad người dùng chỉ có thể chọn giữa 3 chế độ chất lượng hình (thấp, trung bình và cao). Game cũng bị khóa ở tốc độ khung hình 30 fps.
Tựa game này không có nhiều tùy chỉnh về mặt đồ họa, trừ 3 mức chất lượng từ thấp đến cao. |
Trên mẫu iPad Air M2, ở chế độ chất lượng trung bình, máy có thể duy trì mức 30 fps khá đơn giản. Trong các cảnh nhân vật chính Basim chạy nhanh qua thành phố, leo trèo, khung hình được giữ ổn định. Kể cả trong những cảnh giao đấu, với nhiều nhân vật phụ vây quanh và nhiều hiệu ứng, máy vẫn giữ được mức khung hình ổn định.
Tuy nhiên, iPad Air M2 không đủ sức để chơi ở thiết lập đồ họa cao. Khi bật thiết lập này, có thể thấy chất lượng hình ảnh cải thiện rõ rệt khi độ phân giải lẫn chi tiết của hình ảnh đều tăng lên. Dù vậy, mẫu iPad Air mạnh nhất vẫn hơi bị giật ở những cảnh chuyển động, chiến đấu, khiến trải nghiệm chơi game không tối ưu.
Mirage cũng là một trong số ít game/ứng dụng có thể giúp người dùng thấy rõ sự chênh lệch hiệu năng giữa chip Apple M2 và M4 trên iPad. Mẫu iPad Pro mới nhất có thể chơi game ở tùy chọn cao nhất và đảm bảo mức khung hình 30 fps đều, kể cả trong những cảnh có nhiều chi tiết như khi nhân vật chính Basim gọi chú chim đại bàng, hay khi giao tranh.
iPad Pro dùng chip M4 là thiết bị duy nhất hiện tại của Apple có thể chơi mượt tựa game ở mức đồ họa cao. Dù vậy, theo thiết lập của game thì tốc độ khung hình cũng chỉ là 30 fps. |
Lần hiếm hoi mà tốc độ khung hình giảm xuống là khi có quá nhiều đối thủ và Basim đánh vào bao bột ớt để làm phân tán. Khi đó, lượng chi tiết lớn trong hình khiến game bị khựng đôi chút.
Khi chơi từ khoảng 5-7 phút, cả 2 chiếc iPad đều nóng lên đáng kể. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi với phần khung mỏng và không có quạt tản nhiệt, việc xử lý những tựa game nặng chắc chắn sẽ khiến máy nóng lên. Trong quá trình trải nghiệm, nhiều lần tôi bỏ máy ra khỏi ốp Magic Keyboard hoặc chĩa quạt vào hướng iPad để có cảm giác yên tâm hơn.
Hứa hẹn cho game di động
Một trong những điểm hấp dẫn nhất khi mua game từ Apple là Universal Purchase, khi người dùng có thể chơi trên nhiều thiết bị mà chỉ mất tiền một lần. Quá trình chơi game cũng thường được đồng bộ trên iCloud, tiết kiệm thời gian và cho phép người chơi “cày” game trên nhiều thiết bị tùy thuộc hoàn cảnh.
Tuy nhiên với Mirage, điểm cộng này không được đầy đủ bởi game chưa có bản trên MacBook. Những mẫu MacBook có không gian lớn hơn, đặc biệt là các bản Pro có thêm quạt tản nhiệt, có thể sẽ xử lý game tốt hơn.
Đối với iPad Air dùng chip M2, Trung bình là mức thiết lập phù hợp để luôn có mức độ khung hình ổn định. |
Một điểm đáng tiếc khác của Mirage là game chỉ giới hạn ở mức khung hình 30 fps. Có lẽ đây là lựa chọn để đảm bảo trải nghiệm mượt mà với đồ họa khá nặng, nhất là trên những mẫu iPad dùng chip M2 trở lại. Dù vậy, nếu có thể tối ưu tốt hơn ở mức 60 fps, cảm giác chơi game sẽ thú vị hơn.
Nhiều người dùng cũng phàn nàn vì game không thể thay đổi tỷ lệ hiển thị 21:9. Do vậy, khi chơi trên iPad với tỷ lệ màn hình 3:2, 2 thanh màu đen hiển thị trên màn hình cũng làm ảnh hưởng tới trải nghiệm chơi game.
Trên iPhone 15 Pro Max, nhiều đánh giá của người dùng cho thấy game chạy ổn định ở mức độ hòa trung bình, thỉnh thoảng vẫn sẽ giật ở những phân cảnh chiến đấu hoặc bật Eagle Vision. Thực tế là màn hình iPhone vẫn nhỏ hơn nhiều so với iPad, nên người dùng cũng không cần thiết phải bật chế độ đồ họa cao nhất để “soi” từng chi tiết.
iPhone 15 Pro/Pro Max có thể chơi game, nhưng trải nghiệm không trọn vẹn như trên iPad. Ảnh: Pocketlint. |
Giao diện điều khiển game bằng cảm ứng có trên 10 nút, mất một lúc để làm quen. Do cách chơi cũng khá dễ tiếp cận, việc điều khiển bằng cảm ứng trong Mirage không tệ, nhưng một chiếc tay cầm vẫn là cách tối ưu nhất.
Mirage đáng thử nếu bạn thích cách chơi ẩn nấp, làm nhiệm vụ của dòng game Assassin's Creed. Với đồ họa đẹp mắt, tựa game sẽ phù hợp hơn với những dòng iPad có màn hình lớn. Nếu chỉ chơi trên iPhone mà không có iPad, bạn nên cân nhắc thêm, bởi tựa game vẫn có mức giá cao, và iPhone 15 Pro Max cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của game ở mức đồ họa cao nhất.