Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Từ vụ vi phạm của Quế Ngọc Hải đến nền bóng đá chuyên nghiệp

Sau khi Quế Ngọc Hải vi phạm bản quyền hình ảnh đội tuyển Việt Nam, chúng ta thấy chẳng có việc nào là nhỏ nếu muốn tạo dựng nền bóng đá chuyên nghiệp.

Bình luận

que ngoc hai anh 1

Khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lên tiếng cảnh báo các đơn vị, cá nhân liên quan về chuyện vi phạm bản quyền hình ảnh của đội tuyển Việt Nam, nhân việc thủ quân Quế Ngọc Hải đăng video quảng cáo trên trang cá nhân, đã có nhiều ý kiến bàn luận xoay quanh.

Nhưng tựu chung lại, vẫn rất ít ý kiến đi thẳng vào câu chuyện “chuyên nghiệp ngoài sân cỏ” của nền bóng đá đang hơi tự hào thái quá, mà quên đi mất cái nền móng bằng bìa carton của mình.

Có bao nhiêu con người trong một tuyển thủ?

Nói đến chuyện quyền khai thác hình ảnh của cá nhân tuyển thủ, câu hỏi “Có bao nhiêu con người trong một tuyển thủ?” lẽ ra nên được đặt ra và được trả lời một cách kỹ lưỡng, ở ngay từ lúc ban đầu. Có trả lời được rốt ráo câu hỏi này, các bên mới có thể hài lòng làm việc với nhau mà không có kiện tụng, cảnh cáo, kỷ luật hay phàn nàn gì.

Gần đây, Quế Ngọc Hải tham gia quảng cáo sản phẩm gia dụng. Trong video ấy, Hải xuất hiện với vai trò cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, ngôi sao công chúng và người cha trong gia đình. Sự xuất hiện này là hình ảnh của “Quế Ngọc Hải cá nhân” đơn thuần. Nói cách khác, đó là “con người đơn riêng” trong Quế Ngọc Hải tổng thể.

Đó là con người thứ nhất trong tổng thể con người tuyển thủ. Con người đơn riêng ấy là thể nhân tự chịu mọi trách nhiệm cũng như được quyền trọn vẹn khai thác hình ảnh của mình. Và khi khai thác hình ảnh ở vai trò con người đơn riêng này, tuyển thủ không phải xin phép bất kỳ ai, bởi họ là con người tự chủ.

que ngoc hai anh 2

Câu chuyện của Quế Ngọc Hải gây tranh cãi trong vài ngày qua. Ảnh: Việt Linh.

Nhưng ở trong các cầu thủ, lại còn có con người khác. Ấy là “con người trong màu áo CLB” mà anh ta đang ràng buộc hợp đồng. Và thường trong các hợp đồng chuyên nghiệp, việc phân định rạch ròi quyền khai thác hình ảnh luôn được minh định cụ thể. Đơn giản, nó liên quan đến việc ăn chia, và đa số cầu thủ đều phải chịu trách nhiệm chia phần trăm (theo thỏa thuận) trên mỗi quảng cáo về cho CLB chủ quản của mình.

Điều quan trọng là ngay từ bước thương thảo hợp đồng, CLB và cầu thủ thống nhất với nhau mức ăn chia ra sao, phương thức làm việc như thế nào. Đặc biệt, nếu cầu thủ ấy xuất hiện trong quảng cáo mà nhãn hàng muốn anh ta khoác tấm áo CLB của mình, chắc chắn phải có sự thỏa thuận ba bên giữa cầu thủ, nhãn hàng và CLB.

Dễ hiểu, bản thân CLB cũng là thương hiệu, với công chúng riêng của nó, nếu không nói là có những CLB công chúng của họ còn đông hơn công chúng của cầu thủ ngôi sao.

Nhắc đến chuyện con người trong màu áo CLB này, chúng ta cần nhớ lại cách đây chừng vài tháng, CLB Hà Nội cũng ra thông báo về chuyện khai thác quảng cáo, truyền thông cầu thủ của mình trên tư cách cá nhân. Thông báo ấy của CLB Hà Nội là đúng, nhằm tránh phiền toái cho các nhãn hàng sau này.

Trong một buổi trò chuyện với vài phóng viên thể thao ở TPHCM, một cán bộ truyền thông của CLB Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện về thông báo kể trên. Và đã có một câu hỏi được đặt ra cho người cán bộ ấy đại ý là “Trước khi ra công văn, CLB đã ký phụ lục hợp đồng hoặc bổ sung hợp đồng về điều khoản khai thác hình ảnh cá nhân đối với cầu thủ hay chưa?”. Câu trả lời nhận được là sự im lặng mà ai cũng đoán được chắc chắn là chưa.

Khi Ronaldo còn ở Real Madrid, 50% thương quyền hình ảnh cá nhân của danh thủ này thuộc về CLB. Điều đó có nghĩa là khi người trung gian (intermediary) của Ronaldo nhận được hợp đồng quảng cáo dầu gội đầu nào đó chẳng hạn, tức khắc 50% số tiền thu được là của Real Madrid.

Đơn giản, sự nổi tiếng của cầu thủ cộng sinh với sự nổi tiếng và thành tích CLB chủ quản của anh ta. Trách nhiệm này rõ ràng cầu thủ phải thực hiện.

Tuy nhiên, cái khác ở Việt Nam là hợp đồng với cầu thủ rất nhập nhèm. Nó nhập nhèm giữa loại hợp đồng lao động thông thường với loại hợp đồng lao động đặc thù có những ràng buộc khác liên quan. Khi CLB chưa ký kết quy ước với cầu thủ về chuyện ăn chia doanh thu quảng cáo cá nhân, CLB khó có quyền cấm cản, đòi quyền lợi khi cầu thủ xuất hiện trong quảng cáo nào đó.

Ở trường hợp này, CLB chỉ có quyền lực thực sự nếu cầu thủ ấy xuất hiện trong quảng cáo ở tư cách “con người của CLB” mà thôi. Bởi khi đó, cầu thủ coi như vi phạm hình ảnh của chính CLB chủ quản của mình.

Con người thứ ba là “con người tuyển thủ quốc gia”. Ở vai trò này, việc khai thác, sử dụng hình ảnh liên quan đến sắc áo đội tuyển quốc gia (ĐTQG) là vô cùng nghiêm ngặt và luôn đòi hỏi sự cho phép của liên đoàn bóng đá chủ quản. Như trường hợp mới nhất của Quế Ngọc Hải, VFF lên tiếng là đúng và kịp thời.

Ở đây không chỉ là vấn đề quyền lợi về tài chính, mà nó còn là vấn đề chiến lược “bán hàng” của liên đoàn. Bán quyền khai thác hình ảnh cho đối tượng và mức giá thế nào là câu chuyện không đơn giản.

Trong mối quan hệ hợp đồng chuẩn chỉnh và chuyên nghiệp như mô hình châu Âu, người cầu thủ sẽ có 3 “kênh” để “bán” hình ảnh của mình. Kênh thứ nhất là qua người trung gian cá nhân của cầu thủ. Kênh thứ hai là qua bộ phận thương mại của CLB. Và kênh thứ ba là qua đội ngũ thương mại của liên đoàn chủ quản.

Nếu kênh thứ nhất nhận được lời đề nghị nào đó, nhất định ông ta phải làm việc với CLB hoặc liên đoàn khi hình ảnh cầu thủ trong quảng cáo là bao trùm và toàn diện. Còn trong trường hợp hình ảnh xuất hiện là con người đơn riêng, ông ta sẽ phải thông báo đến CLB chủ quản để hai bên có thể đối soát doanh thu với nhau thể hiện sự minh bạch đúng theo hợp đồng.

Nghe tới đây, chúng ta nhận thấy cầu thủ có vẻ có nhiều ràng buộc, hơi “lép vế” quá. Song, ở nền bóng đá chuyên nghiệp, khi đơn vị chủ quản (CLB hay liên đoàn) nhận hợp đồng quảng cáo tập thể, họ cũng phải có trách nhiệm rõ ràng về phân chia lợi ích tài chính cho cầu thủ.

Không thể mượn cái cớ “nhiệm vụ quốc gia” để bắt tuyển thủ đi đóng quảng cáo, mà cá nhân họ không nhận được đồng nào. Vì cơ bản, quyền con người là thiêng liêng và rõ ràng, một tuyển thủ tham gia quảng cáo tập thể cho liên đoàn cũng có nghĩa là anh là có quyền liên quan trong việc khai thác hình ảnh tập thể ấy.

Ở Việt Nam, trong các quảng cáo tập thể tuyển thủ mà VFF đã nhận, các cầu thủ có lợi ích tài chính nào chưa? Câu hỏi này cần được trả lời cụ thể bằng quy định minh bạch chung ngay từ đầu.

que ngoc hai anh 3

Nền bóng đá Việt Nam còn nhiều điểm thiếu chuyên nghiệp. Ảnh: Duy Anh.

Người trung gian là ai?

Trong việc khai thác hình ảnh cầu thủ hiện nay ở Việt Nam, vai trò người đại diện (đúng hơn là người trung gian) đang nổi lên rất mạnh. Thậm chí, có những người đại diện đã trở nên có tiếng tăm trong cộng đồng. Thực tế, về mặt pháp lý, câu chuyện người trung gian ở bóng đá Việt Nam còn nhập nhèm.

Trong thông báo về đăng ký đơn vị trung gian được đăng công khai trên website của VFF, mới chỉ có duy nhất cá nhân là ông Nguyễn Minh Châu mà thôi. Trên thực tế đời sống, số người đang làm “cò” cầu thủ lại rất đông.

Vụ lùm xùm giữa cò D.B.T và CLB Sài Gòn gần đây cùng nhiều vụ việc tương tự cho thấy lực lượng hoạt động như trung gian ở Việt Nam không hề nhỏ. Tuy nhiên, không ai (trừ ông Châu) chịu làm thủ tục vô cùng đơn giản mà FIFA đã quy định: đăng ký và đóng phí thường niên cho VFF.

Việc không đăng ký và đóng phí này chỉ thiệt cho chính bản thân người trung gian và cầu thủ. Khi không đầy đủ tư cách pháp lý, người trung gian không thể có quyền đứng ra đàm phán thay cho cầu thủ của mình. Nhưng cái tréo ngoe là chính các CLB lại đang dung túng cho việc ấy xảy ra. Giả sử, các CLB kiên quyết “không tiếp người không có đủ tư cách pháp lý”, thì sẽ không thể có tình trạng “loạn cò cò” như hôm nay.

Bản thân cầu thủ chỉ muốn dồn tâm sức cho sân bóng, và họ cần những người đứng ra thay mình đàm phán mọi thứ. Hơn nữa, trong bóng đá, nó còn tồn tại cái gọi là “tình cảm” cá nhân, nên nhiều khi một cầu thủ khó có thể đưa ra đề xuất mong muốn khi đối diện người quen và thân quá.

Vai trò người trung gian sẽ phát huy khi đó. Nhưng khổ nỗi, ở nền bóng đá mà đại diện CLB thoải mái đàm phán với cò, cái nhập nhằng nó cứ thế xuất hiện mỗi mùa giải.

Thử hỏi, như thế thì chuyên nghiệp ở chỗ nào?

Và cũng không ít trường hợp cầu thủ cũng bị vạ lây từ cò của mình, khi ngây thơ giao cả quyền phát ngôn cho họ trên mạng xã hội. Để rồi đã có những chuyện dở khóc, dở cười chỉ vì những lời chia sẻ nào đó trên trang cá nhân, cầu thủ bỗng dưng thành tâm điểm của bê bối. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu sự cố đó lại rơi vào thời điểm ĐTQG đang thi đấu, bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh cá nhân mà còn ảnh hưởng tới cả chất lượng chuyên môn của ĐTQG.

Ví dụ như trường hợp của siêu cò Raiola chẳng hạn. Ông ta đang nắm giữ Paul Pogba của Man United và muốn đưa anh ta sang Real Madrid ở mùa hè này. Việc trước tiên ông ta cần làm là phải có đầy đủ xác nhận tư cách hành nghề tại Tây Ban Nha. Sau đó, chuyện đàm phán, ký kết mới được coi là hợp lệ.

Có thể nói, thị trường “người trung gian” mới bùng nổ ở VIệt Nam đang rất nhiễu nhương khi chính VFF để quá lỏng lẻo vai trò chủ quản của mình. Và nếu như VFF trả lời rằng “chúng tôi không biết cò A, B, C nào đó đang làm cho cầu thủ X, Y, Z”, thì đấy là câu trả lời tắc trách vô cùng. Chỉ sợ, họ biết nhưng làm ngơ, miễn là việc của mình cứ chạy trước cái đã, việc còn lại nhỏ nhặt hết trước sau gì rồi cũng xong.

Chẳng có việc nào là nhỏ cả nếu muốn tạo dựng nền bóng đá chuyên nghiệp. Nên nhớ, chuyên nghiệp phải đi từ những thứ chi tiết nhất cái đã. Không chi tiết, đến lúc mang nhau ra tòa kiện tụng, thì việc ấy rõ ràng là lớn rồi.

que ngoc hai anh 4

Quyền lợi của các cầu thủ tại Việt Nam cần được đảm bảo. Ảnh: Quang Thịnh.

Mục tiêu chuyên nghiệp

Chúng ta chưa chuyên nghiệp đâu, dù V. League đã gắn cái “danh thiếp” này nhiều năm rồi. Và chúng ta chưa chuyên nghiệp, bởi chúng ta thiếu con người có năng lực làm bóng đá chuyên nghiệp hoặc chấp nhận dấn thân làm bóng đá theo cách chuyên nghiệp.

Chúng ta có thể khen ngợi bầu nào đó có tâm, có tầm với bóng đá, chê bai bầu này bầu kia manh mún, chém gió, nhưng tất cả CLB đều như nhau hết, trước nhất ở cái khâu hợp đồng với cầu thủ. Những bản hợp đồng thiếu chặt chẽ, không nêu bật được đặc thù riêng của công việc so với các công việc phổ thông khác trong xã hội không thể nào tồn tại trong thế giới bóng đá.

Cần có những hợp đồng mà quyền lợi CLB và cầu thủ đều được đảm bảo như nhau. Đơn cử như chấn thương của cầu thủ. Không thể có cái chuyện CLB chi tiền ra điều trị có nghĩa là CLB đang ban ơn cho cầu thủ được. Nó là nghĩa vụ chứ không phải sự ban ơn.

Thực tế, nhiều cầu thủ toàn phải tự bỏ tiền túi ra chữa chấn thương cho mình chỉ vì họ không phải ngôi sao. Thiệt thòi ấy cũng đủ để khiến nhiều gia đình ngần ngại khi thấy con mình muốn theo nghiệp quần đùi áo số.

Còn liên đoàn khỏi nói nữa, bởi nói bao năm rồi cũng chẳng thay đổi gì. Chỉ có mỗi cái quy định về quyền khai thác hình ảnh mà cũng không cụ thể, để đến mức khi có chuyện mới bắt đầu lục tục giải quyết. Đợi nước đến chân mới nhảy như vậy, chuyên nghiệp nỗi gì?

Vẫn biết lạm bàn là dễ, làm mới khó, nhưng không bàn thì biết bao giờ mới làm. Mà thời đại không đợi ai bao giờ. Chỉ sợ đến lúc cơn sốt ĐTQG hạ nhiệt (vì không có thành tích) dẫn đến các nhãn hàng cũng chuyển hướng quan tâm, lúc ấy người ta lại quên luôn, không bàn và không làm nữa. Rồi vài năm sau nó sốt trở lại, bài cũ lại mở ra bàn với nhau từ đầu.

HLV Park chứng kiến Phan Văn Đức ngoặt bóng loại Quế Ngọc Hải HLV Park Hang-seo trực tiếp theo dõi màn trình diễn của các học trò tuyển quốc gia Việt Nam trong trận chủ nhà SLNA thua 1-2 trước CLB Viettel tại vòng 10 V.League chiều 18/7.

Quế Ngọc Hải gỡ video vi phạm bản quyền hình ảnh tuyển Việt Nam

Chiều 3/9, Quế Ngọc Hải và đối tác quảng cáo đã gỡ video vi phạm bản quyền hình ảnh tuyển Việt Nam.

Quế Ngọc Hải vi phạm bản quyền hình ảnh tuyển Việt Nam

Quế Ngọc Hải chưa xin phép về việc sử dụng hình ảnh của đội tuyển Việt Nam khi tham gia quảng cáo.

Hà Quang Minh

Bạn có thể quan tâm