Quang Hải là gương mặt điển hình và thành công nhất của lò đào tạo trẻ Hà Nội - một sản phẩm được đầu tư bởi bầu Hiển. Ảnh: AFC. |
SEA Games 2013, U23 Việt Nam tới Myanmar với gần 100% đội hình tới từ các lò đào tạo trẻ hoạt động bằng kinh phí nhà nước. SLNA - biểu tượng của cách đào tạo cũ, là đội bóng sở hữu nhiều tuyển thủ nhất với 5 cái tên. Đội trưởng U23 Việt Nam năm ấy là Nguyễn Văn Quyết - vốn trưởng thành từ lò đào tạo Thể Công.
Nhờ các ông bầu, đào tạo trẻ ở Việt Nam đã lột xác
Nửa thập kỷ sau, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi.
U23 Việt Nam làm chấn động châu Á với gần 80% đội hình tới từ các lò đào tạo có nguồn vốn tư nhân. Cầu thủ duy nhất đến từ hệ thống đào tạo cũ được đá chính là thủ môn Bùi Tiến Dũng. SLNA chỉ đóng góp 2 cái tên là Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh. Đội trưởng của U23 Việt Nam là Xuân Trường, trong khi ngôi sao lớn nhất là Quang Hải. Người đầu tiên là quân bầu Đức, người thứ hai là lính bầu Hiển.
Sự khác biệt ấy là bằng chứng cho thấy đào tạo trẻ ở Việt Nam đã thay đổi chóng mặt như thế nào trong vài năm trở lại đây. Nhờ nguồn tiền của các ông bầu, những lò đào tạo trẻ mới đã liên tục ra đời. HAGL, Viettel, PVF và Hà Nội đều được xây dựng ở nửa sau thập niên trước. Sau một thập kỷ phát triển, những trung tâm mới này đã thay thế dần SLNA, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đồng Tháp.
Bùi Tiến Dũng (số 1), Phan Văn Đức (số 14) và Phạm Xuân Mạnh (hàng trên, ngoài cùng bên phải) là những cái tên hiếm hoi tới từ các hệ thống đào tạo cũ. Ảnh: AFC. |
Người của bầu Đức, bầu Hiển đứng chật các đội tuyển trẻ và tuyển quốc gia. Trong xu thế xã hội hóa ngày càng mạnh mẽ của thể thao Việt Nam, bóng đá đã làm ngọn cờ đầu.
Dòng tiền mạnh mẽ của các ông bầu không chỉ làm thay đổi cán cân quyền lực trong hoạt động đào tạo trẻ. Nó còn dẫn tới hàng loạt thay đổi khác, đồng thời mở đường cho những thành công tột bậc ở đấu trường châu lục và thế giới.
Từ cục bộ địa phương tới toàn quốc
Nhờ nguồn tiền lớn từ các ông bầu, những lò đào tạo mới không còn phải bó hẹp trong phạm vi địa phương. HAGL, PVF hay Viettel đã không ngừng bành trướng sức mạnh. Họ tổ chức tuyển quân trên phạm vi cả nước, theo dõi cầu thủ trẻ từ chính lò đào tạo đối thủ và không ngại “bốc” các tài năng nhí nhờ những khoản tiền kếch xù.
HAGL từng bỏ ra 200 triệu để “mua” đứt 4 tài năng nhí của Hải Dương, PVF tuyển được Bùi Tiến Dụng từ Thanh Hóa, Viettel có hợp đồng tài trợ cho lò Hải Dương, trong khi bầu Hiển đã mở một cơ sở chân rết tại Cửa Lò (Nghệ An).
Trước khi về HAGL, Văn Toàn (phải) là sản phẩm của lò đào tạo trẻ Hải Dương vô địch U11 quốc gia 2007. Ảnh: Việt Hùng. |
Cách làm quyết liệt của những quyền lực mới dẫn tới sự sụp đổ của các hệ thống đào tạo cũ. SLNA, Đà Nẵng, Khánh Hòa lần lượt thất thế trong cuộc chiến ở sân chơi trẻ. Họ mất người, mất thành tích tại các giải trẻ và không còn cạnh tranh nổi với đối thủ ở V.League.
Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Thanh của SLNA thừa nhận: “Quá trình tuyển quân toàn quốc là rất quan trọng với các lò đào tạo này. Họ cũng có chế độ riêng cho những tuyển trạch viên có thể phát hiện các tài năng nhí trên toàn quốc. Chế độ cầu thủ trẻ của họ cao gấp 3, 4 lần SLNA. Những cách làm đột phá ấy phải có nguồn tiền khổng lồ. SLNA không thể theo nổi”.
Thay sân đất bằng sân trong nhà, thay kinh nghiệm bằng giáo trình châu Âu
Không chỉ tuyển quân tốt hơn, những hệ thống đào tạo mới còn có cơ sở vật chất tốt hơn, cách làm hiện đại hơn.
HLV Nguyễn Hải Biên của Viettel kể lại: “Ngày xưa, mình huấn luyện cầu thủ trẻ đều chỉ dùng kinh nghiệm. Nhưng từ khi có giáo trình chuẩn và các lớp huấn luyện viên của VFF, anh em có nhiều thay đổi trong cách nghĩ. Những sự thay đổi này rất thuận lợi cho việc huấn luyện. Người thầy được nâng cao trình độ, học trò cũng vì thế mà giỏi lên. Cùng một buổi tập, bài tập của HLV nước ngoài bao giờ cũng hiệu quả hơn người Việt”.
Thay vì sử dụng kinh nghiệm thuần túy, các lò đào tạo mới đã nhập khẩu công nghệ huấn luyện từ nước ngoài. HAGL sử dụng giáo trình của Học viện JMG toàn cầu, còn PVF bê nguyên mô hình Manchester United. HLV Hoàng Anh Tuấn từng kể chuyện HLV Jason Brown nhiều lần phải chỉnh lại động tác cho trợ lý U20 Việt Nam Võ Văn Hạnh - chủ nhân Quả bóng Vàng 2001.
Ngày xưa thiếu một cốc sữa, bây giờ ăn 3 triệu/ngày
Nhiều năm trước, những người làm bóng đá trẻ Nghệ An từng ước có thêm một cốc sữa mỗi ngày cho các cầu thủ. Ngày nay, điều ước ấy không còn là chuyện xa vời. Trước thềm Giải U19 châu Á 2014, lứa Công Phượng, Xuân Trường từng ăn theo định mức 3 triệu đồng/ngày.
Các lò đào tạo trẻ bắt đầu có nhiều nguồn tài trợ. Riêng HAGL có 2 nhà tài trợ sữa trong 3 năm. Nghèo như SLNA cũng duy trì được chế độ ăn 90.000 đồng/ngày cho các cầu thủ.
Bác sỹ Hoàng Nghĩa Dương nhớ lại: “Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn giơ lọ thuốc lên đọc từng thành phần. Họ được dạy cẩn thận về các chất cấm, về thứ gì có lợi, có hại. Họ ăn gì cũng cẩn trọng, không để mình bị dính doping. Những điều này, các thế hệ trước của bóng đá Việt Nam chưa từng có được”.
Dinh dưỡng chỉ là một phần nhỏ trong sự đầu tư dành cho bóng đá trẻ hiện nay.
Cơ sở vật chất hiện đại của lò đào tạo trẻ PVF đặt tại Hưng Yên. Ảnh: PVF. |
Trước kia, ở những lò đào tạo cũ như Thanh Hóa, SLNA, cầu thủ trẻ phải tập chung sân với đội một hoặc các sân phụ, sân đất. Ngày nay, cầu thủ trẻ ở Viettel, HAGL hay PVF đều có Trung tâm tập huấn riêng với hệ thống sân bóng, bể bơi, phòng tập giả lập hiện đại. Trung tâm đào tạo trẻ của PVF mới khai trương ở Hải Dương có trị giá khoảng 30 triệu USD - bằng kinh phí nhà tài trợ chính chi cho V.League trong 15 năm.
Xưa mơ Đông Nam Á, nay chinh phục châu Á
Bóng đá trẻ được đầu tư tốt, thành tích của các đội tuyển lập tức tiến bộ vượt bậc.
Năm 2016, U16 Việt Nam của HLV Đinh Thế Nam lần đầu tiên trở lại giải châu Á sau 6 năm vắng mặt. Đội tuyển vào tới tứ kết và chỉ chịu thúc thủ trước Á quân Iran. Cũng trong năm đó, U19 Việt Nam lần đầu tiên vào tới bán kết châu Á và giành vé dự U20 World Cup 2017.
Thành công của U23 Việt Nam được xem là chiến tích vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Ảnh: AFC. |
Đỉnh cao của bóng đá trẻ Việt Nam đến cách đây chưa lâu khi Quang Hải, Xuân Trường đưa tuyển U23 tới trận chung kết giải châu Á. Chiến công của U23 Việt Nam khi ấy in đậm dấu ấn của các lò đào tạo trẻ mới.
Những chiến công ấy chưa phải là điểm dừng khi trong năm tới, 6 đội tuyển Việt Nam sẽ dự các giải đấu châu lục. Bất chấp những chỉ trích, các ông bầu đã thực sự mang tới sức sống mới cho bóng đá trẻ.
Từ Văn Quyết tới Quang Hải, Xuân Trường, đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam rõ ràng đã thay đổi rất nhiều.