Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ truyện ngắn 'Phẩm tiết' nghĩ về Nguyễn Huy Thiệp

Năm 1988, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp gây nhiều tranh luận. Thời điểm ấy, GS Phong Lê đã có bài viết luận bàn về tác phẩm.

Nguyễn Huy Thiệp đang là sự kiện văn học rất được quan tâm; và truyện ngắn gần đây nhất của anh - Phẩm tiết (báo Văn nghệ số 29-30;16/7/1988) đang gây tranh luận. Tôi cũng không là người ngoài cuộc.

Nhiều ý kiến băn khoăn về các nhân vật lịch sử: Quang Trung, Gia Long… qua cách dựng của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi lại băn khoăn về các nhân vật “hư cấu”. Câu chuyện diễn ra giữa chúng tôi như sau:

- Vậy chứ tên nhà giàu Ngô Khải 58 tuổi là ai?

Bạn tôi, một nhà nghiên cứu văn học lâu năm trả lời:

- Đâu có nhân vật ấy trong sử ta!

- Hay là tên [...] gọi chệch? [...]

- Còn Thi, Trương Viết Thi? Hoặc gì.. Thi?

- Chịu!... Tôi hỏi tiếp:

- Còn Ngô Thị Vinh Hoa? Bạn tôi cười, thay cho sự không trả lời; nói đúng hơn hẳn không biết trả lời thế nào.

Những phân vân như vậy quả quá ư thật thà. Tôi không sợ bị chê là dốt - dốt sử, dốt lý luận mà nói ra như vậy vì nghĩ rằng đây là ba nhân vật chính của Phẩm tiết, ba nhân vật chính của một truyện đậm đặc chất liệu lịch sử; còn nếu họ chỉ là nhân vật phụ, nhân vật thoáng qua của truyện thôi, thì khỏi phải bàn.

Hỏi để nhằm ghép thế nào cho tiện, hiểu thế nào cho thuận về mối quan hệ giữa họ với các nhân vật lịch sử đã được nêu trong truyện, gồm từ Quang Trung, Gia Long đến cả một lô quần thần, đều là các nhân vật có được ghi vào chính sử; còn việc hư và cấu của nhà văn thế nào là tùy, chứ không hề có ý đồ áp đặt.

Truyen ngan Pham tiet anh 1

Sách Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Quỳnh Trang.

Xác định cho các nhân vật lịch sử một số phận, một tính cách; bổ sung cho tính cách đó nổi lên, nhằm vào một chủ đề gì đó, chẳng hạn để bình thường hóa quan hệ giữa ta và họ, thậm chí có thể để hạ thần tượng họ; để cho đám quần chúng trong lịch sử và chúng ta hôm nay có thể xáp gần họ mà không còn kiêng dè, sợ sệt.

Chẳng hạn để thấy ở mọi người, cho dẫu là vua chúa cao sang, mải mê săn đuổi một sự nghiệp lớn hoặc nhỏ gì đó, cũng là người với mọi thú vui, mọi đam mê, mọi khuyết tật… Chẳng hạn, để gợi một bi kịch nhân gian, phổ quát, không trừ ai, không ai có thể thâu tóm, tranh đoạt tất cả về mình.

Đến tột đỉnh của vinh quang hoặc bạo lực vẫn cứ còn những ham muốn không sao giành được. Hoặc chẳng hạn, để nói một ẩn ý gì sâu xa như quan hệ giữa cường quyền và cái đẹp, giữa chính trị và văn nghệ…

Tất cả đó đều là những ý, giả thiết chúng ta suy ra cho thật rộng, cho hết cỡ để mà bàn (có khi cũng là một kiểu “méo mó nghề nghiệp”), chứ chưa hẳn đã nằm trong ý đồ tác giả. Tất cả đó đều là quyền của nhà văn, thậm chí là đóng góp mới của họ...

Nhưng, nếu với tất cả chất liệu, từ quá khứ xa xưa đến hôm nay, nhà văn có quyền và cần làm như vậy, ở tư cách nhà văn, chứ không phải nhà sử, hoặc người minh họa sử, thì với chuyện mượn chất liệu sử (chứ không phải dã sử). Hơn nữa, mượn chính ngay những nhân vật có hành trạng, có địa chỉ rõ ràng - cái mà hôm nay ta quen gọi là “người thật - việc thật”, lại có những quy định, những giới hạn mà người viết không thể và không nên tùy tiện phá rào.

Tôi trở lại ba nhân vật chính của Phẩm tiết. Bên những Huệ, Ánh, Dũng, Diệu, Nhậm, Đông, Kỷ, Thành… đều là nhân vật có thật, ba nhân vật này cũng có đủ cả họ tên, với lý lịch được ghi rất kỹ. Người thì đúng 58 tuổi, cháu mấy đời của Ngô Thị Ngọc Dao - mẹ Lê Thánh Tông. Người thì lai Việt, sinh ở Ai Lao. Người xuất thân buôn bò…

Nói cách khác đó không phải là những cái tên đại diện cho đám quần chúng bình thường, của những người “vô danh làm nên lịch sử”, đóng vai trò làm nền, ở tư cách một khối đông, trong các truyện lịch sử quen thuộc.

Thậm chí, ba nhân vật này lại có số phận gắn rất chặt với Quang Trung, Gia Long - một người thì là vợ yêu - chung cho cả hai (theo cách gọi bây giờ, để tránh dùng các chữ khác khá rắc rối đối với các vị vua chúa ngày xưa), một là bố vợ, và một là kẻ cướp vợ…

Chính vì mối quan hệ sâu đậm ấy mà người đọc đâm ra nghi ngại, phân vân vì Phẩm tiết, thậm chí có người còn nổi nóng lên, “hết chịu nổi”, vì qua các quan hệ đó mà tính cách và số phận của những Quang Trung, Gia Long được nổi lên trong những trạng thái lạ.

Có sự thực là lịch sử của ta phần lớn dựa vào dã sử. Ngay lịch sử chỉ mấy trăm năm gần đây, thậm chí mới đầu thế kỷ này,phần tư liệu cũng ít khi được lưu giữ, bảo vệ, nên thường mất mát, tam sao thất bản. Nhưng những gì đã được ghi - vào sử, hoặc văn - thì lại được lưu giữ rất lâu bền trong ký ức của nhân dân, và quyết định thái độ yêu - ghét của nhân dân.

Lịch sử quá thoáng mỏng nên gây khó khăn cho nhà văn, nhưng trong mặt nghịch của nó, cũng lại tạo thuận lợi cho họ - đất càng hoang người viết càng rộng đường cấy trồng.

Nhưng là đất lịch sử, do vậy mà nó lại có ràng buộc: nhà văn không phải dựng lại cái đã xảy ra (như cố gắng của các nhà viết sử), mà là cái có thể xảy ra (rồi thì lịch sử có thể được viết lại, cũng chẳng sao!).

Cái có thể xảy ra này, ở tư cách nhà văn, và dẫu là nhà văn, cũng phải sao cho có sức thuyết phục người đọc, sao cho người đọc có thể tin được.

GS Phong Lê / NXB Trẻ

SÁCH HAY