Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Từ sức mạnh khối phi tập trung đến giấc mơ mở tương lai Web3

Những “thương hiệu sáng tạo” Việt trên trường quốc tế đang nở rộ với tốc độ nhanh hơn, nâng tầm Việt Nam lên vị thế mới đáng tự hào.

Trong hành trình phát triển từ Web1 sơ khai đến Web3 cùng với thế giới, chưa nhiều công ty công nghệ Việt Nam hiện thực hóa được giấc mơ mang giá trị tỷ USD. Tuy nhiên, những “thương hiệu sáng tạo” Việt trên trường quốc tế đang nở rộ với tốc độ nhanh hơn, nâng tầm Việt Nam lên vị thế mới đáng tự hào.

Ngành gia công phần mềm Việt Nam đã mất hơn 20 năm để tạo dấu ấn trên bản đồ thế giới từ thế hệ Internet đầu tiên Web1 (1989-2005). Sau đó, các kỳ lân công nghệ danh giá lần lượt mất hơn 10-15 năm để gia nhập vào hàng ngũ tỷ USD, bước ra thế giới trong sự bùng nổ tương tác của Web2 (từ 2005 đến nay).

Đến thế hệ Internet thông minh hơn với công nghệ mới như AI, blockchain đang được hình thành Web3, khoảng cách đó dường như rút ngắn lại khi chỉ mất 3 năm để nhóm sáng lập 9X viết nên hành trình định giá 3 tỷ USD của Sky Mavis. “Hiện tượng thế giới” Axie Infinity được đánh giá là game Web3 thành công nhất mọi thời đại. Có thể nói, giá trị sáng tạo của ngành công nghiệp game Web3 nói riêng và ngành game nói chung, cao gấp hàng nghìn lần so với giá trị gia công trước đó.

Kỳ lân blockchain Việt Nam từng ghi dấu ấn mạnh mẽ với thế giới bằng việc gọi được số vốn lên tới 152 triệu USD trong vòng gọi vốn series B năm 2021. Mới đây, vào tháng 4, Sky Mavis được tạp chí Fortune liệt kê vào danh sách 40 công ty tốt nhất trong lĩnh vực tiền điện tử.

Không chỉ có Sky Mavis, nhiều công ty công nghệ tiềm năng khác đã và đang khẳng định được tên tuổi ở quốc tế. Từ sự tiên phong và cảm hứng thành công của Axie, hàng loạt tựa game Việt ra đời và được đánh giá cao, đưa Việt Nam trở thành cường quốc game ứng dụng blockchain. Công nghệ đã chắp cánh cho một thế hệ người trẻ “xuất khẩu” giá trị sáng tạo, với sức mạnh “phi tập trung” của những khối sáng lập.

Sky Mavis anh 1

Anh Nguyễn Thành Trung - CEO Sky Mavis - người từng góp mặt trong danh sách 10 người có ảnh hưởng nhất thế giới lĩnh vực tài sản số do trang tin CoinDesk công bố năm 2022 được coi là một thỏi nam châm đặc biệt. Anh tập hợp một nhóm tài năng quốc tế và Việt Nam với mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ cùng một hoài bão: Khởi tạo một vũ trụ số, hướng mọi người tiếp cận công nghệ, kiến thức tài chính một cách đơn giản hơn.

Từng là cậu bé “nghiện game”, ít ai ngờ chính game đã giúp chàng kỹ sư trẻ gặp được 2 nhà sáng lập quốc tế là Jeffrey Zirlin (Jihoz) và Aleksander Leonard Larsen (Alek). Họ cùng tầm nhìn “liều lĩnh” khi chọn thị trường quốc tế là nơi bắt đầu giấc mơ.

Jihoz - anh chàng sôi nổi đầy nhiệt huyết đến từ Mỹ, từng đảm đương tuyển dụng cho các quỹ đầu cơ lớn như Bridgewater Associates và D.E. Shaw ở New York. Anh từng tham gia khâu nhân sự cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump năm 2018. Còn Aleksander (Na Uy) đã tạm biệt bạn gái và từ bỏ sự nghiệp ổn định, đến Việt Nam tạo dựng một “vũ trụ trò chơi thú cưng”.

“Một người Việt thuyết phục được một người Mỹ và một người Na Uy từ bỏ mọi thứ đến Việt Nam làm việc, thực sự phải có điều gì đó đặc biệt,” Jeffrey Zirlin (Jihoz) - Giám đốc tăng trưởng Sky Mavis - chia sẻ và khẳng định đây là quyết định không phải ai cũng dũng cảm để thực hiện.

Hành trình kết nối của 3 game thủ bắt đầu từ CryptoKitties - một trong những câu chuyện thành công đầu tiên của kỷ nguyên trò chơi Web3. Lúc đó, Thành Trung thực sự tò mò về mô hình kết hợp giữa thứ anh thích (game) và thứ anh không thích (blockchain). Khác với mô hình “pay-to-play” (trả tiền để chơi game) như truyền thống, các game như CryptoKitties tạo ra trào lưu “play-to-earn” (chơi game để kiếm tiền) khi nó biến việc sở hữu và giao dịch tài sản số trở thành một phần cốt lõi của nền kinh tế trong game.

Có tới ba “nhóm máu” khác nhau: Máu của game thủ, máu kỹ sư và máu doanh nhân chảy trong chàng trai 25 tuổi lúc mới bắt đầu Axie 5 năm trước. Anh bắt đầu tìm hiểu trò chơi này với một sự tò mò: “Liệu mình có thể tạo một game tốt hơn CryptoKittes hay không?Tưởng chừng đây là một câu hỏi đơn giản, nhưng đã làm sôi sục sự tò mò của Trung, từ đó trở thành khát vọng thay đổi bộ mặt của thế giới số. Đó cũng là lực hút lớn với những thành viên quốc tế đầu tiên của Sky Mavis là Jihoz và Alek.

Thành Trung là một thỏi nam châm thu hút tài năng, nhưng thực chất Jihoz cũng là mẫu người săn lùng tài năng. Khi tham gia Axie Discord với tư cách người chơi, anh lập tức nhận ra Trung là một "Quants" - ý chỉ những nhà giao dịch của Phố Wall với phong cách hoàn toàn khác các nhà đầu tư truyền thống. Theo Jihoz, đặc điểm nhận biết “Quants” là thường mặc quần jeans thay vì vest, và đưa ra quyết định dựa vào các chiến lược đầu tư từ ngôn ngữ lập trình hơn là dựa vào đánh giá hoặc ý kiến ​​của nhà quản lý.

Để được CEO Sky Mavis tin tưởng và trao trọng trách phát triển cộng đồng, Jihoz đã trải qua “bài kiểm tra” đầu tiên bằng buổi diễn thuyết về dự án Axie Infinity tại một sự kiện lớn về game NFT ở San Francisco, Mỹ. Không chỉ gây ấn tượng mạnh bởi lối truyền đạt lôi cuốn đầy cảm xúc, Jihoz còn tạo ra tinh thần đoàn kết mạnh mẽ giữa các thành viên trong cộng đồng ngay tại sự kiện. Đây cũng là điểm khởi đầu của niềm tin bền chặt giữa hai nhà sáng lập Sky Mavis.

Jihoz chia sẻ: “Nhìn ở một góc nào đó, Axie giống như một phong trào khởi nghĩa, nơi mọi người cảm thấy mình là những nhà cách mạng trong lĩnh vực game. Thời gian đầu, tuy chúng tôi không có quá nhiều lợi thế về nhân lực, nhưng Thành Trung đã truyền cảm hứng về sự tự tin tới mọi người trong công ty và cộng đồng, để làm tốt hơn những gì hiện hữu”.

Trong khi đó, thành viên sáng lập nước ngoài còn lại của công ty - Alek (Giám đốc vận hành Sky Mavis) - cũng tự nhận bản thân là người “chơi game dài hạn và chơi với những người có tầm nhìn dài hạn”. Hồi tưởng lại lần đầu đến Việt Nam vào đầu 2018 hội ngộ cộng sự, nhìn thấy Nguyễn Thành Trung tập trung cao độ, dùng máy tính xách tay gõ từng dòng code trên chiếc giường ngủ trong khách sạn, Alek cảm giác như anh đã bước vào phim trường của một bộ phim về một công ty khởi nghiệp với sứ mệnh thay đổi thế giới. Vào lúc đó, Alek quyết định đến Việt Nam để cùng xây dựng, thay vì vai trò cố vấn như dự tính ban đầu.

Mang phong cách của một người Châu Âu, Alek phát triển kinh doanh với những tiêu chuẩn cao về tính minh bạch. Đây cũng chính là những nét đặc trưng mà Alek cảm nhận ở CEO Sky Mavis. “Tôi tôn trọng sự chính trực của Trung và anh ấy luôn đặt ra những tiêu chuẩn cao đến mức gần như không thể. Khát vọng mãnh liệt của Trung thực sự gây ấn tượng mạnh với tôi. Đây cũng là giá trị mà bản thân tôi luôn khát khao,” Alek nhận xét.

Sky Mavis anh 2

Từ đó, Alek quyết định gắn bó với hoài bão của Sky Mavis nhằm khởi tạo và xây dựng những sản phẩm mới của Web3. Anh cũng tin rằng đây là tương lai của Internet - nơi mọi người có thể đồng sở hữu, đồng sáng tạo, tương tác mật thiết với thế giới thật, tương tự cách hoạt động của Metaverse.

Nếu Jihoz là người gần gũi với cộng đồng thì Alek là người phụ trách làm việc với đối tác kinh doanh và nhà đầu tư. Alek là người có đóng góp quan trọng trong việc đạt được những con số ấn tượng qua các vòng gọi vốn của Sky Mavis.

“Chảy máu chất xám” từng là cụm từ đáng suy ngẫm khi các trí thức Việt Nam chọn đến các quốc gia phát triển để sinh sống, làm việc. Riêng ở Mỹ, cộng đồng người Việt là nhóm di dân châu Á lớn thứ 4 sau Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines. Nhưng thực tế, với tốc độ phát triển và sự cởi mở học hỏi, đặc biệt chuyển dịch từ các ngành công nghệ mới, Việt Nam lại trở thành nơi “đất lành chim đậu”. Trong đó, yếu tố lực hút của các nhân tài Việt Nam đóng vai trò không nhỏ.

Nếu Trung là thỏi nam châm hút các nhà sáng lập người Mỹ và Na Uy, thì những “khối phi tập trung” này cũng là những thỏi nam châm thu hút nhiều nhân tài quốc tế đến Việt Nam và làm việc tại Sky Mavis. Hiện nay, các mảng phát triển kinh doanh, phát triển cộng đồng của Alek và Jihoz có các cộng sự đến từ khắp nơi trên thế giới Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Na Uy, châu Âu, Nam Mỹ, Indonesia, Philippines…

Quinn Campbell (Quinn) - Phó giám đốc tăng trưởng Sky Mavis - người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực game cũng là một tài năng đến từ Mỹ. Anh luôn hứng thú với việc phát triển game, tuy nhiên trước đó Quinn không ủng hộ việc các công ty phát hành nắm trong tay phần lớn lợi nhuận thu được từ người chơi.

“Hầu hết nhà phát hành game giữ 80% lợi nhuận và 20% thuộc về những người làm game. Tôi tin rằng ngoài kia vẫn sẽ có những người đang làm được những điều tốt hơn thế. Đúng thời điểm đó, tôi tìm ra Web3 và Axie Infinity. Trước khi tham gia Sky Mavis, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về Jihoz. Tôi ấn tượng vì anh là một người có tầm nhìn sâu rộng, góp phần định hình tiêu chuẩn cho game và Web3”, Quinn chia sẻ.

Thuật ngữ blockchain hay nền tảng Web3 vẫn còn xa lạ với nhiều người. Đội ngũ Sky Mavis hiểu rõ điều này và luôn cố gắng để đưa mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với số đông. “Tôi tin rằng cách nhanh nhất để hướng dẫn mọi người hiểu hơn về công nghệ là qua việc giải trí, cũng như việc nhiều người đã học tiếng Anh qua game”, Jihoz nhấn mạnh.

Hiện nay, đội ngũ Sky Mavis đã lớn mạnh với hơn 200 thành viên trên toàn cầu, nỗ lực phát triển sản phẩm, xây dựng cộng đồng và hệ thống mạng lưới phủ rộng ở nhiều nước. “Sky Mavis là một công ty quốc tế nhưng mang trái tim Việt Nam. Tôi tin vào giá trị của sự chăm chỉ và tài năng của con người Việt Nam”, Alek chia sẻ.

Trong thời kỳ đầu 2018-2019 khi mới chuyển đến Việt Nam khởi nghiệp, Jihoz và Alek sống trong một căn hộ nhỏ với Đoàn Minh Tú - Giám đốc nghệ thuật của Sky Mavis. Tú là thành viên sáng lập thứ 2 sau Trung, trước những người bạn quốc tế khoảng nửa năm.

Từng hợp tác cùng Trung với dự án khởi nghiệp Lozi trước đó, Đoàn Minh Tú là linh hồn thiết kế của Axie Infinity với nghệ danh “Masamune” - tên người thợ rèn kiếm huyền thoại cho các Samurai Nhật Bản. Văn hóa Nhật Bản ảnh hưởng mạnh mẽ tới cả hai khi họ say mê các bộ truyện tranh cũng như trò chơi châu Á như Magic: The Gathering, Yu-Gi -Oh!... Họ thích tới mức từng tự làm các trò chơi của riêng mình cho các bạn học cùng trường chơi thử. Đây cũng là tiền đề để cả hai nung nấu ước mơ tạo một tựa game “ra ngô ra khoai” sau này.

Từ ngày nhỏ, Trung và Tú đều xem game là một cửa sổ để bước vào thế giới sáng tạo. Họ may mắn vì có gia đình cởi mở chấp nhận sự nổi loạn trên hành trình cuộc đời, đi ngược với tâm lý cấm cản của nhiều gia đình khi con trẻ mê game. Có lẽ đó là một trong những lý tưởng để gieo hạt giống cứng cáp cho sự sáng tạo.

Trung sinh ra ở Hải Phòng với tài năng tin học thiên phú. Từ cấp 3, anh được nhiều trường phổ thông tuyển chọn. Chàng thanh niên trẻ chọn Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội theo học. “Nổi loạn một chút là cần thiết vì nó giúp bạn hiểu bản thân nhiều hơn” Trung nói. Còn Tú, chàng trai Hà Nội được bố cho lời khuyên theo học Đại học Kiến trúc Hà Nội. Anh tự nhận mình là người có cách nhìn nhận cuộc sống khá đơn giản, nhưng khi được rủ “khởi nghiệp" lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã sẵn sàng trải nghiệm và “dấn thân”.

Ngay từ ngày đầu, những “gã mộng mơ” đã nói chuyện với nhau về tầm nhìn lớn và xa: “Chúng ta sẽ tạo ra một trò chơi tương tự CryptoKitties, nhưng phải hay hơn”, Tú nhớ lại.

Để làm được điều mình yêu, đôi khi phải chấp nhận làm điều mình không thích. Điều này hoàn toàn phù hợp để miêu tả hoàn cảnh của Trung khi bắt đầu tìm hiểu về blockchain, khi lúc đó xã hội và thậm chí cả bản thân anh cũng có khá nhiều thành kiến với công nghệ này. Năm 2017, anh dấn thân vào ngành công nghệ phi tập trung, để rồi nhận ra rằng công nghệ blockchain quá khó tiếp cận, từ việc khởi tạo ví điện tử, sở hữu khóa riêng hay giao dịch tài sản số. Đến cả kỹ sư phần mềm như anh còn thấy lạ lẫm, chắc chắn số đông người dùng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn ngay từ bước làm quen với công nghệ này.

Trung nhận ra không có con đường nào hiệu quả hơn game để đơn giản hoá bài toán khó này. Bản thân Trung không coi game là công cụ để giải trí hay một thứ “vô bổ”, mà là phương pháp hữu hiệu giúp con người kết nối với công nghệ mới thuận lợi hơn. Anh nuôi dưỡng giấc mơ này như một cách để vượt qua giới hạn của bản thân.

“Game là con đường tiếp cận công nghệ dễ dàng và tự nhiên nhất”, Trung chia sẻ. “Công nghệ cũng như game, không có xấu hay tốt, mọi thứ tùy thuộc vào cách mình sử dụng, vận hành và áp vào bài toán nào mà thôi”, anh nói.

Sky Mavis anh 3

Với Trung, khả năng quan sát tỉ mỉ được mài giũa nhờ xuất phát điểm là một kỹ sư và kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nhiều năm. “Chúng tôi nhìn mọi thứ ở mức độ sâu hơn. Chúng tôi cố gắng hiểu mọi thứ diễn ra đằng sau câu chuyện, thay vì chỉ nhìn bề ngoài của một vấn đề”, Trung giải thích quá trình phân tích của anh.

Từ lâu, game là ngành công nghiệp không khói, tạo ra doanh thu hàng tỷ USD và là kênh truyền tải văn hóa hữu hiệu. Lịch sử cho thấy game và công nghệ đã luôn song hành cùng nhau trong mọi chặng đường phát triển của thời đại. Làn sóng đầu tiên khi máy tính du nhập Việt Nam, rất nhiều người đã dành thời gian giải trí để “đào vàng”. Sau đó mọi người cũng mạnh dạn giao lưu trực tuyến qua “Nông trại vui vẻ”, thúc đẩy phong trào mạng xã hội. Sự bùng nổ của điện thoại thông minh cùng sự ra đời của tựa game đình đám “Angry bird”, rồi săn “Pokemon” ngoài đời thực... đã chắp cánh cho VR/AR phát triển.

“Game của ngày hôm nay phải vừa hay, vừa đẹp thì mới làm nên chuyện”, CEO Sky Mavis chia sẻ. Hiểu được ý đồ của Trung, cùng với tinh thần của một “thợ rèn kiếm Samurai”, Tú liên tục đẩy tiêu chuẩn lên mức cao nhất trong quá trình sáng tạo vũ trụ Axie Infinity, mong muốn đưa tựa game này trở thành thương hiệu nhượng quyền như Pokémon GO của Nhật Bản, vừa gần gũi với mọi người về phần giao diện, vừa lôi cuốn trong lối chơi.

Nhóm hai người đã bắt tay khởi động dự án với hoài bão và tinh thần tự hào dân tộc, rằng một ngày nào đó, cả thế giới sẽ thấy Việt Nam cũng có thể tạo ra những trò chơi tuyệt vời nhất. Trung đảm nhiệm việc lập trình, viết luật chơi, còn Tú tư duy cốt truyện và đồ họa. Nguyên mẫu của thú cưng Axie ra đời sau những cuộc họp đầu tiên - là sự kết hợp giữa sở thích nuôi cá axolotl (một loài cá biết đi của Mexico) và nghệ thuật ẩm thực của Tú. Anh nói: “Tôi hy vọng mọi người yêu thích Axie không phải chỉ vì chơi để kiếm tiền, mà thực sự yêu thích lối chơi và phong cách đơn thuần của game”.

Suốt mấy tháng đầu, hai “kẻ mộng mơ dũng cảm” vẫn duy trì công việc ở công ty cũ, tranh thủ những buổi tối tại nhà riêng để cặm cụi làm game. Nhưng khi game thu hút được gần 1.000 người chơi và những khoản vốn đầu tiên được rót vào, họ biết mình phải tập trung hết sức. Ban đầu Tú thấy đây là một lựa chọn khá rủi ro, vì anh phải từ bỏ công việc và lúc đó cũng không có nhiều khoản tiết kiệm, nhưng anh đặt trọn niềm tin vào tài năng cũng như sự tự tin của Trung để theo đuổi ước mơ cả đời của mình. Cũng từ đó, Trung và Tú bắt đầu đưa Axie sang trang mới.

Từ thành công đầu tiên, đội ngũ nghệ thuật của Tú thu hút thêm nhiều nhân tài cùng theo đuổi độ “cầu toàn” như anh và Trung. Từ những bạn trẻ tài năng cho tới giám đốc sáng tạo của những bộ phim điện ảnh, đã tạo ra một vũ trụ Axie đa sắc, và những sản phẩm đầy tính sáng tạo của Sky Mavis. Một trong số đó là anh Trương Huyền Đức - người từng tham gia quá trình sản xuất của nhiều game đình đám như Bioshock, Starcraft hay series phim “bom tấn” của Marvel.

Người sáng lập tiếp theo được Alek miêu tả “thân thiện nhưng cầu toàn” là Hồ Sỹ Việt Anh - Giám đốc Công nghệ Sky Mavis. Nếu Trung từng đại diện Việt Nam tại Cuộc thi Lập trình Cao đẳng Quốc tế 2014 (ICPC) tại Yekaterinburg - Nga thì Việt Anh từng đạt nhiều giải thưởng Olympic quốc gia và tham gia ICPC 2015 ở Ma-rốc. Đây là một trong những cuộc thi lập trình lâu đời nhất, lớn nhất và uy tín nhất trên thế giới.

Trước khi đảm nhiệm vị trí giám đốc công nghệ cho công ty, Việt Anh sở hữu bảng thành tích đáng nể: Tốt nghiệp Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), làm việc cho những tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Paypal và Garena. Hai tài năng tin học là đồng nghiệp cũ của nhau. Trung là thỏi nam châm hút Việt Anh vì tầm nhìn, khiến anh quyết định bỏ qua nhiều đề nghị với mức lương cao gấp đôi từ các công ty công nghệ lớn.

“Về đây thì cậu mới thực sự có cơ hội làm chủ. Trong thế giới Web3, mọi thứ đều mới và đây là cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài”, Việt Anh nhớ lại lời đề nghị của Trung. Cơ hội đó còn đến “đúng thời điểm” với Việt Anh. “Đây là cơ hội cuối cùng để làm việc gì đó lớn lao và tự hào trước tuổi 30”, giám đốc công nghệ của Sky Mavis chia sẻ.

Sky Mavis anh 4

Khi bắt tay xây dựng Sky Mavis, Việt Anh với mọi người cùng chia sẻ mục tiêu chung là tạo ra một sản phẩm hoàn thiện nhất có thể. “Những tiêu chuẩn của Trung đề ra còn cao hơn tôi, gần như không thể đạt được. Vì vậy tôi ý thức được rằng cần phải điều chỉnh tiêu chuẩn của bản thân”, Việt Anh nói.

Trong suốt quá trình làm việc, Việt Anh luôn tôn trọng quyết định của Trung. Anh tin rằng một khi đã quyết định thì vị CEO luôn có những lập luận sắc bén và nền tảng lý thuyết vững chãi phía sau. “Chính tính cách đó của Trung làm cho 4 nhà sáng lập còn lại luôn nhìn về một hướng, kể cả những lúc gian khó nhất”.

“Thời gian đầu thật khó khăn. Tiền đã cạn, những người đồng sáng lập đã không nhận lương” Việt Anh trải lòng. Họ đã cùng nhau vượt qua cơn bão đầu tiên với một tinh thần gắn kết và kiên định. Sau đó, đầu năm 2019, tình hình tài chính của công ty dần được cải thiện hơn sau vòng gọi vốn hạt giống mang về 1,5 triệu USD được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư Animoca Brands.

Hay như lúc Sky Mavis bị hacker tấn công và lấy đi lượng tiền mã hoá tương đương với 600 triệu USD (khoảng 14.000 tỷ đồng) - sự kiện chấn động của ngành blockchain thế giới lúc bấy giờ. Lúc đó, các trụ cột của công ty cũng đối mặt rất bình tĩnh và bản lĩnh. “Mọi người đã làm việc xuyên đêm nhiều ngày để giải quyết sự cố và tìm phương án tăng cường tính bảo mật cao nhất trong dài hạn”, Việt Anh chia sẻ. Cả Thành Trung và Việt Anh cùng cho rằng bài học lớn nhất họ nhận được là quản trị rủi ro. Điều quan trọng là tìm ra được lỗ hổng, xử lý tốt nhất và minh bạch thông tin cùng nhà đầu tư, cộng đồng.

Sau hơn 5 năm, đội ngũ kỹ sư do Việt Anh trực tiếp lãnh đạo đã lên tới con số hơn 100 người. Trong đó, có những nhân sự đã gắn bó từ đầu và cả nhân sự từng làm ở những tập đoàn quốc tế. Để liên tục tạo động lực cho nhân sự, anh cho rằng cách tốt nhất là “trao quyền”, giúp mọi người chủ động hơn trong công việc, và tập trung nâng cao các sản phẩm do mình tạo ra.

“Ở đây chúng tôi đề cao sự cởi mở, tự do. Sự cởi mở là một trong những giá trị cốt lõi của Sky Mavis, các thành viên đều phối hợp và liên kết, cùng nhau đạt được mục tiêu chung. Còn sự tự do thể hiện ở việc trao quyền cho các team để cho các bạn tự do lựa chọn mục tiêu cũng như cách hoạt động của từng team. Các thành viên đều phát triển cùng công ty đều phải tìm câu trả lời những bài toán mình chưa từng bao giờ giải”, CTO của Sky Mavis chia sẻ.

Sky Mavis tạo nên dấu ấn trên bản đồ công nghệ thế giới trong vị thế “tỷ USD". Nhưng nếu chỉ tập trung vào con số, ít ai biết họ từng có khởi đầu chật vật và cũng trải qua nhiều cơn bão lớn. Từ việc cạn kiệt tài chính năm 2018, hacker chiếm dụng tài sản 600 triệu USD, tới việc thị trường trong “mùa đông” băng giá 2022-2023. Sau những vùng tối đó, họ có nhiều bài học quản trị rủi ro và có sự gắn kết bền chặt hơn của khối “phi tập trung” từ đội ngũ sáng lập đến toàn thể công ty.

“Tôi tin rằng những gì tốt đẹp nhất được tạo trong giai đoạn thách thức”, Alek nói. Hai trong những giá trị quan trọng của Sky Mavis là chăm chỉ và chính trực, điều đó được hiểu là làm những việc khó một cách bền bỉ. Có thể thấy rõ 5 nhà sáng lập có những nét tính cách khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung là ý chí, sự cầu toàn và lao động miệt mài.

Một trong những văn hoá khác tại Sky Mavis mà Việt Anh đã đề cập chính là “sự cởi mở”.“Chúng tôi tranh luận, chia sẻ thẳng thắn. Mọi người tôn trọng chuyên môn của nhau, cố gắng đưa ra giải pháp. Và bằng một cách tình cờ nào đó, chúng tôi đều có cùng một câu trả lời khi đưa ra quyết định”, Tú Đoàn chia sẻ.

Thời gian qua, Sky Mavis cũng tổ chức những hoạt động kết nối cộng đồng blockchain với chuỗi sự kiện “Power Tech Talk”, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ về việc xây dựng những sản phẩm blockchain đột phá. Trong khi đó, Sky Mavis Hackathon là nơi những bạn trẻ được thể hiện khả năng của mình với các sản phẩm thực tế, gieo mầm cho tài năng mới trong lĩnh vực tin học. Công ty cũng có chương trình “Mavis Seeds” dành riêng cho sinh viên hoặc người chưa có nhiều kinh nghiệm để nhận sự hướng dẫn từ đội ngũ kỹ sư của công ty.

Các thành viên của Sky Mavis “phi tập trung” được gắn kết bằng một hoài bão và ý chí từ những thành viên đa quốc gia nhưng không biên giới. Họ cùng niềm tin hướng đến một sứ mệnh, nơi mọi người cùng sở hữu, sáng tạo và kết nối. Đây không chỉ là niềm tự hào của một kỳ lân Việt Nam, mà còn là nét đẹp của những con người dám biến giấc mơ thành hiện thực.

Sky Mavis anh 5

Đến nay, hỗ trợ cho trò chơi Axie Infinity là các sản phẩm ứng dụng công nghệ blockchain do chính Sky Mavis phát triển. Đó là sidechain Ronin, ví điện tử Wallet có hơn 3 triệu lượt tải về trên cửa hàng ứng dụng, App.Axie là marketplace với khối lượng giao dịch trên 4 tỷ USD, Mavis Hub là bệ phóng cho các trò chơi blockchain khác,...

Đặc biệt, vào cuối tháng 3 năm nay, Sky Mavis đã công bố mô hình delegated proof-of-stake (DPoS) cho Ronin cùng kết hợp với năm studio game hàng đầu trên cộng đồng game quốc tế là: Directive Games, Tribes, Bali Games, Bowled.io và SkyVu. Mô hình mở ra hệ sinh thái blockchain thống nhất không chỉ dành riêng cho sản phẩm game do công ty xây dựng, mà còn là bệ phóng cho các game studio và những người sáng tạo xây dựng các trò chơi trên Ronin.

“Chúng tôi đã trao đổi với hơn 250 game studio và chọn lọc những cộng sự thực sự phù hợp với chiến lược của công ty, để cùng xây dựng hệ sinh thái bền vững. Với việc nâng cấp lên DPoS, chúng tôi đã sẵn sàng mở cơ sở hạ tầng và công nghệ của mình cho thế giới Web3 rộng lớn hơn. Chúng tôi tin rằng đây là con đường hướng tới việc tạo ra trò chơi lấy cộng đồng làm trung tâm”, giám đốc điều hành Sky Mavis chia sẻ.

Báo cáo Digital 2022: Global Overview Report dự đoán thị trường game thế giới đạt 211,2 tỷ USD vào năm 2023. Còn theo phân tích của Deloitte, lợi ích tiềm năng Metaverse và các sản phẩm Web3 có thể mang lại cho nền kinh tế Việt Nam rơi vào khoảng 9-17 tỷ USD mỗi năm, tương đương 1,3-2,4% tổng GDP. Đây là thời cơ cho những “giấc mơ lớn” mang giá trị tỷ USD của các công ty công nghệ Việt Nam có thể xuất hiện nhiều hơn trong thế giới mới.

Sky Mavis anh 6

Tú Nghiên

Bạn có thể quan tâm