Ngay khi được bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM, một trong những tuyên bố đầu tiên của ông Phan Văn Mãi là lên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, tính chuyện đường dài cho TP.HCM.
"Tùy theo tình hình dịch, thành phố sẽ mở cửa lại nền kinh tế, các hoạt động sản xuất, dịch vụ dựa trên nguyên tắc an toàn, không ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch", ông Phan Văn Mãi nói trong buổi họp báo ngày 24/8.
8 ngày sau, ông chính thức ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế với tầm nhìn đến năm 2022.
Trong khi đó, dù TP.HCM đã dành hơn 3 tuần để chuẩn bị kế hoạch sau 15/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhiều lần khẳng định tâm thế "không nóng vội", mở cửa từng bước, mở đâu chắc đó, quản lý tình hình.
Quận 7 và Củ Chi, hai địa phương đầu tiên công bố kiểm soát được dịch, được thành phố giao sứ mệnh tiên phong để thí điểm "bình thường mới" sau 15/9. Hai mũi đột phá này sẽ là tiền đề cho một tiến trình mở cửa "chậm mà chắc" của TP.HCM.
Luận điểm chính:
- TP.HCM vừa củng cố hệ thống y tế và bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế
- Thí điểm bình thường mới tại quận 7 và huyện Củ Chi
- Sử dụng công nghệ để quản lý người dân trong bình thường mới
Chậm mà chắc, không phiêu lưu
Xác định tư tưởng sống chung với dịch như "sống chung với lũ", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thẳng thắn nhìn nhận hai vấn đề: Không thể giãn cách nghiêm ngặt mãi và không thể quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng.
Sống trong điều kiện "bình thường mới" đòi hỏi người dân TP.HCM tâm thế mới với thói quen sống chậm, luôn đảm bảo 7K (Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh), tập phong cách sống trong môi trường có dịch. Nếu không may nhiễm SARS-CoV-2 cần biết tự phát hiện, tự cách ly, tự điều trị (3T) với sự hỗ trợ của hệ thống y tế.
Người đứng đầu Thành ủy chỉ ra rằng nếu chỉ lo chống dịch mà không sản xuất thì sẽ "chết vì cái khác trước khi chết vì dịch". Ông lưu ý nền kinh tế của TP.HCM trên 80% là dịch vụ. Vì đặc điểm này, TP.HCM chỉ cần "đóng cửa một chút" thì rất nhiều người dân sẽ rơi vào cảnh khó khăn, cần trợ cấp do sống phụ thuộc vào dịch vụ. Do đó, mục tiêu kép của TP.HCM thời gian tới là củng cố hệ thống y tế và bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế.
"Nới giãn từng bước chắc chắn chứ không được phiêu lưu bởi nếu không, chúng ta sẽ phải trả giá đắt vì đây là vấn đề sinh mệnh", Bí thư Nên nhấn mạnh yêu cầu.
Không thể quét sạch F0, thành phố tính chuyện sống chung với dịch để trở lại "bình thường mới". Ảnh: Chí Hùng. |
Với tinh thần nới lỏng từng bước và không nóng vội, dù quận 7 và huyện Củ Chi đã công bố kiểm soát dịch từ 2/9, tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đều thống nhất rằng hai địa phương này cần tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách như hiện nay đến hết 15/9.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định quận 7 nằm ở vị trí tương đối trung tâm, giáp ranh nhiều quận, huyện nguy cơ cao như Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè, quận 4. Đây là những "mối đe dọa" với vùng xanh như quận 7.
"Nếu có chuyển động khác, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi các địa phương xung quanh, dẫn đến ảnh hưởng chung toàn thành phố", Thứ trưởng Sơn lý giải quan điểm của mình.
Bên cạnh đó, thời gian từ nay đến 15/9 là để quận 7 và Củ Chi thực hiện nhiệm vụ TP.HCM giao phó. Đó là chuẩn bị phương án, kịch bản để tính toán mở cửa kinh tế, dịch vụ sau 15/9. Từ đây, thành phố sẽ rút kinh nghiệm để hoàn chỉnh một giải pháp chung cho toàn TP.HCM.
Song song với đó, TP.HCM cũng tổ chức 7 đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả từng địa phương theo tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 của Bộ Y tế, từ đó vẽ lại bản đồ Covid-19.
Quản lý dân thế nào trong bình thường mới?
Để thực hiện hóa mục tiêu này, thành phố đang nghiên cứu việc quản lý người tham gia các hoạt động xã hội bằng công nghệ như giấy thông hành vaccine, thông hành y tế...
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP.HCM, cho biết sở đang lên kế hoạch sử dụng dữ liệu tiêm chủng để chuẩn bị mở cửa sau 15/9 với 2 hướng.
Thứ nhất là phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để sử dụng cơ sở dữ liệu này và lên phương án sản xuất an toàn, sản xuất xanh. Như vậy, doanh nghiệp "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 điểm đến" có thông tin về người lao động tại doanh nghiệp đã tiêm chủng để quản lý.
Thứ hai là tích hợp dữ liệu tiêm chủng vào cơ sở dữ liệu khai báo y tế điện tử của TP. Như vậy, một cá nhân di chuyển đến đâu, khai báo y tế điện tử thì lực lượng chức năng sẽ xác định được người đó đã tiêm 1 mũi hay 2 mũi.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cũng cho biết công an đã làm việc với các đơn vị liên quan để cập nhật dữ liệu về tiêm vaccine, F0... để khi thành phố đặt ra tiêu chí an toàn với đối tượng nào, diện nào được lưu thông thì công an sẽ dễ dàng quản lý.
Công an cũng đang mở rộng điểm kiểm soát quét mã QR các diện lưu thông trên đường. Sau khi hoàn thành, công an có thể không cần giấy đi đường vẫn có thể xác định mỗi người thuộc nhóm đối tượng nào, có được lưu thông hay không.
TP.HCM lên phương án quản lý người dân trong bình thường mới bằng công nghệ. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Để kiểm soát người dân trong bình thường mới sau 15/9, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng quận 7 có điều kiện lý tưởng để thí điểm các giải pháp công nghệ cho mục tiêu này. Cụ thể, quận 7 có quy mô 360.000 dân, vừa đủ để thí điểm, và đặc biệt là gần 100% người dân đã tiêm 1 mũi vaccine.
"Từ quy mô này có thể đúc kết mô hình rồi nhân rộng. Với 10 triệu dân thì khó nhưng với vài trăm nghìn dân thì có thể làm được", ông Dũng đặt vấn đề.
Ông cho rằng dữ liệu xét nghiệm của quận 7 cần được số hóa, lý tưởng là theo thời gian thực. Đồng thời, chính quyền phải có năng lực quản lý tình trạng y tế đến từng người dân.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết theo thống kê, khoảng 80% dân số có điện thoại thông minh. Chỉ cần quản lý được khoảng 70% số này, tương đương 200.000 người, thông qua ứng dụng di động thì đã cung cấp nguồn dữ liệu quý cho chính quyền để quản lý tình trạng y tế của người dân.
Ứng dụng quản lý tình trạng y tế đến từng người dân sẽ giúp quản lý được ai đã tiêm 1 mũi, 2 mũi, lần xét nghiệm gần nhất, các chỉ số như F0 khỏi bệnh, thậm chí là mức độ kháng thể... Đây là điều kiện để đưa ra chính sách xem ai được đi đâu và đi như thế nào.
Bên cạnh đó, kiểm soát người ra/vào các địa điểm công cộng, điểm kinh doanh bằng mã QR cũng là một phương án được ông Dũng đưa ra.
Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý từng cá nhân và điểm đến là tinh thần được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vạch ra ngay trong kế hoạch ban đầu của ông. Với định hướng này, các địa bàn vùng xanh và an toàn sẽ tiến hành những hoạt động rộng hơn. Những nơi mà doanh nghiệp và người dân có sáng kiến đảm bảo hoạt động sản xuất, dịch vụ an toàn thì sẽ được mở ra từng bước.
"Một người đã tiêm vaccine có thể được xem là cá nhân an toàn. Nếu cá nhân an toàn, hành trình an toàn, điểm đến an toàn thì sẽ tổ chức được các hoạt động an toàn", ông Phan Văn Mãi nói về định hướng mở cửa của TP.HCM.
Đề xuất của quận 7 và Củ Chi
Huyện Củ Chi: - Xét nghiệm tất cả trường hợp từ quận/huyện khác vào “vùng xanh” khi chưa có giấy xét nghiệm.
- Kiểm tra tất cả phương tiện và người ra/vào huyện Củ Chi, kể cả phương tiện có dán mã QR; lực lượng y bác sĩ, công an, quân sự, cán bộ công chức, viên chức, thanh niên xung phong...
Quận 7: - Cho phép các mặt hàng kinh doanh thiết yếu và kinh doanh đường phố hoạt động trở lại từ 20/9 đến 20/10. Điều kiện là người lao động phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, đảm bảo kinh doanh an toàn theo bộ tiêu chí của thành phố. Các cửa hàng này chỉ được bán mang về, hoạt động từ 6h đến 18h.
- Mở cửa lại chợ với phương án phân luồng, người dân đi chợ ngày chẵn, lẻ. Quận sẽ có mô hình chợ kiểu mẫu trong giai đoạn bình thường mới.
- Doanh nghiệp tạm sử dụng các khu đất công do Nhà nước quản lý để xây dựng khu lưu trú tạm cho công nhân.