Lãnh đạo UBND TP.HCM và các tỉnh phía nam vừa nhận được Công điện của Bộ Y tế về việc quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19 tại các địa phương này.
Công điện của Bộ Y tế nêu rõ tình hình tử vong do Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã có chuyển biến, tuy nhiên “việc giảm tử vong này còn chậm”.
Theo Bộ Y tế, tình hình bệnh nhân tử vong do Covid-19 đã có chuyển biến nhưng còn chậm. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM và các tỉnh phía nam khẩn trương chỉ đạo bảo đảm thiết lập đủ cơ sở thu dung, điều trị Covid-19; tiếp tục rà soát phương án thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 để chủ động, sẵn sàng hoạt động trong thời gian nhanh nhất các cơ sở này theo mô hình tháp 3 tầng.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương huy động tối đa cơ sở hiện có tại địa phương của Nhà nước và tư nhân để lên phương án thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng. Trong đó, ưu tiên thiết lập từ những cơ sở khám, chữa bệnh sẵn có để chuyển đổi công năng thành cơ sở điều trị Covid-19 tầng 2, tầng 3 của mô hình tháp 3 tầng.
TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía nam được đề nghị nâng cao vai trò của trạm y tế xã, phường, thị trấn và thành lập các trạm y tế lưu động, tổ cộng đồng để triển khai quản lý, điều trị người nhiễm SARS- CoV-2 tại nhà nếu vượt quá năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở địa phương.
Cùng với đó, các địa phương cần củng cố, kiện toàn và điều phối hiệu quả hoạt động hệ thống cấp cứu 115, xe vận chuyển người bệnh từ cộng đồng đến cơ sở thu dung, điều trị và giữa các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
Việc đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu, hồi sức tích cực, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị cho các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 cũng được Bộ Y tế lưu ý với các địa phương, nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu, nghiêm trọng xảy ra.
Đặc biệt, Bộ Y tế cho phép TP.HCM và các tỉnh phía nam chuẩn bị và cung cấp các thuốc ngoài danh mục thuốc thiết yếu đã ban hành theo Quyết định 2626 của Bộ trưởng Y tế để đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh Covid-19 tại địa phương, theo đề xuất của các bệnh viện thông qua hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện.
Trường hợp cần thiết, các địa phương cũng được phép sử dụng vượt định mức vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ đã quy định tại các văn bản của Bộ Y tế để bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu cần có hình thức động viên, chia sẻ và đãi ngộ phù hợp với đội ngũ những người tham gia công tác phòng chống dịch. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Bộ Y tế đề nghị tăng cường huy động nguồn nhân lực của các bộ, ngành, cơ sở tư nhân, sự tham gia tích cực của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, sinh viên khối trường đại học sức khỏe, “thầy thuốc đồng hành”, người về hưu... cùng tham gia vào công tác tư vấn, quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, Bộ lưu ý cần có chế độ đãi ngộ phù hợp bằng tài chính và phi tài chính với đội ngũ nhân viên y tế, quân đội, công an... và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2.