Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, so với cách đây một năm, thị trường BĐS đã có những chuyển biến tích cực, giao dịch tăng đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp. Thậm chí, thanh khoản của quý II/2014 đã cao gấp 4 lần của quý I và II quý cuối 2013 cộng lại.
Nhận định tổng quan về thị trường BĐS trong 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng thị trường đang có những dấu hiệu ấm dần lên, thanh khoản cải thiện tại những dự án có vị trí tốt, hạ tầng hoàn chỉnh, có chất lượng…
Nhiều tiếng nói cho rằng nên đầu tư nhà đất vào thời điểm cuối năm nay. |
Mở bán nhộn nhịp
Theo đánh giá của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), quý II/2014, các chủ đầu tư dự án căn hộ bán tiếp tục bán các căn hộ tồn kho với các hoạt động mở bán và tiếp thị nhộn nhịp. 10 trong số 16 dự án có mở bán trong quý là chào bán lại các căn hộ đã chào bán trước đây. Sáu dự án mở bán mới cung cấp thêm khoảng 2.650 căn hộ vào tổng nguồn cung thị trường - tăng khoảng 60% so với quý trước.
Trên thị trường thứ cấp, giá bình dân toàn thị trường tăng rất nhẹ ở mức 0,2% so với quý I, thời điểm giá đã tăng 1,1% sau 11 quý giảm liên tiếp. Điều này cho thấy diễn biến trên thị trường thứ cấp vẫn chưa khẳng định thị trường đã thực sự ấm lên. VNREA đánh giá, hầu hết các dự án này thuộc phân khúc trung cấp và từ các dự án đã hoàn thiện. Các dự án kể cả mở bán mới hay mở bán lại đều được tiếp thị mạnh mẽ hơn và các căn hộ mới dần được chào do thị trường cải thiện.
Theo VNREA, mặc dù phần lớn giao dịch diễn ra tại phân khúc trung cấp và bình dân, số căn hộ bán tại phân khúc cao cấp cũng tăng đáng kể so với quý trước do chủ đầu tư tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và người mua nhà cũng lạc quan hơn về tình hình thị trường.
Ngoài ra, các công ty phân tích thị trường như CBRE, Savills cũng đều đưa ra những đánh giá khả quan về triển vọng thị trường, đặc biệt là phân khúc căn hộ trung cấp, bình dân. Trên thực tế, tại Hà Nội một số dự án đang được chủ đầu tư chào giá khá thấp so với trước đó như HP LandMark, Tân Tây Đô, CT1, CT 2 Trung Văn. Trong đó trung bình giảm từ 2 - 4 triệu đồng/m2.
Đã đến lúc mua nhà?
Tuy thị trường đã có “dấu hiệu ấm lên” như lời của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhưng xét về dài hạn, nhiều ý cho rằng còn quá sớm để đưa ra những nhận định lạc quan trong dài hạn về thị trường.
Cụ thể, Giám đốc CBRE Việt Nam Lê Minh Dũng nhận định, mặc dù giá nhà đang có xu hướng tăng từ đầu năm, song vẫn quá sớm để nói rằng giá sẽ tăng trong cả năm và trên diện rộng, bởi thực tế việc tăng giá mới chỉ xuất hiện tại một số dự án, trong khi niềm tin của người mua nhà với thị trường vẫn ở mức độ nhất định.
Nói về các cơ hội kiếm tiền từ nhà đất từ nay đến cuối năm cũng có nhiều ý kiến trái chiều. GS Đặng Hùng Võ cho rằng thông thường quý III là thời điểm các doanh nghiệp địa ốc tích cực đẩy hàng để chốt doanh thu quý IV. Chính vì thế sắp tới, theo ông, sẽ có nhiều dự án đưa ra mức giá thấp nữa. “Thị trường hiện đã có căn hộ giảm xuống 14 triệu, 17 triệu/m2 cho những dự án nhà ở thương mại; nhiều dự án 20 - 25 triệu/ m2. Đây là những mức giá mềm, thực chất mà người tiêu dùng có thể cân nhắc mua được”, ông Võ nói.
Tuy vậy, ở dưới góc nhìn khác, TS Alan Phan vẫn giữ quan điểm bi quan về thị trường BĐS khi cho rằng chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm, thị trường bất động sản vẫn lình xình, không có sự phục hồi nào đáng kể. Nói cụ thể về xu hướng đầu tư, TS Alan Phan vẫn cho rằng giá nhà đất hiện quá cao. So với thu nhập trung bình của người dân, hiện giá nhà đất đang cao gấp 25 lần. Trong khi đó, ở các nước khác, mức tối đa về giá chỉ cao gấp khoảng 7 - 8 lần thu nhập trung bình. “Vì giá BĐS ở Việt Nam không phù hợp nên người dân không thể mua được chứ không phải dân thiếu tiền hay không có nhu cầu. Và do đó, thị trường vẫn tiếp tục trì trệ”, ông Alan Phan nói.