Tiếp theo sự xôn xao của xã hội về những chuyện “chỉ ở Việt Nam mới có” như cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thi đại học, hay bắt học sinh lớp 1 ký cam kết không được đua xe trái phép, không được đeo bông tai…, mới đây, chuyện sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp được vay vốn ưu đãi để mua nhà, lại hút vào nó sự quan tâm của dư luận.
Ở nước nào không biết, chứ ở Việt Nam, thì sinh viên là “những con chim chưa ra ràng”, nghĩa là chưa đủ lông đủ cánh để tự cất mình vào trời xanh. Từ nắm xôi ăn sáng đến tiền học phí, tiền nhà trọ…, tất tật đều phụ thuộc vào nguồn cung cấp của gia đình. Trong điều kiện ấy, một sinh viên được vay ưu đãi sáu, bảy trăm triệu đồng để có thể sở hữu một căn nhà, trở thành chuyện hài hước.
Bởi vay thì phải trả cả lãi lẫn gốc, dù là lãi ưu đãi và thời hạn vay có thể kéo dài đến 15 năm. Nhưng muốn làm được chuyện đó, người vay, nếu độc thân, cũng phải có thu nhập tối thiểu mỗi tháng 10 triệu đồng, thì mỗi tháng mới có thể dành ra được vài ba triệu mà trả.
Còn với một hộ gia đình công chức, viên chức, hai vợ chồng với hai đứa con, cũng phải có tổng thu nhập tối thiểu mỗi tháng hai chục triệu đồng, mới có thể trả được nợ.
Với mỗi sinh viên, khi ra trường, chỉ có thể gia nhập vào 3 “đội quân” sau đây của xã hội: Một là nếu may mắn thi đỗ trong các kỳ thi tuyển công chức, viên chức, trở thành công chức hay viên chức của một cơ quan Nhà nước, thì theo thang bậc lương hiện tại, là công chức, viên chức “mới bóc tem”, mức lương của họ chỉ trên dưới 3 triệu đồng mỗi tháng. Cao đẳng, trung cấp còn thấp hơn. Với thu nhập ấy, họ nuôi mình còn chưa nổi, lấy gì trả nợ?
Hai là làm cho các doanh nghiệp, thì mỗi tháng cũng chỉ được năm, sáu triệu đồng. Để phấn đấu đến mức có thu nhập trên dưới 10 triệu, thời gian không phải là ngắn. Số sinh viên ra trường được nhận ngay vào các doanh nghiệp hay tổ chức nước ngoài, có mức thu nhập trên dưới 1.000 USD mỗi tháng, cực kỳ hiếm.
Và thứ ba, bất hạnh nhất, là buộc phải gia nhập vào đội quân 72.000 cử nhân thất nghiệp do các cơ quan chức năng vừa công bố (bây giờ không biết đã lên đến bao nhiêu rồi). Mà đã gia nhập vào đội quân này, thì việc trả được nợ vay mua nhà chỉ có trong giấc mơ.
Một điều nữa cũng không kém phần quan trọng là, việc xin việc sau khi tốt nghiệp, ra trường, các sinh viên hoàn toàn không chủ động được.
Giả sử được vay, mua được nhà ở thành phố này khi còn đang học. Nhưng sau khi ra trường, phải vào một thành phố khác cách xa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số mới tìm được việc, thì lúc đó, liệu họ có khênh nhà vào chỗ làm được không?
Đồng tiền của ngân hàng, dù được cho vay dưới bất cứ hình thức nào, thì nhiệm vụ cuối cùng của ngân hàng vẫn là phải thu hồi được cả gốc lẫn lãi. Với những bất cập như trên, liệu có ngân hàng nào dám mở hầu bao cho sinh viên vay không? Bởi làm thế, khác nào như dân gian vẫn nói, là “thả gà ra mà đuổi”.
Cho vay để mua nhà, đến khi họ không trả được, thì sẽ xử lý đối với những ngôi nhà đó thế nào? Xiết nhà mang bán đấu giá? Tất nhiên. Nhưng làm như vậy phải qua không biết bao nhiêu là thủ tục phiền hà. Và điều quan trọng nhất là có bán được hay không? Và bao giờ thì bán được?