Bản thiết kế gốc 37 công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội được giới thiệu trong sách. Ảnh: TH. |
Là thủ phủ của Đông Dương thời Pháp thuộc, Hà Nội có nhiều công trình mang đậm dấu ấn của kiến trúc Pháp - Đông Dương. Đó là những công thự oai vệ như Dinh Toàn quyền, Phủ thống sứ Bắc Kỳ…; những trường học, viện nghiên cứu như Đại học Đông Dương, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Viện Pasteur…; hay các công trình dân sự như Bưu điện trung tâm thành phố, Nhà hát Lớn...
Những công trình này cho thấy phần nào diện mạo của đô thị Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ 20 và mang nét cổ kính, hài hòa cùng vẻ đẹp hiện đại ngày nay.
"Những viên ngọc quý" tại Hà Nội
Nhằm giúp độc giả tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của Hà Nội qua những công trình xây dựng thời Pháp, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Omega Plus và NXB Mỹ thuật cho ra mắt cuốn Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội.
Sách do nhà báo Phúc Tiến (người từng làm một cuốn sách tương tự về Sài Gòn) chủ biên với sự tham gia biên soạn của các viên chức phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ - những người đang làm công tác lưu trữ, đã bảo tồn và khai thác nguồn tư liệu quý giá trong Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Nét nổi bật của sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội so với các ấn phẩm trước về kiến trúc Hà Nội chính là bên cạnh những bản vẽ thiết kế còn có những tấm ảnh tư liệu được sưu tầm và lựa chọn kỹ cùng lời thuyết minh bằng ba thứ tiếng (Việt-Pháp-Anh). Đặc biệt cuốn sách được xuất bản với đẳng cấp như “album nghệ thuật” với khổ sách lớn, dày gần 300 trang, bìa cứng có cả bìa bao.
Sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội. Ảnh: TH. |
Trong cuốn sách, 37 công trình Pháp được giới thiệu tới công chúng, được nhóm biên soạn phân chia theo quận, địa bàn, địa phương. Cụ thể:
- Các công trình kiến trúc tại quận Ba Đình và quận Tây Hồ: Dinh Toàn quyền Đông Dương (Văn phòng Chủ tịch nước), Trường Albert Sarraut (trụ sở Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam), Nhà Tài chính Đông Dương (Trụ sở Bộ Ngoại giao), Trường Nữ sinh Pháp (Trụ sở Bộ Tư pháp), Nhà thờ Cửa Bắc, Trường Trung học Bảo hộ (Trường Chu Văn An), Biệt thự số 6 Hoàng Diệu.
- Các công trình kiến trúc tại quận Hoàn Kiếm: Dinh phó Toàn quyền Đông Dương (Trụ sở Báo Nhân dân, Ngân khố trung ương (Văn phòng UBND TP. Hà Nội), Phủ Thống sứ (Trụ sở Bộ Lao động, Thương binh và xã hội), Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Louis Finot, Nha Thương chính Đông Dương (Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Biệt thự số 18 Tông Đản (Tư dinh của Đại sứ Mỹ), Trường nữ sinh An Nam (Trường Trung học cơ sở Trưng Vương), Bệnh viện bản xứ (Bệnh viện Việt - Đức), Dinh Công lý (Tòa án Nhân dân tối cao)…
- Các công trình kiến trúc tại quận Hai Bà Trưng và quận Đống Đa: Ga Hà Nội (Ga Hàng Cỏ), Viện Pasteur (Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương).
- Các kiến trúc tại khu Phố Cổ và bờ sông Hồng: Nha Tổng thanh tra Công chính Đông Dương (Trụ sở một số cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trường nữ sinh Brieux (Trường trung học cơ sở Thanh Quan), Cầu Doumer (Cầu Long Biên), Khu Đấu xảo (Cung Hữu nghị), Khu Đông Dương học xá (Đại học Bách khoa Hà Nội), Sở Địa chính Bắc Kỳ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam)...
Nhiều tư liệu lần đầu được tiếp cận
Có thể thấy, một số đối tượng khảo tả trong cuốn sách không mới (trước đây, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã kết hợp với Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp ở Hà Nội (EFEO) cũng từng xuất bản một cuốn chủ yếu giới thiệu các bản vẽ thiết kế các công trình Pháp tại Hà Nội). Vẫn là Nhà Hát Lớn, Cầu Doumer, Viện Pasteur, Bảo tàng Louis Finot … nhưng cách khảo tả, lựa chọn ảnh và tư liệu bản vẽ thiết kế có phần tinh tế hơn…
Bên cạnh đó, phần tiểu sử công trình cũng được trình bày ngắn gọn, súc tích, nhưng cung cấp tối đa về mặt nội dung, giúp người đọc nắm bắt đầy đủ thông tin về công trình.
Không những thế, cuốn sách còn giới thiệu những công trình mà ngay đến người tự cho là biết nhiều về Hà Nội đến nay mới lần đầu được tiếp cận.
Chẳng hạn ngôi nhà số 6 Hoàng Diệu được giới thiệu bản vẽ kiến trúc gốc của tòa biệt thự rất đẹp, được xây dựng vào đầu thập kỷ 20 của thế kỷ trước.
Ảnh tư liệu tòa nhà Dinh thống sứ trước năm 1945 được giới thiệu trong cuốn sách. Ảnh: TH. |
Hay tòa biệt thự 18 Tôn Đản vốn là khu nhà Giám đốc Tài chính Đông Dương và đã có lúc được dành cho các nhân vật đại diện đầu tiên của Mỹ (trong đó có Đại tá A.Patti, đứng đầu cơ quan Tình báo Chiến lược OSS) đến Hà Nội ngay sau ngày Cách mạng thành công, tá túc và hiện nay lại là nhà công vụ của Đại sứ Mỹ ở Việt Nam…
Với cách thiết kế khoa học, trực quan sinh động, cuốn sách như mời bạn đọc “dạo bước” trên từng trang giấy, bắt đầu từ trung tâm chính trị: Quảng trường Ba Đình, quận Ba Đình. Điểm cuối của cuộc dạo chơi chính là: Cầu Doumer - cầu Long Biên.
Có thể nói, sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội có nhiều giá trị về mặt tư liệu cho những ai quan tâm tới kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Sách phù hợp với nhiều đối tượng như những nhà nghiên cứu và giới chuyên gia về kiến trúc học; hay những độc giả, sinh viên quan tâm tới lịch sử kiến trúc…
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.