Tư tưởng nghệ thuật định hình phong cách nghệ thuật, biểu hiện qua hình ảnh, hình tượng, ngôn từ, giọng điệu, nhịp điệu và cả hành vi - động thái của con người, thế giới trong thơ. Chính vì vậy, kinh nghiệm đọc thơ luôn có xu hướng kiếm tìm những yếu tố nổi bật, những thành tố được sử dụng với tần suất cao trong tác phẩm.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Việt Linh. |
Đọc kỹ thơ Nguyễn Quang Thiều, chúng ta nhận ra, một trong những từ khóa quan trọng là “dâng lên”. Có khi là “Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên / Tôi quỳ xuống vốc cát ấp vào mặt” (Sông Đáy) thỏa tấm lòng mong mỏi nhớ quê. Có khi là “Cơn mưa chiều vàng thăm thẳm dâng lên” (Câu hỏi cuối ngày) bởi những băn khoăn đang chất chứa trong tâm hồn.
Có khi “Tất cả dâng lên thẳm xa, mê đắm” (Âm nhạc) mang nhịp điệu của sự sống trên vùng châu thổ. Xa quê, lưu lạc, trong tâm tưởng đứa con của đồng bãi “Vườn hoang dâng lên” (Sám hối), “Sau lưng tôi dâng lên mùi khói rơm tươi, mùi châu chấu nướng” (Trong tiếng súng bắn tỉa), “Dâng lên như mùa xuân thứ nhất/ Những con đường biền biệt tuổi thơ” (11 khúc cảm), “Ngùn ngụt dâng lên bản Thánh ca khói trầm uất, ngạo nghễ và tĩnh lặng” (Thánh ca tĩnh lặng), “Những cái rễ lại bước đi và nhựa / lại dâng lên tràn trề đỉnh đầu cây /... / Dâng cao mãi, dâng cao... con thuyền rồng trong hải lưu cuồn cuộn / Những hồ nước mắt dâng đầy... / Và âm nhạc dâng lên xứ sở” (Nhịp điệu châu thổ mới)...
Như thế, "dâng lên" trở thành một động thái trữ tình của con người và thế giới trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Vấn đề đặt ra khi đối diện từ khóa này trong thơ Nguyễn Quang Thiều chính là: Tại sao lại xuất hiện động thái ấy?
Về sắc thái, "dâng lên" chứa đựng tâm trạng, cảm xúc và thái độ. "Dâng lên" - đưa lên cao một cách kính cẩn, ngưỡng vọng, gần với một nghi thức thiêng liêng. Chu Văn Sơn đã rất có lý khi nhận định rằng thơ Nguyễn Quang Thiều mang phong cách “sử thi tôn giáo”.
"Dâng lên" đáp ứng tinh thần ngưỡng vọng và thiêng liêng ấy. Thế giới nghệ thuật thể hiện tư tưởng, tinh thần, xúc cảm và tư duy của nhà thơ, thế nên, khi cái tôi ấy luôn đau đáu một nỗi niềm “thương nhớ đồng quê”, nhận ra sự kỳ vĩ của quê hương, của đồng bãi, sông hồ, của nhịp điệu châu thổ, của người dân quê..., nó luôn mang tâm thế của một điều gì bé nhỏ, côi cút, bơ vơ.
“Quỳ xuống”, “khóc”, “ngước mắt”, “ngửa mặt” chính là khi cái tôi ấy hướng về những điều cao cả, lớn lao, thân thiết, thiêng liêng mà xa vời: “Sao ta không chạy xuống sông, sao ta quỳ xuống đôi bờ / Ta ngửa mặt lên trời như con ếch cốm” (Dòng sông), “Xin quỳ lạy / xin lặng câm vứt bỏ / Mắt đê mê từ thuở tóc chưa về” (11 khúc cảm), “Ta như hai đứa trẻ non mềm vừa mới sinh ra / Với hơi thở của người vừa ốm dậy / Ta ôm nhau ngước mắt gọi sao trời” (Những ngôi sao), “Ta khóc trong cỏ dại / Ta khóc trong rơm rạ / Ta khóc thành rong rêu” (Tha phương)... Những “tư thế trữ tình” này phù hợp với động thái “dâng lên”, cùng biểu đạt tư tưởng “sử thi tôn giáo” trong ngôi đền “Châu thổ” của Nguyễn Quang Thiều.
Một lý do khác, sâu xa hơn, chi phối sự hình thành trạng thái và tư thế trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Thiều, chính là sự mất đi của những thực thể làm nên ký ức kỳ vĩ, nhiệm màu.
Hiện ra ám ảnh trong thơ là một không gian kiệt quệ, hoang vu, bị xâm thực bởi đô thị: “Ngoài kia, những cánh đồng đắng cay vì bệnh tật kéo dài / Hoàng hôn xấu xí / Ngũ cốc đang gập mình bởi cơn ho hóa chất sặc mùi /.../ những vòm cây chật vật đâm chồi /... / bầy chim cánh chập choạng, rũ rượi /.../ những đám mây trĩu ngực vì bụi /.../ dòng sông gió chảy giữa hai bờ cổ họng khản đặc của đêm /.../ linh hồn những hồ nước bị giết đang bay lượn tìm nơi hạ cánh” (Lời cầu nguyện).
Châu thổ còn đâu, ký ức chỉ là sự mơ về trong đớn đau, tiếc nhớ. Xa xôi quá, thăm thẳm quá, mà thiêng liêng kỳ vĩ quá. Thế nên, tôi quỳ xuống nguyện cầu, tôi ngước lên chờ đợi chiêm ngắm và tôi khóc. Đó là tiếng khóc của một đứa con lưu lạc, một cái tôi khắc khoải hoài niệm để trở về.
“Dâng lên” là một từ khóa quan trọng (cũng có thể là quan trọng nhất) trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Có khi, động thái ấy được phát biểu ra bằng lời như đã dẫn, cũng có khi âm thầm giấu mình trong hình ảnh, hình tượng, trạng thái khác. Ở bình diện lớn hơn, thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn trội lên không khí phồn sinh màu mỡ với nhịp sống dồi dào, bền bỉ trong ánh sáng phục sinh, khải huyền.
Phía cỗi cằn hoang vu là quãng trầm để cảm hứng say mê, ngưỡng vọng có dịp rung lên một cách xúc động hơn. Tuy vậy, dù ở ngả nào, trong kiệt quệ lưu đày hay trong say mê ngưỡng vọng, cái tôi ấy vẫn ở vị trí bé nhỏ, thấp hơn sự vĩ đại của sự sống châu thổ. Chính vì thế, “dâng lên” cứ mãi dâng lên như nguồn mạch bất diệt của đất đai và con người trong thơ Nguyễn Quang Thiều.