Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - đã có một tuần tuyệt vời sau khi nhận khoản đầu tư 1,5 tỷ USD từ Tesla, được hãng thanh toán MasterCard nhắm đến, và quỹ ETF Bitcoin đầu tiên của Purpose Investment "bật đèn xanh".
Trong khi đó, Bank of New York Mellon (BNY Mellon) - ngân hàng lâu đời nhất của Mỹ, nhà cung cấp dịch vụ lưu ký lớn - tiết lộ sẽ nắm giữ và cung cấp dịch vụ lưu ký cho các tài sản kỹ thuật số, bao gồm Bitcoin.
Chỉ trong vòng 7 ngày, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã tăng giá trị 20% và lập đỉnh kỷ lục 48.925,53, theo Coindesk. Hiện, Bitcoin được giao dịch quanh ngưỡng 47.700 USD/đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền đạt 888 tỷ USD. Tính từ ngày 1/1/2021 tới nay, giá Bitcoin leo dốc 63%.
Đà tăng của Bitcoin trong vòng một tuần qua. Ảnh: Coindesk. |
Tiến đến kỷ lục mới
Đà tăng dữ dội của Bitcoin được kích hoạt sau quyết định của tỷ phú Elon Musk và hãng xe điện Tesla. Theo đó, Tesla mua 1,5 tỷ USD tiền mã hóa và cho biết sẽ bắt đầu chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán trong tương lai. Động thái này khiến ngày các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức dễ chấp nhận Bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác hơn.
"Những tuyên bố từ Mastercard và BNY Mellon cho thấy sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của các tổ chức tài chính về tiền mã hóa. Đó là dấu hiệu chỉ ra rằng những đồng tiền này sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn, đồng thời duy trì sức hút đối với nhà đầu tư", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ) khẳng định.
"Chìa khóa để Bitcoin tăng giá cao hơn nữa là cái gật đầu của nhiều công ty hơn", vị chuyên gia tài chính trả lời Zing.
Bitcoin có thể lập mức cao kỷ lục mới và các nhà đầu tư sẽ đổ xô mua vào cuối tuần. Chúng ta đã không còn xa lạ với những đợt tăng giá mạnh mẽ của Bitcoin dịp cuối tuần
- Chuyên gia tài chính Edward Moya
Hôm 10/2, Giám đốc tài chính Twitter Ned Segal cho biết công ty đang cân nhắc đầu tư vào Bitcoin, gồm hình thức trả tiền cho đối tác hoặc nhân viên bằng Bitcoin nếu được yêu cầu.
Giám đốc điều hành Uber tiết lộ sẽ không mua Bitcoin, nhưng vẫn cân nhắc việc chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin nếu có nhu cầu.
"Bitcoin có thể lập mức cao kỷ lục mới và các nhà đầu tư sẽ đổ xô mua vào cuối tuần. Chúng ta đã không còn xa lạ với những đợt tăng giá mạnh mẽ của Bitcoin dịp cuối tuần. Thị trường sẽ chứng kiến một số biến động mạnh trong một vài ngày tới", ông Moya dự báo.
Theo vị chuyên gia tài chính, khối lượng giao dịch đã giảm đi kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Do đó, các nhà giao dịch có thể chứng kiến đà tăng chững lại trong ngắn hạn, trước khi giá đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới lần đầu xuyên thủng ngưỡng 50.000 USD/đồng.
"Không thể dùng để định giá hàng hóa"
Tuy nhiên, các cơ quan tài chính và một số nhà đầu tư vẫn đưa ra nhiều cảnh báo về Bitcoin. Tuần này, đến lượt Phó thống đốc Tim Lane của Ngân hàng Canada và bà Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga.
Theo ông Tim Lane, đợt tăng giá mạnh của tiền mã hóa trong thời gian qua là một "chứng cuồng đầu cơ". Ông nhấn mạnh những tài sản như Bitcoin không có đủ tính chất cần thiết để trở thành một loại tiền tệ trong tương lai.
Theo vị phó thống đốc, các phương pháp xác minh tốn kém và sức mua không ổn định khiến những loại tiền mã hóa như Bitcoin trở thành "phương thức thanh toán đầy khiếm khuyết".
Trước đó, Cơ quan Quản lý Tài chính của Anh (FCA) cảnh báo người tiêu dùng nên "chuẩn bị tinh thần có thể mất trắng" nếu đầu tư vào các tài sản như Bitcoin. "Sự biến động giá đáng kể của các loại tiền mã hóa, cùng với những khó khăn cố hữu trong việc định giá tiền thuật toán một cách đáng tin cậy, khiến người tiêu dùng có nguy cơ thua lỗ cao", cơ quan này nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cảnh báo tiền mã hóa là "mối lo ngại đặc biệt" và thường được sử dụng cho các hoạt động tài chính phi pháp như rửa tiền.
Tính biến động mạnh khiến Bitcoin khó trở thành một loại tiền tệ trong tương lai. Ảnh: Getty Images. |
Mới đây, ông Nassim Nicholas Taleb - tác giả cuốn Thiên nga đen - tiết lộ đã bán hết Bitcoin. Nguyên nhân là một loại tiền tệ sẽ không bao giờ dễ biến động hơn những thứ mà chúng dùng để bán hoặc mua. "Các vị không thể định giá hàng hóa bằng tiền mã hóa", ông nhấn mạnh.
"Từ khía cạnh này, đó là một thất bại", ông Taleb viết trên Twitter.
Trong một tweet khác, ông Taleb cũng khẳng định Bitcoin đã thất bại với vai trò hàng rào chống lại rủi ro lạm phát (khi nguồn cung tiền tăng vọt trên toàn cầu).
Một số nhà quan sát đồng tình rằng dù đã được áp dụng rộng rãi hơn, tính chất của Bitcoin thực tế vẫn không thay đổi. Đó là một tài sản đầu cơ mà một hoặc hai cửa hàng lẻ tẻ sử dụng thay cho tiền mặt.
Giáo sư tài chính Chester Spatt tại Trường Kinh doanh Carnegie Mellon Tepper cũng hoài nghi về triển vọng của Bitcoin. "Đồng tiền này có tính biến động rất lớn. Điều đó đặt ra nhiều câu hỏi", ông nhấn mạnh. Ông Spatt từng đảm nhận vị trí Giám đốc Văn phòng Phân tích Kinh tế của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC).