Ngày 20/5, ĐH Luật Hà Nội tổ chức tọa đàm về "Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ luật pháp quốc tế", với sự tham gia của các diễn giả uy tín.
"Dân tộc ta đang phải đứng trước một thách thức vô cùng nghiêm trọng", PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế, lo ngại chia sẻ.
Chuyên gia này cho rằng, tham vọng về lãnh thổ của Trung Quốc đối với Việt Nam chắc chắn sẽ không bao giờ dừng lại, bởi hành động này của Trung Quốc nằm trong chiến lược được lập trình hơn nửa thế kỷ qua nhằm độc chiếm biển Đông, vươn lên thành cường quốc số 1 thế giới.
Giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc ngang nhiên đưa vào vùng biển Việt Nam. |
Do đó, theo PGS Diến, Việt Nam cần có những giải pháp, cách thức tổng hợp để vượt qua, chiến thắng âm mưu đầy tham vọng của người bạn láng giềng.
“Những năm qua chúng ta kiên trì sử dụng đường lối ngoại giao. Nhưng có một sức mạnh chúng ta chưa sử dụng đến, đó là lẽ phải, công lý. Tử huyệt của Trung Quốc chính là pháp lý. Tôi cho rằng đã đến lúc sử dụng "thanh kiếm báu" này, nếu không kiện, chúng ta sẽ muộn và phải trả giá", vị Trưởng bộ môn Luật Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) tin tưởng.
Cũng theo ông Diến, mặc dù Trung Quốc có quyền từ chối thẩm quyền của Tòa Quốc tế nhưng không có nghĩa là bác bỏ quyền khởi kiện của Việt Nam. Đến nay đã có 4 nước kiện thành công, và còn rất nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế mà Việt Nam có thể sử dụng.
"Tất nhiên điều này đòi hỏi phải nghiên cứu, tính toán, đòi hỏi trí tuệ. Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc, đây sẽ là một đòn mạnh về chính trị đối với Trung Quốc”, PGS.TS Nguyễn Bá Diến nhấn mạnh.
Tình hình biển Đông vẫn chưa dịu đi khi số lượng tàu Trung Quốc đưa ra bảo vệ giàn khoan tăng theo từng ngày. |
Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Toàn Thắng, Phó trưởng khoa Công pháp Quốc tế (ĐH Luật Hà Nội) cũng khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Luật biển Quốc tế về hành vi xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là việc không hề đơn giản.
TS Thắng nhận định, nếu chúng ta khởi kiện thì khả năng Trung Quốc từ chối thẩm quyền của tòa là rất cao bởi từ trước đến nay nước này có quan điểm chỉ giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao, đàm phán trực tiếp. Vì vậy, Việt Nam nên có cách xử lý linh hoạt và có thể học tập kinh nghiệm Philippines trong vụ kiện với Trung Quốc trước đó.
Về căn cứ pháp lý của Trung Quốc trong vấn đề đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Thuận, khoa Luật Quốc tế (ĐH Luật Hà Nội) khẳng định, đó chủ yếu là những chứng cứ ngụy tạo.
"Họ chứng minh cho việc họ có chủ quyền ở các quần đảo trên biển Đông từ rất sớm, liên quan tới cả vấn đề đường lưỡi bò của họ nhưng hoàn toàn là bằng chứng ngụy tạo. Họ rất công phu nhưng không không có cơ sở pháp lý, Việt Nam có đầy đủ căn cứ để phản bác lại. Từ châu bản thời nhà Nguyễn, hệ thống bản đồ, đối chiếu với các cơ sở pháp lý quốc tế, đều cho thấy rằng chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý”, TS. Thuận quả quyết.
Trong khi đó, đề cập tới tình hình thực địa tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, thiếu tướng Hoàng Văn Đồng, Phó chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, lượng tàu Trung Quốc đưa ra bảo vệ giàn khoan tăng theo từng ngày. Hiện, tình hình vẫn chưa dịu đi, tàu Trung Quốc vẫn đang được tăng cường khiến tình hình căng thẳng.
“Thế nhưng trong mọi trường hợp, lực lượng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc sẽ luôn xác định tốt trách nhiệm của mình, kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền. Lịch sử đã chứng minh quân đội chúng ta chưa bao giờ khuất phục thế lực xâm lăng nào, nhân dân cả nước hãy tin như vậy”, Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cương quyết.