Có câu nói "Đúng thời điểm, gặp đúng người là hạnh phúc. Đúng thời điểm, gặp sai người là bi thương. Sai thời điểm, gặp đúng người là tiếc nuối". Chiếu theo câu nói lãng mạn ấy, để nhìn bức tranh bóng đá Việt Nam hôm nay, sẽ thấy cả một câu chuyện đời, chuyện nghề.
Có bức ảnh đến giờ vẫn còn lưu truyền trên mạng, và ngày càng được chia sẻ rầm rộ hơn khi ông Chung Hae-seong giành được những thành công bước đầu tại V.League. Đó là hình ảnh HLV Park Hang-seo và ông Chung cùng đứng hai bên chiến lược gia huyền thoại Guus Hiddink.
HLV Park Hang-seo và ông Chung Hae-seong từng làm trợ lý của Guus Hiddink ở tuyển Hàn Quốc. Ảnh: SportsQ. |
Vị thế trái ngược
HLV Park giơ ngón tay cái ra dấu "Number One", miệng cười tươi, còn ông Chung hai tay chống nạnh, thần thái thoải mái. Đó là những ngày họ cùng làm trợ lý cho HLV Hiddink, trong hành trình nổi tiếng của đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2002.
15 năm sau, hai con người trong bức ảnh ấy cùng có mặt ở Việt Nam, cùng tạo nên những dấu ấn đáng nhớ. Thế rồi, HLV Chung chia tay CLB TP.HCM. Hóa ra, dù cùng một chuyến tàu, cả hai lại đi đến những ga khác nhau. Với HLV Park, ông đã khắc ghi vị trí trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Còn với HLV Chung, đó là câu chuyện buồn của chiến lược gia tài năng, phẫn chí.
Việc ông Chung chia tay CLB TP.HCM là tin bất ngờ với người hâm mộ trong nước, đồng thời là tin sốc với cổ động viên CLB TP.HCM. Bởi lẽ, dù tụt xuống vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng V.League, cũng như vừa thua CLB Hà Nội với tỷ số 0-3, HLV Chung vẫn được đánh giá cao về tài năng cầm quân. Ông vẫn được các cầu thủ yêu quý.
Vì vậy, lý do ông Chung ra đi trở thành đề tài được đồn đoán rất nhiều. Báo chí Hàn Quốc còn tin nội bộ đội bóng đang có vấn đề, nên ông Chung mới ra đi đầy bất ngờ và từ chối luôn vị trí giám đốc kỹ thuật. Song, ta vẫn phải công nhận dù tài năng đến bao nhiêu, hành trình ở V.League của ông thầy 60 tuổi vẫn thiếu một chữ "duyên".
HLV Park gặt hái nhiều thành công cùng các cấp độ tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Khi ở Hàn Quốc, ông Chung mới là người thành công hơn HLV Park. Truyền thông xứ sở kim chi đánh giá ông là "một trong những nhà cầm quân tài năng nhất tại Hàn Quốc". Trong khi đó, họ đánh giá ông Park là "kẻ ngủ gật hết thời". Ông Park liên tục bị sa thải, rồi cuối cùng thất nghiệp cho đến ngày bầu Đức gõ cửa để đưa ông tới Việt Nam. Ông Chung luôn được coi trọng ở một loạt vị trí cao.
Cựu thuyền trưởng CLB TP.HCM có 4 năm dẫn dắt Jeju United ở K.League Classic, 2 lần giành hạng nhì cúp quốc gia Hàn Quốc, rồi được tin tưởng thay chính HLV Park để làm dẫn dắt Jeonnam Dragons FC. Ở Hàn Quốc, HLV Chung có vị thế cao hơn ông Park. Tại Việt Nam thì ngược lại. Trong khi HLV Park được cầm tới 2 đội tuyển Việt Nam, ông Chung lại lưu lạc qua 2 đội bóng V.League.
Thành công cần duyên và hợp
Nếu HLV Park đưa tuyển Việt Nam tạo nên nhiều chiến tích như ngôi á quân U23 châu Á 2018, vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, huy chương vàng SEA Games 2019… thì những gì người ta nhắc đến ông Chung chỉ là việc về nhì tại V.League 2019, và hôm nay là chuyện rời CLB TP.HCM.
Giữa 2 HLV này cách nhau một khoảng trời được gọi bằng chữ "nhân duyên". Nếu cái duyên của ông Chung ở xứ sở kim chi tốt hơn HLV Park, thì ở Việt Nam là điều ngược lại. HLV Park đến một cách vô tình, chẳng ai kỳ vọng, không có sức ép trước giải đấu ở Thường Châu nên rất thoải mái.
Trong âm thầm, lặng lẽ, ông kết hợp được lứa cầu thủ vàng trong giai đoạn đào tạo trẻ tốt nhất của các ông bầu bóng đá Việt Nam. Triết lý phòng ngự của ông cũng hợp với thể trạng của nền bóng đá Việt Nam. Cách truyền lửa, truyền tinh thần cho các cầu thủ của ông Park còn rất "duyên" với tính cách người Việt. Tất cả giống như được "đo ni đóng giày" cho nhau.
HLV Chung Hae-seong từ chức ở CLB TP.HCM sau trận thua 0-3 trước đội Hà Nội. Ảnh: Duy Anh. |
HLV Chung thì ngược lại. Ông có tài năng, đến Việt Nam mang theo tham vọng của "người truyền giáo" làm nên thành tích oanh liệt ở đội bóng Đông Nam Á. Tiếc thay, ông đã "sai thời điểm", bước vào V.League "tranh tối tranh sáng", trong những cuộc chơi mà tính chuyên nghiệp, nghiệp dư hỗn độn, xô đẩy nhau.
HLV Chung không có môi trường lý tưởng để phát triển tài năng ông có. Cuối cùng vì chữ "duyên" và "hợp" đó, ta được thấy sự ra đi của ông hôm nay.
HLV Juergen Klopp khi mới đến Liverpool được đánh giá là người "mang hơi thở và linh hồn của đội bóng", cuối cùng tạo nên thành công vang dội. Chiều ngược lại, HLV Jose Mourinho trong thời kỳ đỉnh cao nhất cũng không thể chiến thắng ở Real Madrid, đơn giản vì triết lý tương phản của cả hai.
Chuyện ông Chung, ông Park, chuyện thế giới đã chứng minh rằng đôi khi, với các HLV, để đi tới thành công, bên cạnh tài năng còn phải duyên và hợp.