Trang Sportalkorea của Hàn Quốc chia sẻ thông tin này trong bài viết có tiêu đề: "Hiệu ứng Công Phượng tạo đà giới thiệu K.League đến với khu vực Đông Nam Á".
Công Phượng được Incheon chiêu mộ theo hạn ngạch 1 cầu thủ châu Á. Đồ họa: Minh Phúc. |
Công Phượng mang lại hiệu ứng mạnh mẽ
Phóng viên Kim Sung-jin cho biết tiền đạo Nguyễn Công Phượng, 24 tuổi, khoác áo Incheon United mùa này đang nhận được sự quan tâm ngày một lớn của truyền thông Hàn Quốc. "Đã đến lúc K.League phải thay đổi ngay khi hiệu ứng Công Phượng đang nở rộ", Kim nhận xét.
Một trong những chủ đề được quan tâm nhất ở K.League mùa này chính là sự xuất hiện của một cầu thủ bóng đá đến từ Việt Nam. Trang Sportalkorea miêu tả Công Phượng là một nhân tố quan trọng của đội tuyển quốc gia Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo.
"Công Phượng gia nhập Incheon từ đầu năm nay. Anh đã có 2 trận ra sân đá chính liên tiếp trước Daegu và Jeonbuk từ đầu mùa đến nay", tờ báo viết.
Truyền thông Hàn Quốc cũng nhắc đến những cầu thủ khác từng xuất hiện tại đấu trường K.League, đó là tiền vệ Lương Xuân Trường chơi ở Incheon và Gangwon trong giai đoạn 2016-2017.
Trước đó, Pyapong - người hùng của đội tuyển Thái Lan - là cầu thủ Đông Nam Á thành công nhất tại xứ sở kim chi trong những năm 1984-1986. Pyapong được biết đến là "vua ghi bàn" đồng thời là "vua kiến tạo" K.League, một trong những cầu thủ nước ngoài chơi hay nhất trong những năm đầu tiên giải vô địch quốc gia Hàn Quốc ra đời.
Một cái tên nữa cũng khá quen thuộc trong khu vực Đông Nam Á, đó là trung vệ Alvaro Silva người Philippines cũng từng khoác áo CLB Daejeon Citizen ở K.League mùa giải 2015/16.
Theo Sportalkorea, sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, đã đến lúc K.League có đủ điều kiện để "tấn công" vào thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là sau hiệu ứng của Công Phượng.
Được biết, đã có hơn 26.000 người theo dõi trận mở màn K.League 2019 của Incheon trên nền tảng trực tuyến một cách bất hợp pháp. Khi Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA) giới thiệu đường link phát sóng trận đấu trên Internet, máy chủ đã gặp sự cố khi có hơn 30.000 người truy cập cùng thời điểm.
Ngoài sự quan tâm trên các phương tiện đại chúng, các CĐV Việt Nam còn thường xuyên có mặt trên khán đài để cổ vũ cho Công Phượng. Con số này không hẳn là lớn, nhưng đang tăng trưởng đều đặn trong những trận cầu Incheon ra sân.
Sportalkorea bình luận: "Không thể phủ nhận việc Incheon chiêu mộ Công Phượng một phần là vì lý do marketing ở Việt Nam, đó là chuyện đương nhiên. Đối với đội bóng chuyên nghiệp, việc sở hữu cầu thủ vì mục đích marketing để thành công hơn về mặt thương mại là chuyện cần thiết".
"Công Phượng là ngôi sao sáng của bóng đá Việt Nam. Việc marketing tại thị trường Việt Nam thông qua Công Phượng là cách vận hành đội bóng hợp lẽ thường tình", tờ báo Hàn Quốc nhận định.
Hiệu ứng Công Phượng có tầm ảnh hưởng lớn ở K.League và Việt Nam. Ảnh: IUFC. |
K.League muốn bổ sung hạn ngạch ngoại binh ASEAN
Hiện tại, một số CLB Hàn Quốc xác nhận muốn thêm hạn ngạch 1 cầu thủ nước ngoài đến từ khu vực Đông Nam Á vào trong đội hình.
Tại K.League, việc chiêu mộ ngoại binh dựa theo quy định 3+1 (3 cầu thủ nước ngoài + 1 cầu thủ châu Á). KFA đang cân nhắc nghiêm túc thay đổi hạn ngạch thành 3+1+1 với việc bổ sung 1 cầu thủ thuộc khối ASEAN.
Được biết, KFA đang rất tích cực tham gia vào thị trường Đông Nam Á. Liên đoàn bóng đá nước này từng cố gắng phát sóng các trận đấu của K.League tại Việt Nam vài năm trước khi nắm bắt được triển vọng phát triển ở thị trường này.
Tuy nhiên, KFA cũng quan tâm đến những tác dụng phụ nếu như mở thêm hạn ngạch cầu thủ Đông Nam Á trong đội hình tại K.League. Việc có tối đa 5 ngoại binh trong một đội bóng sẽ làm giảm cơ hội thi đấu của các cầu thủ quốc nội.
Trong buổi trao đổi với trang Sportalkorea, giáo sư Choi Jun-seon ngành thể thao tại Đại học Hanyang phân tích: "Quy định này có thể gây khó khăn cho các cầu thủ Hàn Quốc. Cần thận trọng nếu muốn tăng hạn ngạch cầu thủ Đông Nam Á".
Đây là lý do khiến các nhà chuyên môn cho rằng K.League có thể học hỏi từ người hàng xóm Nhật Bản. Tại J.League, quy định mới đã được áp dụng khi hạn ngạch ngoại binh không bao gồm các cầu thủ đến từ 9 quốc gia đối tác là Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Singapore, Indonesia, Malaysia, Iran và Qatar.
Do đó, một số cầu thủ tài năng trong khu vực Đông Nam Á đã được J.League sử dụng rất thành công, điển hình như trường hợp của ngôi sao Chanathip Songkrasin thi đấu cho CLB Consadole Sapporo.
"Các đội bóng J.League đã tối đa hóa việc sử dụng cầu thủ Đông Nam Á bằng cách hợp tác với liên đoàn bóng đá những nước này. Họ tạo điều kiện hết mức cho CLB chủ quản và người thân của những cầu thủ. Do đó, bản quyền phát sóng J.League đã được bán ở một số quốc gia ASEAN. Nhiều người gợi ý rằng K.League có thể xem xét cách làm này", trang Sportalkorea kết luận.