Mỗi người trong chúng ta ai cũng mong ước có được thành công và cố gắng phấn đấu để là đạt được cái đích là sự thành công đó. Tuy nhiên, để đạt được điều này, ngoài có những yếu tố như kiến thức, kỹ năng, quyết tâm, nỗ lực, bạn cũng cần trang bị cho mình một tư duy tích cực. Tại sao lại như vậy?
Tư duy tích cực - cơ hội thành công cao hơn
Trong bài Nửa ly nước, sách Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống, tác giả Trần Đình Hoành viết: “Nếu ta quen càu nhàu, phàn nàn, tiêu cực, cả đời ta luôn càu nhàu, phàn nàn, tiêu cực. Nếu ta quen mỉm cười, vui vẻ, nồng nhiệt, cả đời ta luôn mỉm cười, vui vẻ, nồng nhiệt. Và trong hai loại người này, chúng ta biết là ai sẽ thành công trong đời, phải không?”.
Thật vậy, chúng ta ai cũng cần tìm cho mình một cái đích để vươn tới. Trong quá trình đi tới điểm đích ấy có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thất bại nhưng bạn luôn luôn có một lựa chọn. Nếu lựa chọn tiêu cực, con người sẽ có rất nhiều lý do để chán nản và bỏ cuộc giữa chừng. Còn lựa chọn tích cực, chúng ta sẽ lại có thêm động lực, lý do để lạc quan và bước tiếp về phía trước.
Sách Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống. Ảnh: H.B. |
Những lúc phải đối mặt khó khăn, thử thách ấy, phương pháp hữu hiệu nhất để chống lại sự mệt mỏi và chán nản chính là việc lựa chọn cách tư duy tích cực. Bởi tư duy tích cực không chỉ khiến chính mình sống vui vẻ, yêu đời, năng động hơn mà còn mang một nguồn năng lượng tích cực đến cho người khác và những người tích cực bao giờ cũng dễ thành công hơn những người thường xuyên càu nhàu, phàn nàn, tiêu cực.
Vì vậy, hãy rèn luyện một tâm trí tích cực vững vàng để nhìn thấy những điều tốt đẹp trong mọi việc.
Trong bài Tư duy tích cực làm được gì cho ta, tác giả sách viết: “Tư duy tích cực không đưa ta ra khỏi thế giới vẫn nhiều khó khăn thử thách này, nhưng nó giúp ta sống trong thế giới này một cách vui vẻ hơn, khỏe mạnh hơn, và thành công hơn”.
Khi tư duy tích cực, cơ hội thành công cũng cao hơn, bởi người tư duy tích cực luôn kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc. Nếu một người muốn kiếm tiền và làm giàu, họ tập trung tất cả sức lực và không bao giờ bỏ cuộc thì không thể nghèo được.
Lúc vấp ngã, thất bại, mỗi người hãy bình tĩnh suy xét mọi việc, nhìn mọi thứ với chiều hướng tích cực để điều chỉnh, thích nghi hoặc tìm một con đường riêng giúp bản thân bứt phá, tiến gần đến thành công hơn.
Niềm vui và bình an - thành công thực sự
Trong bài Sức mạnh của tư tưởng, tác giả sách viết: “Cứ nghĩ rằng mình là người đã thành công, ăn nói đi đứng suy tư như người đã thành công, rồi tự nhiên cuộc đời sẽ mang đến thành công cho mình”.
Trước khi làm bất cứ chuyện gì, chắc hẳn chúng ta đều phải suy nghĩ thật kỹ về tính đúng sai, những cái được - mất của nó. Tuy nhiên, thay vì cứ trôi theo những dòng suy nghĩ lan man, lo sợ thất bại mà chần chừ do dự, ta hãy biến chúng thành những hành động có ích cho mình.
Nếu muốn trở thành nhà lãnh đạo giỏi, bạn không chỉ tiếp thu kiến thức trong sách dạy quản lý, mà phải bắt tay vào hành động ngay như tự mình tổ chức hoạt động thiện nguyện nào đó, mời bạn bè tham gia và bạn là người lãnh đạo của nhóm.
Việc đặt trên vai mình trách nhiệm xây dựng nhóm sẽ khiến ta có cơ hội trở thành nhà lãnh đạo tài ba trong tương lai, mà nếu chỉ dừng lại ở suy nghĩ hay đọc sách cả đời thì cũng không thực hiện được.
“Nói theo nghĩa thông thường nhất, thành công có nghĩa là khi ta có một mục đích nào đó và đạt được nó, đó là thành công. Xa hơn một chút, có lẽ mọi người đều đồng ý là mục tiêu tối hậu của mỗi người trên đời chính là tìm 'niềm vui và bình an' trong lòng mình; có được niềm vui và bình an trong tâm, đó là thành công”, trích nội dung cuốn sách.
Chúng ta thường mong muốn có được thành công, nói đến thành công như một điểm đích quan trọng trong cuộc sống và tư duy tích cực sẽ đưa ta đến thành công đó.
Dẫu vậy, mỗi người lại có cách hiểu khác nhau về định nghĩa “thành công”. Thông thường, người ta cho rằng một người có tiền bạc, địa vị, tên tuổi là thành công nhưng các vị tài tử nổi tiếng đã tự tử liệu có đồng ý với định nghĩa đó không?
Mỗi chúng ta đều có một mục đích của riêng mình và khi đạt được mục đích đó thì tạm gọi là thành công. Tuy nhiên, tựu trung lại, tất cả đều đang hướng tới một mục tiêu tối hậu hơn, đó là tìm “niềm vui và bình an” trong lòng mình, bởi đó mới là thành công thực sự.
Nếu một người muốn mình trở nên giàu có hơn mà bất chấp tất cả như gian lận, chụp giật; không ngừng làm việc kiếm tiền ngày đêm dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi; nói chuyện với người khác luôn tỏ thái độ cáu gắt, bực tức, thì cho dù họ có đạt được mục đích trước mắt của mình, cũng không được coi là đã có được thành công lâu dài sau này.
Vừa đạt được những mục tiêu ngắn hạn nhưng không làm mất mục tiêu tối hậu “niềm vui và bình an”, đó mới là thành công thực sự của người có tư duy tích cực.