Trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch, nhiều nhà văn đã góp phần chống dịch bằng cách đăng tải những bài viết lan tỏa những câu chuyện đẹp, ca ngợi tình người trong mùa dịch. Người làm công tác xuất bản cũng có nhiều hành động cụ thể kêu gọi giới cầm bút và độc giả chung tay chống dịch.
Ủng hộ tinh thần chống dịch
Thời gian qua, những nhà văn nữ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã kêu gọi ủng hộ các y, bác sĩ điều trị dịch bệnh tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM). Trước đó vài ngày, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều cũng thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam phát động “Lời kêu gọi ủng hộ các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và nhân dân đang sống tại các vùng giãn cách xã hội”.
Các nhà văn nữ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã ủng hộ tiền mặt tới các y, bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện TP. Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: BVCC. |
“Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam kêu gọi các cơ quan đoàn thể, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam bằng tình cảm, sự sẻ chia sâu sắc của mình hãy chung sức đồng lòng đóng góp ủng hộ các nhà văn Việt Nam và nhân dân đang từng ngày trải qua khó khăn khốc liệt tại những vùng bị giãn cách xã hội”, trích lời kêu gọi.
Những ngày qua, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Alpha Books, có nhiều chia sẻ trước tình hình dịch bệnh. Mỗi bài đăng của ông trên mạng xã hội nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ bạn bè và người yêu sách.
Theo ông Bình, ngoài việc kêu gọi ủng hộ tài chính, cần đưa công nghệ kỹ thuật số vào doanh nghiệp trong việc thực hiện tiêm phòng vaccine.
“Chúng ta cần tận dụng sức mạnh của công nghệ, nhanh chóng đưa những công ty công nghệ hỗ trợ quá trình tiêm... Việc sử dụng công nghệ sẽ làm giảm thiểu nguy cơ xếp hàng, chen lấn, dẫn đến rủi ro nhiễm bệnh... Alpha Books sẵn sàng hỗ trợ bằng việc xây dựng các video hướng dẫn người dân biết một số khái niệm cơ bản về vaccine”, ông Bình đề xuất.
Khi cuốn Sài Gòn, còn thương thì về! của nhà văn Tống Phước Bảo lên kệ cũng là lúc TP.HCM trở thành tâm dịch. Mới đây, đơn vị phát hành là TYMBook & Media đã tổ chức cuộc thi viết “Thương lắm Sài Gòn” trên Fanpage để kêu gọi các cây bút lan tỏa tinh thần chống dịch qua các bài viết.
Bà Lê Thị Thúy Hà, CEO TYMBook & Media, cho biết: "Trong những ngày khó khăn này, nhiều cảm xúc được ghi lại, chia sẻ qua các trang mạng xã hội. Thời khắc TP.HCM trong tâm dịch sẽ là dấu ấn trong ký ức của những người đang sinh sống ở nơi đây.
Đơn vị chúng tôi hy vọng những bài dự thi khi được đăng tải lên Fanpage sẽ có sức lan toả rộng hơn, là động lực, sự san sẻ cho công cuộc chống dịch lần này. Khi tình người lan tỏa, mọi khó khăn sẽ đi qua một cách nhẹ nhàng hơn".
Chương trình "Sách trao tay, học ngày giãn cách" đã đưa hàng chục nghìn cuốn sách đến người dân khu cách ly TP.HCM. Ảnh: Thành Đoàn TP.HCM. |
“Ở nhà đọc sách, không lo giãn cách”
Tinh thần chống dịch không chỉ thể hiện qua những lời kêu gọi ủng hộ và đề xuất tích cực. Người làm sách dịp này không quên nhắn nhủ tới độc giả niềm vui đọc sách mùa giãn cách.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam - cho biết trong thời gian giãn cách, các bà mẹ có thể cùng con ở nhà chống dịch, đọc sách, làm thí nghiệm và khám phá những điều kỳ thú.
Vừa qua, đơn vị của bà cũng tham gia chương trình “Khép cửa đọc sách” (do Đoàn Thanh niên quận Phú Nhuận phát động cùng NXB Tổng hợp TP.HCM), đem hàng nghìn cuốn sách đến người dân trong khu cách ly.
“Tặng sách giúp người dân giảm bớt căng thẳng tâm lý, nạp thêm kiến thức, kỹ năng, bồi đắp đời sống tâm hồn, tình cảm. Mong bà con chóng khỏe, sớm hết cách ly để trở về với gia đình và cuộc sống bình thường trước kia”, bà Hoa Phượng chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Thái Hà Books, trong khi Covid-19 đang lây lan rất nhanh và nguy hiểm, các tin tốt lành, tích cực và các cuốn sách hữu ích cần vượt tốc độ virus để “lan” thật nhanh đến độc giả.
Không thể gặp gỡ, giao lưu với độc giả vì lệnh giãn cách, đơn vị của ông dùng mạng xã hội để kết nối bạn đọc và huy động mọi thành viên thực hiện chương trình “Ở nhà đọc sách - Không lo giãn cách”.
“Thế giới hiện nay là thế giới phẳng 4.0, kinh tế số. Trên mạng xã hội, chúng ta có thể lan tỏa những điều tích cực một cách rộng rãi nhất. Với 42.000 lượt theo dõi trên trang cá nhân, mỗi thông điệp tốt lành mà sách đem lại từ những bài viết của tôi cứ thế lan ra”, TS Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Thông qua việc tặng sách, đọc sách và kết nối trên nhóm, ông Hùng cho biết: “Nhiều người nhắn tin ‘khoe’ với tôi về ứng dụng của sách. Điều này giúp họ có cuộc sống lạc quan hơn trong mùa giãn cách”.
Hình ảnh nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn mang tiếng kèn saxophone đến Bệnh viện dã chiến TP.HCM được nhiều nhà văn chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Nghiêm Ngọc. |
Lan tỏa những câu chuyện đẹp
Dịch bệnh diễn biến căng thẳng khiến việc ra mắt sách gặp nhiều khó khăn. Thay vì tập trung ra sách, nhiều cây bút trẻ tích cực chia sẻ những bài viết thể hiện tâm tư trước những câu chuyện đẹp, ngợi ca tinh thần chống dịch.
“Hà Nội không im lặng, TP.HCM và nhiều nơi khác cũng thế... Chúng ta vẫn nghe thấy tiếng trái tim hàng ngày. Chúng ta vẫn thấy mọi người sống vì nhau, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau để cùng sống. Đấy là âm thanh từ những trái tim của những người đang dìu nhau tiến lên phía trước”, cây bút Trương Anh Ngọc chia sẻ trên trang cá nhân.
Tặng sách giúp người dân giảm bớt căng thẳng tâm lý, nạp thêm kiến thức, kỹ năng, bồi đắp đời sống tâm hồn, tình cảm.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam
Trong tiếng trái tim ấy, những ngày qua, cộng đồng mạng cùng lan tỏa tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn giữa những tòa nhà của hai khu bệnh viện dã chiến TP.HCM.
Cùng chia sẻ hình ảnh đẹp đó trên mạng xã hội, Trương Anh Ngọc viết: “Đêm ấy, sân khấu thật đặc biệt với nghệ sĩ saxophone và các khán giả của anh... Khán giả chính là hàng nghìn F0 đang điều trị cùng rất nhiều bác sĩ, y tá và nhân viên y tế. Người nghệ sĩ thổi kèn qua một chiếc khẩu trang, mũ chống bắn giọt chụp trên mặt, nhưng âm thanh nghe vẫn da diết và cảm xúc lắm, bởi nó phát ra từ trái tim anh... Trần Mạnh Tuấn đã chơi nhạc như thế, trên sân khấu đặc biệt của anh”.
Hình ảnh đẹp về người nghệ sĩ này cùng tấm ảnh chụp những chiến sĩ đội mưa trên đường truy vết F1 đã đi vào những bài thơ được đăng tải trên trang cá nhân của nhà văn Liêu Hà Trinh: “Có những giọt mồ hôi đã đổ thay chúng ta / Có những cơn ngất xỉu vì ta mà ập đến / Có những người rời nhà, lao vào nơi phải đến / Vì quê hương, vì Tổ Quốc đang cần / Có những người không một chút phân vân / Thu hoạch hết khu vườn mang đi gửi...”.